Thực hiện kế hoạch chiến lược Đông - Xuân 1967-1968, đến những tháng cuối năm 1967, công tác chuẩn bị của đặc công, biệt động tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 càng được đẩy mạnh.
Thực hiện kế hoạch chiến lược Đông - Xuân 1967-1968, đến những tháng cuối năm 1967, công tác chuẩn bị của đặc công, biệt động tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 càng được đẩy mạnh. Lực lượng ở miền Bắc và vũ khí, phương tiện đặc chủng liên tục được tăng cường cho chiến trường miền Nam.
Lần đầu tiên lực lượng đặc công, biệt động tham gia tác chiến với quy mô lớn
Những đoàn cán bộ chỉ đạo hoạt động tác chiến đặc công đã có mặt tại chiến trường, tích cực làm tham mưu cho Bộ và tư lệnh các mặt trận về việc xây dựng, sử dụng đặc công; đồng thời trực tiếp chỉ đạo các lực lượng đặc công đẩy nhanh hơn nữa tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả chuẩn bị mọi mặt. Các đơn vị đặc công trên các chiến trường đã tích cực bám địa bàn, xây dựng lực lượng và củng cố thế trận, chuẩn bị mục tiêu, tranh thủ lót sẵn thêm lượng dự trữ vật chất hậu cần, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của trận quyết chiến sắp tới.
Trước Tết Mậu Thân 1968 khoảng hai tháng, các lực lượng đặc công, biệt động có nhiệm vụ tiến công các mục tiêu trong đô thị đã có mặt tại các bàn đạp, căn cứ lõm hoặc tại các cơ sở mật trong thành phố, thị xã... sẵn sàng tiến công khi có lệnh. Lần đầu tiên, lực lượng đặc công, biệt động tham gia tác chiến với một quy mô lớn.
Hầu hết các tỉnh đều có lực lượng đặc công, biệt động trực thuộc và được tăng cường của cấp trên, sẵn sàng tiến công tiêu diệt mục tiêu trong thị xã, thị trấn: Ở thành phố Huế: 3 tiểu đoàn đặc công bộ là K1, K2, 12 và 10 đội đặc công biệt động; ở thành phố Đà Nẵng: 2 tiểu đoàn đặc công 487, 489 và Đội biệt động Lê Độ; ở thị xã Hội An và thị xã Tam Kỳ, thị xã Quy Nhơn: 3 tiểu đoàn bộ binh tinh nhuệ (mỗi thị xã 1 tiểu đoàn đặc công hóa, lúc đó gọi là tiểu đoàn mũi nhọn); thị xã Quảng Ngãi: Trung đoàn Đặc công 401 của quân khu và 1 tiểu đoàn đặc công của tỉnh; thị xã Tuy Hòa và Vũng Rô: Tiểu đoàn Đặc công 403 và các đại đội đặc công độc lập 201, 202, 25; thành phố Nha Trang và Cam Ranh: 3 đại đội đặc công bộ K88, K90, K91 và 2 đại đội đặc công nước K92, K93; thị xã Kon Tum: Tiểu đoàn Đặc công 406; thị xã Pleiku và An Khê: 3 tiểu đoàn đặc công 407, 408, 450 và 2 đại đội độc lập; thị xã Buôn Ma Thuột: Tiểu đoàn Đặc công 401. Đặc biệt, ở thành phố Sài Gòn, nơi tập trung các cơ quan đầu não chỉ đạo, điều hành cuộc chiến tranh Việt Nam, ta đã tập trung lực lượng đặc công, biệt động nhiều và mạnh nhất. Riêng Phân khu 6 (các quận nội thành), ta bố trí 11 đội biệt động, tổ chức thành 3 cụm (3-4-5; 6-7-9 và 1-2-8). Các phân khu khác ở ven đô, mỗi phân khu đều có 1 đến 2 tiểu đoàn đặc công, 2 đến 4 tiểu đoàn bộ binh mũi nhọn (đặc công hóa) hướng vào nội đô để phối hợp, tiếp sức cho các cụm, đội biệt động. Ngoài ra, còn có đặc công của các sư đoàn bộ binh 5, 7, 9 và đặc công các địa phương như Bình Tân, Dĩ An, Gò Môn, Nhà Bè, Thủ Đức...
Đêm 30 rạng ngày 31-1-1968, các lực lượng vũ trang ta đồng loạt tiến công vào hầu hết các thành phố, thị xã trên toàn miền Nam Việt Nam, trọng điểm là những thành phố lớn như: Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế.
