06:09, 27/09/2009

Giáo dục mầm non - Cần được quan tâm nhiều hơn

Trong sự quan tâm nói chung đối với sự nghiệp giáo dục thì bậc học mầm non là đáng quan tâm nhất bởi đây là bậc học mở đầu, khai tâm khai trí cho trẻ...

 

Học sinh trường Mầm non tư thục cao cấp Smart Kids (Hà Nội)
Học sinh trường Mầm non tư thục cao cấp Smart Kids (Hà Nội). Ảnh minh họa

Có một câu chuyện vui được kể lại từ một cuộc họp của ngành Giáo dục. Khi phân tích về nguyên nhân của tình trạng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông ngày càng giảm sút, có ý kiến cho rằng chất lượng học sinh cấp 3 ngày càng xuống là do ở cấp 2 dạy hổng kiến thức. Các giáo viên cấp 2 lại cho rằng: đó là do mất căn bản từ cấp 1. Cấp 1 lại đổ cho cấp mầm non. Các cô giáo mầm non biết đổ cho ai ngoài việc tại bố mẹ không cho con uống sữa có DHA nên con không thông minh…  Đó chỉ là một câu chuyện vui bên lề, nhưng sâu xa có một điều không phải không có lý, đó chính là tầm quan trọng của giáo dục mầm non (GDMN). Đúng như lời Bác Hồ đã dạy: “Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt”.

Trong sự quan tâm nói chung đối với sự nghiệp giáo dục thì bậc học mầm non là đáng quan tâm nhất bởi đây là bậc học mở đầu, khai tâm khai trí cho trẻ. Hơn nữa, đây cũng là bậc học còn chịu nhiều thiếu thốn nhất hiện nay, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi. Vì vậy, chất lượng và hiệu quả của bậc học này đang còn nhiều bất cập. Mới đây trả lời chất vấn trước đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cũng đã thừa nhận: Thực trạng hiện nay có đến 30% học sinh ở độ tuổi 3 - 4 tuổi không được đến trường là vấn đề bức xúc của ngành. Chất lượng của ngành GDMN đang bị thả nổi. Chính vì vậy, ngành Giáo dục đang xây dựng đề án phát triển GDMN từ nay đến năm 2015.   

Các bạn đừng tưởng chỉ có các cấp học lớn mới có bệnh chạy theo thành tích. Ở các trường mầm non bệnh thành tích cũng khá nặng nề. Bố mẹ đừng vội tin vào những lời có cánh khi nghe cô giáo nhận xét về con mình, hay trong những quyển vở ở trường con đem về nhà cho xem. Phần lớn những “tác phẩm” trong đó là do cô giáo làm thay cho các cháu, nhất là ở các cháu yếu kém không đủ khả năng để thực hiện. Thay vì hướng dẫn cho các cháu làm, cô làm giúp cho nhanh và đỡ… mệt. Thông thường, theo lý thuyết ở bậc mầm non, sau khi học hết lớp lớn, các cháu sẽ có một nền tảng để bước vào học cấp 1. Đã từng có lúc tôi cũng tin tưởng và kiên định lập trường như thế. Tôi kiên quyết cho con học hết mẫu giáo để cháu được tự nhiên vui chơi theo lứa tuổi của mình trong khi nhiều bạn học của cháu, tan giờ học ở trường mẫu giáo mẹ phải vội vàng đưa đến nhà cô để học chữ đến 19 giờ. Tôi rất yên tâm với quyết định của mình, bởi lẽ theo cô giáo cho biết, hàng ngày ở trường cô đều cho các cháu rèn chữ viết và hàng tuần cháu đều đem vở về cho mẹ ký. Một ngày, tình cờ tôi phát hiện toàn bộ vở rèn luyện chữ viết trên lớp của con tôi đều do cô giáo viết, con tôi không hề viết được chữ nào. Chung quy đó chỉ vì căn bệnh thành tích và cô cũng chỉ muốn chứng tỏ mình là một giáo viên dạy giỏi mà thôi! Câu chuyện của tôi có thể chỉ là cá biệt nhưng có một điều không thể phủ nhận, đó chính là hiện nay các cháu ở lớp mẫu giáo lớn đều phải đi học thêm sau giờ học ở trường hoặc bỏ hẳn không học lớp mẫu giáo lớn để học dự bị lớp 1.

Được biết, bắt đầu từ năm học này, các trường mầm non sẽ thực hiện chương trình GDMN mới. Các cơ sở GDMN sẽ không thực hiện chương trình 36 buổi dành cho trẻ 5 tuổi và tuyệt đối không dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ mẫu giáo - đó là một trong nhiều yêu cầu của Bộ Giáo dục - Đào tạo về việc thực hiện chương trình GDMN đối với các địa phương. Tôi chỉ là một người dân bình thường nên tôi không biết rõ lắm về nội dung chương trình giảng dạy của các trường mầm non. Song qua diễn đàn này của Báo Khánh Hòa, tôi chỉ mong muốn một điều, đó là ngành Giáo dục phải làm gì để nâng cao chất lượng GDMN - một cách thật sự - chứ không phải trên những báo cáo thành tích. Để các cháu sau khi rời trường mầm non có thể vững vàng bước vào bậc tiểu học mà không phải đi học thêm sau mỗi buổi học trên trường mầm non.

THU AN