06:09, 20/09/2009

Hãy giảm áp lực học hành cho học sinh!

Tôi đã từng thức thâu đêm để làm các bài tập môn Thủ công kiểu như cắt giấy màu thành từng dải nhỏ rồi đan vào nhau y như đan rổ rá, vẽ bản đồ các châu lục của môn Địa lý...

Đọc một loạt bài đăng trên các số báo Khánh Hòa về thực trạng và nguyên nhân của chất lượng giáo dục (GD) Khánh Hòa…, tôi thấy các vấn đề Báo nêu là rất đúng. Là phụ huynh học sinh (HS), tôi muốn đóng góp ý kiến về một khía cạnh khác.

Con tôi năm nay đang học ở một trường trung học phổ thông (THPT) của Nha Trang. Suốt hơn 10 năm qua (không kể những năm cháu đi nhà trẻ, mẫu giáo) tôi đã luôn “đồng hành” với con trong việc học tập; không chỉ cùng học, cùng chia sẻ… như các nhà GD thường nói mà thực ra là làm giúp cho con nhiều công việc vượt quá sức các cháu. Quả thật, chương trình và sách giáo khoa các cấp học phổ thông bây giờ nặng thật, khác hẳn với thời chúng tôi đi học. Cả 2 vợ chồng đều đã tốt nghiệp đại học chính quy hẳn hoi nhưng không làm sao giải được nhiều bài toán “sao” của tiểu học theo cách giải của cấp học này, khiến cháu buồn mất mấy ngày. Còn khi cháu lên lớp 6, tôi đã lục tung thư viện (khi ấy Internet chưa phổ biến như bây giờ) để giúp con trả lời câu hỏi “tìm 1 thần thoại hay truyền thuyết của Việt Nam hoặc thế giới có nội dung tương tự Sự tích trăm trứng”. Tôi xấu hổ không dám kể với ai về sự kém cỏi của mình, mãi sau này có chú em là tiến sĩ làm việc ở Hà Nội về thăm mới dám rụt rè thổ lộ, hóa ra chú ấy trả lời rất hồn nhiên là “em cũng chịu, có lẽ các nhà viết sách giáo khoa viết cho nhau đọc chứ không phải viết cho HS đâu!”. Tết vừa rồi, một cháu bà con nhà hàng xóm đang học trung học ở Singapore về thăm, sau khi lật xem mấy cuốn sách giáo khoa cấp 3 nói rằng có khá nhiều nội dung bên ấy phải lên dự bị đại học hay đại học mới có; chương trình trung học của họ - trừ phần ngoại ngữ thì nhẹ hơn mình rất nhiều.

Tôi đã từng thức thâu đêm để làm các bài tập môn Thủ công kiểu như cắt giấy màu thành từng dải nhỏ rồi đan vào nhau y như đan rổ rá, vẽ bản đồ các châu lục của môn Địa lý, tỉ mỉ “sao” lại hệ tiêu hóa của môn Sinh học và cả việc chẻ củ su hào thành từng lát mỏng tanh rồi uốn thành cánh hoa của môn Nữ công gia chánh… Ông bà nội ngoại cứ la vợ chồng tôi chiều con, làm hư con nhưng quả thật nếu để cháu tự làm thì có lẽ không còn thời gian ăn uống và giải cả “núi” bài tập của tất cả môn học cho kịp với thời khóa biểu. Nhiều người cứ than oán việc học thêm tràn lan nhưng nhờ nó mà tôi có thêm nhiều bạn bè, hầu như đủ các thành phần xã hội. Chí ít, bây giờ mỗi HS từ cấp 2 trở lên phải học thêm 3 - 4 môn và không thiếu trường hợp học thêm đến 6 - 7 môn; có môn phải học thêm tới 2 thầy để được an toàn. Có cùng học với con mới hiểu được rằng nếu cứ đổ lỗi việc dạy thêm cho giáo viên để tăng thu nhập cũng có chỗ oan, vì với chương trình và sách giáo khoa như hiện nay thì thời lượng trên lớp học khó mà tải hết nội dung kiến thức, kỹ năng cần thiết, nhất là đối với diện HS đại trà. 

Hầu như phần lớn các chủ trương, chính sách mới cần được triển khai rộng rãi trong xã hội đều được đưa vào nội dung GD của các nhà trường phổ thông, kể cả GD chính khóa như phòng chống HIV/AIDS, an toàn giao thông, sức khỏe sinh sản, GD du lịch… rồi các tài liệu địa phương ở khá nhiều môn từ tiểu học đến THPT. Chúng tôi không dám nói những nội dung này không quan trọng nhưng giá như thay vì lên lớp, thầy giảng trò chép liên miên thì chuyển sang các hình thức GD bằng các kênh khác; ví như tổ chức hoạt động ngoại khóa, chiếu phim, mời người nói chuyện thực tế trong các buổi sinh hoạt đầu tuần thay cho các bài diễn văn, huấn thị nặng nề thì hiệu quả tốt hơn mà lại giảm bớt thời gian và áp lực học hành cho các cháu.

Những lúc chờ con ở các lớp học chính khóa và cả các lớp học thêm, các phụ huynh bất đắc dĩ trốn giờ Nhà nước như chúng tôi lại bảo nhau: Ông, bà nào nói chương trình phổ thông bây giờ khoa học, phù hợp thì xin mời làm thử HS 1 tuần hoặc thử thay vai cha mẹ các cháu 1 tháng chắc chắn sẽ thay đổi ý kiến ngay thôi! Những vấn đề vĩ mô, to tát, tất nhiên cứ chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, nhưng có nhiều việc trong tầm tay của Sở, của Phòng Giáo dục và của các trường sao không nghiên cứu, điều chỉnh cho HS bớt được gánh nặng trong việc học tập, rèn luyện phần nào hay phần ấy để có thời gian tập trung cho việc nâng cao chất lượng GD một cách thực chất? Như vậy không thiết thực hơn sao?

ĐỖ THỊ HÀ