Tại Sài Gòn, các đội, cụm biệt động tập kích đồng loạt vào các cơ quan đầu não Mỹ - ngụy, gây chấn động dư luận trong nước và thế giới, không những chỉ quân viễn chinh Mỹ và quân đội, chính quyền Sài Gòn hoang mang cực độ mà cả Nhà Trắng cũng bàng hoàng, sửng sốt.
Lúc 2 giờ sáng 31-1, một đội biệt động 17 chiến sĩ tiếp cận Tòa Đại sứ quán Mỹ, nhanh chóng diệt lính gác, dùng bộc phá đánh sập tường bao, thọc thẳng vào tòa nhà chính, chiếm giữ tầng một, diệt nhiều quân cảnh, đẩy lùi các đợt phản kích của địch. Đến 9 giờ sáng, địch dùng trực thăng đổ quân đánh từ sân thượng xuống, phối hợp với quân từ nhà Đại sứ Pháp đánh sang, trận đánh không cân sức diễn ra gay go, quyết liệt, các chiến sĩ biệt động đã anh dũng chiến đấu, giành giật với địch từng bậc cầu thang, từng căn phòng. Lực lượng sinh viên, học sinh không đến chi viện được theo như kế hoạch. Toàn đội biệt động đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, đến người cuối cùng. 15 chiến sĩ đã hy sinh, 2 chiến sĩ bị thương và bị bắt.
Cùng thời gian trên, nhiều mục tiêu quan trọng khác đều bị biệt động tiến công đồng loạt. Tại Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn, ở cổng số 4 và 5 bị một bộ phận Tiểu đoàn đặc công 4 cùng với Tiểu đoàn bộ binh 2 (mũi nhọn) của Phân khu 1 (Hóc Môn, Gò Vấp) tiến công, một phần khu vực Bộ Tổng Tham mưu và nhiều vị trí quan trọng bị đánh chiếm. Trong lúc đó, tại cổng số 2 và cổng Phi Long cũng bị Cụm biệt động 679 uy hiếp mạnh. Song, lực lượng của ta và của địch quá chênh lệch, các đơn vị chiến đấu cầm cự với địch ở Bộ Tổng Tham mưu của chúng được gần hai ngày, vượt thời gian dài so với kế hoạch. Do không có lực lượng đến tiếp ứng, đến 14 giờ ngày 1-2-1968, các đơn vị biệt động không còn đạn, buộc phải phân tán lực lượng về các cơ sở.
Tại Đài Phát thanh Sài Gòn, Cụm biệt động 345 sử dụng 12 chiến sĩ tiếp cận mục tiêu, diệt lực lượng bảo vệ, chiếm giữ đài chờ kỹ thuật viên vào phát sóng kêu gọi quân dân toàn Miền nổi dậy nhưng không có đơn vị nào vào tiếp ứng, kỹ thuật viên phát thanh cũng không đến. Trước sự phản kích quyết liệt của địch, buộc ta phải phá hủy đài và tiếp tục chiến đấu, 10 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.
Tại Dinh Độc Lập, Cụm biệt động 345 sử dụng Đội 5 gồm 15 chiến sĩ (có 1 nữ) cơ động bằng xe ô tô đến tiếp cận mục tiêu. Do bộc phá không nổ, không phá được tường bao, xe ô tô chứa chất nổ không lọt được vào bên trong, nhưng tổ đột phá đã nhanh chóng nhảy vào bên trong cổng. Địch bắn chặn dữ dội, toàn đội phải lui ra, bị địch bao vây phong tỏa, ta vừa rút vừa chiến đấu trên đường Nguyễn Du, bắn cháy 3 xe Zeep, diệt nhiều lính ngụy, nhưng ta cũng bị thương vong dần, lại không có lực lượng đến tiếp ứng theo kế hoạch. Cuối cùng toàn đội đã hy sinh.
Tại Bộ Tư lệnh Hải quân, Đội biệt động 3 thuộc Cụm 345 có 16 chiến sĩ cơ động bằng ô tô đến tiếp cận mục tiêu tại cổng chính, diệt lính gác, lao ngay vào bên trong, tỏa ra đánh chiếm các vị trí dưới làn đạn xối xả của địch, quân số bị hao hụt nhanh chóng, số còn lại cầm cự đến sáng vẫn không thấy lực lượng bên ngoài vào. Cuối cùng, 14 chiến sĩ hy sinh, chỉ còn 2 chiến sĩ (có 1 nữ) vượt được vòng vây về ẩn nấp ở cơ sở.
