04:09, 10/09/2009

Còn nặng tính đối phó

Mỗi năm, sinh viên (SV) của các trường đại học, cao đẳng đều học một đợt chính trị đầu năm. Tuy không được tính vào điểm tích lũy nhưng đây là điều kiện cần để xét tốt nghiệp cho SV...

Mỗi năm, sinh viên (SV) của các trường đại học, cao đẳng đều học một đợt chính trị đầu năm. Tuy không được tính vào điểm tích lũy nhưng đây là điều kiện cần để xét tốt nghiệp cho SV. Thực tế vừa qua, SV vẫn vào giảng đường nhưng học thì ít mà trốn thì nhiều.

Tôi là SV năm cuối của Trường Đại học Nha Trang. Đợt học chính trị đầu năm trước, chuyên đề mà chúng tôi được học rất hay, rất cần thiết và bổ ích cho giới trẻ, nhưng quả thực đợt học ấy của tôi cũng như của hầu hết SV chỉ là để đối phó. Vậy làm sao để SV hứng thú hơn với việc học chính trị đầu năm? Vì thường thì hễ nhắc đến học chính trị là SV trường kỹ thuật rất ngại, một phần do nhận thức còn kém, một phần do giảng viên (GV) giảng bài không sinh động, quá cứng nhắc, không thu hút được SV. Vì thế, việc dạy và học dường như chỉ mang tính hình thức…

Từ “hì hục” đi học cho có…

Mỗi một khoa được phân công học chính trị vào một buổi khác nhau, thường thì 7 giờ buổi học được bắt đầu. Nhưng đến 7 giờ 30, tất cả mới ổn định được chỗ ngồi. Buổi học được bắt đầu từ khá lâu nhưng cứ khoảng 5, 7 phút lại có một SV lót tót vào… cũng “cúi đầu”, nhưng vào tìm một chỗ ngồi thật xa và ngủ… Có những SV hôm đó bận không đi được cũng nhờ bạn đi hộ để kiếm cho mình một phiếu điểm danh. Vậy mới có chuyện khi lớp trưởng điểm danh thì nhận ra cô bạn không phải lớp mình nhưng ngồi học rất chăm, hỏi ra mới biết cô đang thực hiện “sứ mệnh” giúp bạn.

Đông đúc, ồn ào, nóng gắt, GV vẫn cứ say mê với bài giảng của mình còn hàng trăm SV ngồi dưới thì nói chuyện, nhắn tin, đọc truyện và ngủ… Thật ra giữa hội trường đông đúc như thế này chỉ có vài SV ngồi im lặng lắng nghe, nhưng có lẽ họ là những SV ngồi bàn đầu! Lắm lúc SV nói chuyện to át cả tiếng của GV, thì GV dừng lại nhắc nhở rồi tiếp tục, mấy lần như thế mà lớp vẫn ồn thì GV bó tay.

Nếu GV phát phiếu điểm danh vào đầu buổi thì chưa hết buổi học, SV sẽ lần lượt rủ nhau về. Còn phiếu điểm danh được phát vào cuối buổi thì SV lại “cúi đầu” đi ra, có thể quán café cạnh trường, có thể là quán game, quán net đâu đó để ngồi chờ đến cuối buổi, bạn “nhá máy” mới chạy vào, cốt là để lấy một phiếu điểm danh.

Đến “viết” thu hoạch…

Cuối đợt học, mỗi SV nộp bài thu hoạch khoảng từ 4 - 5 câu hỏi do GV ra đề. Cận kề buổi nộp, SV lại truyền tay nhau các đáp án mà các quán photocopy nhan nhản cạnh trường bán. Thế là thi nhau chép. Rồi biết bao nhiêu dị bản, biết bao nhiêu câu không chủ ngữ không vị ngữ do khi chép của nhau không dịch ra được thì bỏ lửng câu ngay ở đó.

Vì bài này không tính điểm mà chỉ tính đạt hay không đạt nên nhiều SV chỉ cố gắng chép cho đủ yêu cầu số lượng (thường là đủ số tờ quy định) là được, còn nội dung ra sao thì… mặc kệ. Có SV muốn làm bài nghiêm túc nhưng rồi tự hỏi: liệu người ta có đọc đến bài của mình trong hàng ngàn bài như thế này? Và rồi cũng chặc lưỡi làm theo chúng bạn.

Vậy đấy, sự coi thường môn học từ SV và sự thiếu nhiệt tâm của GV đã khiến một môn học trở nên hình thức. Đối với SV nói chung, nếu nội dung hay, lôi cuốn và có nhiều kiến thức bổ ích thì chắc chắn họ sẽ hào hứng tham gia. Để có điều đó, GV cần đầu tư nhiều hơn về bài giảng, cách giảng, mặt khác cũng cần nghiêm khắc đối với các SV lười biếng, thiếu ý thức. Có như vậy thì may ra, môn học này mới có thực chất.

NGUYỄN HÂN THIÊN