Ở Nhà lao Chí Hòa, Đội biệt động 90C không thực hiện được ý định tiến công tiêu diệt bọn cai ngục, giải thoát tù nhân vì trên đường cơ động đã phải chiến đấu và rút lui. Cụm biệt động 128 đảm nhiệm tiến công Tổng nha Cảnh sát và Biệt khu Thủ đô cũng không hoàn thành nhiệm vụ vì không tiếp cận được mục tiêu.
Các mục tiêu ven đô như Tổng kho Hạnh Thông Tây (Gò Vấp), căn cứ pháo binh Cổ Loa (Gò Vấp), căn cứ thiết giáp Phù Đổng, sân bay Tân Sơn Nhất... cũng bị các đơn vị đặc công, biệt động tập kích gây cho địch nhiều tổn thất.
Sát với Sài Gòn, các tỉnh Tây Ninh, Biên Hòa, Long An... các mục tiêu trong thị xã cũng bị tiến công đồng loạt. Điển hình như ở Biên Hòa, hàng trăm máy bay bị phá hủy, hàng nghìn tấn bom đạn bị đánh nổ, nhưng ta cũng bị thương vong lớn.
Ở chiến trường Trị - Thiên, trọng điểm của cuộc Tổng tiến công là thành phố Huế. Tại đây, trước ngày Tổng tiến công, các đơn vị biệt động thành đã ém sẵn trong thành phố, các đơn vị đặc công, bộ binh cũng đều tập kết trong các bàn đạp trên hành lang. Vì vậy, ngay từ những phút đầu, các đơn vị đặc công, biệt động đã đánh trúng mục tiêu được giao như: Khách sạn Thuận Hóa, khách sạn Hương Giang, Sở chỉ huy Sư đoàn bộ binh quân đội Sài Gòn ở Mang Cá, sân bay Tây Lộc... Nhưng tại các mục tiêu này, đặc công không chiếm giữ được lâu vì quân số ít, vũ khí trang bị có hạn, lực lượng tiếp ứng không đến kịp, nên phải rút ra ngoài phối hợp với bộ binh vây ép trong suốt quá trình tổng tiến công ở Huế.
Ở khu vực Đại Nội, Đại đội 1 của Tiểu đoàn đặc công 12 cùng với bộ binh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, diệt gọn địch, chiếm giữ chắc mục tiêu được phân công, tạo điều kiện cho các lực lượng vũ trang và nhân dân phát triển tiến công đánh chiếm thành phố. Từ ngày 8-1, các vị trí địch trong nội thành và vùng ven căn bản đã bị tiêu diệt, tiếp theo ta đánh địch phản kích, giữ quyền làm chủ thành phố Huế trong 25 ngày đêm.
Ở Khu 5 và Tây Nguyên, hầu hết các thành phố, thị xã đều bị đặc công, biệt động tiến công. Các Sở chỉ huy của địch từ tiểu đoàn đến quân đoàn và nhiều sân bay, kho tàng, bến cảng bị tập kích. Nhưng ở đây, việc thực hiện đánh đồng loạt không thống nhất, do hiệp đồng thiếu chặt chẽ và một số địa phương hiểu thời khắc Giao thừa khác nhau nên có nơi đánh trước, có nơi đánh sau, gây khó khăn cho các đơn vị đánh sau khi yếu tố bí mật bất ngờ không còn.
Như vậy, trong hai tháng thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng, ngay từ những phút đầu đến suốt quá trình của đợt tổng tiến công, đặc công, biệt động đã ra quân với một lực lượng hùng hậu nhất từ trước đến thời điểm này, có thể nói đã huy động toàn bộ lực lượng có trong tay, gồm cả đặc công chủ lực, đặc công địa phương và đặc công du kích làm mũi nhọn sắc bén, luồn sâu, thọc sâu vào hậu phương địch. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, bằng trí thông minh, trình độ chiến thuật điêu luyện và tinh thần dũng cảm vô song, lòng yêu nước cao độ "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", các đơn vị đặc công, biệt động đã mở màn xuất sắc cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy bằng loạt trận đánh vào các thành phố, thị xã trên toàn miền Nam. Đặc biệt là ở Sài Gòn, lực lượng biệt động đã đánh trúng cơ quan đầu não chiến lược của Mỹ, chính quyền Sài Gòn gây chấn động mạnh cho cả nước Mỹ, có thể nói lực lượng biệt động đã lập công đầu.
Ở các địa bàn khác cũng vậy, từ Trị - Thiên đến Khu 5 và Tây Nguyên, ngay từ những phút đầu của "giờ G", những mục tiêu hiểm yếu, quan trọng trong hầu hết các thành phố, thị xã đều do các đơn vị đặc công, biệt động nổ súng tiến công đầu tiên; các lực lượng vũ trang và nhân dân thường lấy tiếng súng của đặc công, biệt động làm hiệu lệnh nổ súng chung cho cuộc tiến công trong địa bàn, địa phương mình.
Những chiến công xuất sắc, chiến thắng vang dội của lực lượng đặc công, biệt động ở Sài Gòn và các thành phố, thị xã khác trong những ngày Tết Mậu Thân 1968 là một đỉnh cao thắng lợi của chiến tranh nhân dân Việt Nam, chúng ta đã thực sự đưa được chiến tranh nhân dân vào đô thị, biến hậu phương địch thành chiến trường của ta, tạo nên sức mạnh và hiệu quả của cuộc tổng tiến công chiến lược, đánh bại chiến lược "chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang, chấp nhận đàm phán với ta để tìm giải pháp kết thúc chiến tranh ở Việt Nam.
Tuy nhiên, tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đặc công, biệt động đã huy động hết lực lượng có trong tay, mà tác chiến chủ yếu ở địa bàn đô thị sâu trong hậu phương địch với hy sinh to lớn như vậy đã để lại cho đặc công, biệt động những tổn thất không nhỏ. Sau tổng tiến công, hầu hết lực lượng còn lại ở đô thị bị bộc lộ, nhiều cán bộ, chiến sĩ bị địch truy lùng gắt gao, nhiều cơ sở mật bị địch bóc gỡ, phải mất thêm thời gian mới khôi phục lại được.
Qua cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đối với đặc công, biệt động tham gia với vai trò là lực lượng mũi nhọn luồn sâu, tiến công những mục tiêu hiểm yếu, quan trọng trong đô thị, có thể rút ra một số vấn đề sau:
Thấu suốt và chấp hành nghiêm sự lãnh đạo của Đảng, của quân đội
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đặc công, biệt động từng bước phát triển. Lúc đầu chỉ là những tổ, đội nhỏ, lẻ biên chế trong các đơn vị vũ trang địa phương, sau dần phát triển lên thành tiểu đoàn, trung đoàn, rồi nhiều tiểu đoàn, trung đoàn và vươn tới đỉnh cao về quy mô tổ chức là một binh chủng. Cùng với sự phát triển về lực lượng, nghệ thuật tác chiến cũng phát triển theo, từng bước được hoàn chỉnh cả về lý luận và thực tiễn. Có sự phát triển đó là nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, của quân đội đã xác định cho đặc công, biệt động về vị trí, chức năng, nhiệm vụ và thường xuyên chăm lo, chỉ đạo, tạo điều kiện để đặc công, biệt động phát huy được vai trò của mình.
Trong thực tế chiến đấu, đặc công, biệt động luôn quán triệt, thấu suốt và chấp hành nghiêm các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo về xây dựng và tác chiến của Đảng, lấy đó làm nhân tố cơ bản quyết định mọi thắng lợi. Trong đó, những tư tưởng chính về chỉ đạo tác chiến được đặc biệt coi trọng là "lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn", "bí mật bất ngờ, đánh nhanh, đánh trúng, đánh hiểm", "đặc biệt dũng cảm, tiến công kiên quyết, táo bạo", "đặc công, biệt động phải đi sâu vào hậu phương địch, tìm những mục tiêu có giá trị để đánh"... Những tư tưởng ấy đã thấm nhuần trong từng cán bộ, chiến sĩ và biến thành sức mạnh hành động của đặc công, biệt động trong suốt chặng đường kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trước khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 diễn ra, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và quân đội, các lực lượng đặc công, biệt động đã xây dựng được lực lượng và một thế trận hoàn chỉnh trong thế trận chung của chiến tranh nhân dân Việt Nam ngay trong hậu phương địch. Vì vậy, đến khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy nổ ra thì lực lượng đặc công đã thực hiện tốt vai trò xung kích, mũi nhọn tiến công các cơ quan đầu não địch trong đô thị, giành được những chiến công xuất sắc, góp phần làm nên thắng lợi chung của cuộc tổng tiến công.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, trước những âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch, để đặc công, biệt động tiếp tục phát huy được vai trò mũi nhọn cùng với quân, dân cả nước bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thì việc không ngừng củng cố, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng lại càng cần thiết hơn lúc nào hết, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ phải thường xuyên quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng quân đội nhân dân; chấp hành nghiêm các mệnh lệnh, chỉ thị của Bộ về tổ chức lực lượng, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu... Từ đó, xây dựng Binh chủng và các đơn vị đặc công, biệt động nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu và khả năng chiến đấu đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Chuẩn bị chu đáo, trước một bước cho đặc công, biệt động tham gia tác chiến
Địa bàn hoạt động tác chiến của đặc công, biệt động là sâu trong hậu phương địch, nếu không chuẩn bị chu đáo sẽ không thực hiện được "bí mật bất ngờ, đánh trúng, đánh nhanh, đánh hiểm" và như vậy cũng tức là không thực hiện được chức năng làm lực lượng mũi nhọn, không hoàn thành nhiệm vụ tiến công tiêu diệt các mục tiêu hiểm yếu, quan trọng... Công tác chuẩn bị cho đặc công, biệt động tham gia tác chiến gồm nhiều nội dung như chuẩn bị con người; chuẩn bị hành lang, bàn đạp, cơ sở; chuẩn bị phương án, kế hoạch tác chiến; chuẩn bị vật chất hậu cần, kỹ thuật... Chỉ riêng công tác chuẩn bị vũ khí, trang bị trong nội dung chuẩn bị vật chất hậu cần, kỹ thuật, đã cho thấy đây là công việc cực kỳ khó khăn, gian khổ, phức tạp, vô cùng nguy hiểm.
Vũ khí chiến đấu trong đô thị của đặc công, biệt động là các loại mìn, lựu đạn, súng tiểu liên, súng ngắn và các loại thuốc nổ. Trong đó, chủ yếu nhất là thuốc nổ được chắp nối, kết cấu thành các loại thủ pháo, bộc phá, lượng nổ với các trọng lượng, kích cỡ khác nhau và các cách gây nổ khác nhau. Các loại vũ khí đó, việc khai thác tại chỗ ngay trong đô thị đang bị địch chiếm đóng là rất hạn chế mà phải vận chuyển theo các hành lang bí mật từ ngoài vào. Quá trình vận chuyển, người làm nhiệm vụ chuyên chở phải có "vỏ bọc" hợp pháp, có công việc thích hợp, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; phương tiện, vũ khí cũng phải được ngụy trang, nghi trang khéo léo dưới các dạng hàng hóa phù hợp với từng địa bàn nhằm che mắt sự soi mói, kiểm tra, kiểm soát của địch.
Khi đã chuyển từ bên ngoài vào, còn phải có cơ sở cất giấu bí mật trong nội đô, cơ sở cất giấu cũng phải có "vỏ bọc" hợp pháp, địa điểm cất giấu phải có đủ các điều kiện, vừa bảo đảm giữ được chất lượng vũ khí, vừa có tính bất ngờ, tránh được mọi thủ đoạn kiểm tra, phát hiện của địch, đồng thời phải tiện cho việc cấp phát và sử dụng... Để chuẩn bị một khối lượng lớn vũ khí trang bị cho các đơn vị đặc công, biệt động tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, chỉ tính riêng cho biệt động Sài Gòn tác chiến trong đô thị, công tác chuẩn bị vũ khí đã được tiến hành từ nhiều năm trước đó, đến trước khi diễn ra cuộc Tổng tiến công khoảng ba tháng, ta đã có 13 hầm chứa vũ khí với trữ lượng hàng chục tấn gồm các loại thuốc nổ, mìn, lựu đạn, súng AK, súng ngắn, B40, B41... Tiêu biểu như hầm vũ khí ở gia đình đồng chí Đỗ Văn Căn gần với Biệt khu Thủ đô và Cơ quan viện trợ Mỹ, chứa 50kg đạn, 20 lựu đạn...; hầm vũ khí ở gia đình đồng chí Trần Văn Lai chứa 350kg thuốc nổ, 10 tiểu liên AK, 3.000 viên đạn, 2 súng B40, B41, 20 quả đạn, 50 lựu đạn, 1 súng ngắn...; hầm vũ khí ở gia đình đồng chí Trần Tấn Quốc chứa hàng chục tấn... Do vũ khí được chuẩn bị trước nên đã bảo đảm cho các đơn vị đặc công, biệt động sử dụng kịp thời khi có lệnh tổng tiến công, phát huy được vai trò mũi nhọn lập công xuất sắc, góp phần làm nên thắng lợi trong cuộc tiến công vào các đô thị trong Mậu Thân 1968.
Ngày nay, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, đặc công, biệt động tiếp tục được Đảng, Nhà nước và quân đội giao làm lực lượng mũi nhọn thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ đó, đặc công, biệt động đã và đang tích cực tiến hành công tác chuẩn bị mọi mặt về xây dựng lực lượng, xây dựng thế trận đặc công trong thế trận quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân và mua sắm vũ khí, trang bị phù hợp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Phối hợp, hiệp đồng tác chiến chặt chẽ giữa đặc công, biệt động với các lực lượng
Tác chiến của đặc công, biệt động đòi hỏi hiệp đồng phải chặt chẽ và cụ thể. Không những hiệp đồng giữa các đơn vị đặc công, biệt động với nhau mà còn phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng khác. Thực tế trong tổng tiến công, đặc công, biệt động đã tổ chức hiệp đồng chặt chẽ về thời gian và mục tiêu ở quy mô rộng lớn trên toàn miền. Để đưa một lực lượng lớn luồn sâu, thọc sâu, đánh tập kích bí mật vào sau lưng địch, trong lòng địch thì phải hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, nhất là lực lượng vũ trang địa phương và quần chúng thì mới tạo cho mình một hậu thuẫn vững chắc, giúp cho đặc công, biệt động khắc phục được những khó khăn, nhược điểm, phát huy ưu điểm hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu.
Qua cuộc tổng tiến công có thể rút ra kinh nghiệm đối với các binh chủng là, trong chiến đấu hiệp đồng, nếu biết khai thác khả năng chiến đấu của đặc công, biệt động, sử dụng đúng đặc điểm và yêu cầu chiến đấu thì càng phát huy tốt hơn nữa kết quả chiến thắng. Sự phối hợp đó tạo nên các trận đánh rất táo bạo, mưu trí, xử trí tốt những tình huống khó khăn, bất lợi. Tuy nhiên, bên cạnh những thắng lợi to lớn, trong một số trận cụ thể, việc hiệp đồng giữa các bộ phận, giữa đặc công với các lực lượng khác cũng còn thiếu chặt chẽ, không được như kế hoạch, khiến nhiều đơn vị đặc công, biệt động phải chiến đấu gần như "đơn thương độc mã", quân số ít, vũ khí trang bị có hạn, phải kéo dài thời gian trụ bám giữa hang ổ địch, khó tránh khỏi tổn thất, có đơn vị hy sinh đến người cuối cùng (trận đánh vào Đại sứ quán Mỹ).
Những bài học kinh nghiệm về phối hợp, hiệp đồng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của đặc công, biệt động đã được các đơn vị đặc công, biệt động vận dụng có hiệu quả trong các chiến dịch Tây Nguyên, Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 cũng như trong các hoạt động, tác chiến đặc công trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia sau này. Ngày nay, trước những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, đặc công, biệt động được Đảng và quân đội giao cho những nhiệm vụ quan trọng, là một trong những lực lượng tiên phong thực hiện các nhiệm vụ A2, chống khủng bố. Vì vậy, các bài học kinh nghiệm tác chiến trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 vẫn cần được nghiên cứu vận dụng vào huấn luyện để nâng cao lòng tự hào về truyền thống, nâng cao sức mạnh chiến đấu cho bộ đội.
Kỷ niệm 50 năm (1968-2018) thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ghi chép lại những diễn biến chính và rút ra một số vấn đề có tính kinh nghiệm của đặc công, biệt động khi tham gia tổng tiến công, từ đó khẳng định thêm một lần nữa, nhận thức sâu sắc hơn về sự sáng tạo của Đảng trong việc kế thừa, phát triển nghệ thuật đánh giặc của dân tộc ta, đã sáng suốt hoạch định đường lối chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng Quân đội nhân dân và xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ cho Binh chủng Đặc công.
---------------
Đại tá VŨ HỒNG QUANG, Phó chính ủy Binh chủng Đặc công
* Tham luận được đăng trong Kỷ yếu tại Hội thảo “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử” tại TP Hồ Chí Minh ngày 29-12-2017.
Theo QĐND Online