06:01, 22/01/2018

Cuộc tiến công Tết Mậu Thân tại Khánh Hòa

Vào những tháng cuối năm 1967, mặt cơ bản của tình hình là ta đang ở thế thắng, thế chủ động và thuận lợi, địch đang ở thế thua, thế bị động và khó khăn. Trên cơ sở so sánh thế và lực cụ thể có lợi cho ta, bất lợi cho địch, xuất phát từ nhận định tác động sâu sắc của những thất bại ngày càng nặng nề của chiến tranh Việt Nam ...

Vào những tháng cuối năm 1967, mặt cơ bản của tình hình là ta đang ở thế thắng, thế chủ động và thuận lợi, địch đang ở thế thua, thế bị động và khó khăn. Trên cơ sở so sánh thế và lực cụ thể có lợi cho ta, bất lợi cho địch, xuất phát từ nhận định tác động sâu sắc của những thất bại ngày càng nặng nề của chiến tranh Việt Nam đối với tình hình chính trị nước Mỹ và nhận định thời cơ thuận lợi, có khả năng kéo Mỹ xuống thang để thắng Mỹ, chuyển cuộc kháng chiến của ta sang giai đoạn mới, Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng vào tháng 12-1967 đã hạ quyết tâm: “Động viên những cố gắng lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên một bước phát triển mới, thực hiện tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt để giành thắng lợi quyết định”.


Khánh Hòa mở chiến dịch mùa thu năm 1967 là nhằm chuẩn bị thực hiện phương hướng chiến lược trên đây của Đảng. Dựa vào Nghị quyết của Khu ủy tháng 9-1967 để chuẩn bị cao trào tiền khởi nghĩa, cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy mở rộng với Ban Chỉ huy mặt trận tiền phương tỉnh vào cuối tháng 11-1967 đã soát xét lại tình hình các mặt và ổn định nhiệm vụ của tỉnh. Đầu tháng 12-1967, nghị quyết được quán triệt cho cán bộ các cấp, các ngành trong tỉnh dưới hình thức chỉnh huấn cho tất cả 3 khối quân, dân, Đảng. Cơ quan chỉ đạo của Tỉnh ủy, huyện ủy được chuyển xuống sát đồng bằng, thị xã, hợp nhất 2 huyện Bắc và Nam Ninh Hòa. Trong tháng 1-1968 công tác chuẩn bị được triển khai hết sức khẩn trương, tập trung một lực lượng tương đối lớn cho trọng điểm Nha Trang.


Quyết tâm của Tỉnh ủy là đánh một số điểm then chốt lợi hại trong thị xã, tập trung vào các cơ quan đầu não Mỹ, ngụy và chư hầu. Lợi dụng thời cơ địch đang hoang mang dao động, phát triển tiến công các cơ quan và lực lượng vũ trang địch còn lại, tạo điều kiện cho nhân dân nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền.


Lực lượng tiến công vào Nha Trang gồm Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 20 (Sao Thủy), 3 đại đội đặc công, 1 đại đội công binh, 2 trung đội địa phương Nha Trang - Vĩnh Xương. Tổng số lực lượng vũ trang tham gia tấn công Nha Trang  có gần 500 đồng chí. Về hỏa lực có 4 cối 82 ly, 2 ĐKZ75, 1 đại liên, 5 cối 60 ly. Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 20 đứng chân ở phía bắc bến đò Xuân Phong sẵn sàng chờ lệnh. Lực lượng dự bị là Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 20 đang công tác tại Ninh Hòa, sẽ điều động cho Nha Trang trước “giờ G”.


Ban Chỉ huy mặt trận chung toàn tỉnh mang ký hiệu K.5 được thành lập do đồng chí Nguyễn Ngọc Hoanh - Tỉnh đội trưởng làm chỉ huy trưởng, đồng chí Lê Viết Thuận - Trung đoàn trưởng Trung đoàn Sao Thủy làm chỉ huy phó, đồng chí Phạm Thành Huyên (Ba Huệ) - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa làm chính ủy. K.5 quyết định thành lập Ban Chỉ huy tiền phương do đồng chí Trần Chiến Lược - Trung đoàn phó Trung đoàn Sao Thủy làm chỉ huy trưởng, đồng chí Lê Tụng -  Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy kiêm Bí thư Thị ủy Nha Trang làm chính ủy tiền phương đi sát cùng các đơn vị vào trong thị xã. Ban Chỉ huy mặt trận chung toàn tỉnh (K.5) đóng cơ quan ở đầu suối Kim Liên, gần đỉnh Năm Nọc. Sở Chỉ huy tiền phương đóng ở thôn Vĩnh Hội (Ngọc Hiệp).


Tỉnh ủy tăng cường cho Nha Trang khá đông cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Hàng trăm anh chị em cán bộ và cơ sở nội thành được huy động gấp rút chuẩn bị các phương tiện vật chất cần thiết phục vụ cho chiến dịch. Một số khá đông cơ sở lo cắt cờ hòa bình có in hình chim bồ câu, in truyền đơn. Họ còn giúp tiền bạc, xe cộ, thức ăn và trên 300 bộ quần áo biệt kích cho bộ đội ta cải trang. Các công việc ấy được tiến hành gọn gàng, trót lọt và giữ được tuyệt đối bí mật trước “giờ G”.


Thường vụ Khu ủy Khu V quyết định thành lập 1 chi bộ gồm 6 đồng chí do đồng chí Nguyễn Thị Lễ (Mười Minh) làm bí thư, vào tăng cường cho Nha Trang bằng con đường hợp pháp. Chi bộ có nhiệm vụ tổ chức và lãnh đạo quần chúng ở các khu vực: Hà Ra, Xóm Mới, khu Máy Nước, chuẩn bị kế hoạch phối hợp đánh chiếm đài phát thanh, vận động quần chúng sẵn sàng chuẩn bị khi thời cơ đến thì xuống đường đấu tranh giành chính quyền.


Trong chỉ đạo thực hiện, Tỉnh ủy động viên cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân Nha Trang quyết tâm thực hiện mệnh lệnh do đồng chí Kiều Hoàng (Lâm) đại diện Khu ủy Khu V truyền đạt chỉ tiến hành 1 phương án đánh chiếm lĩnh, rồi trụ lại đánh địch phản kích, chứ không lui ra vùng ven Vĩnh Xương như đã dự kiến, phát động làm lễ ra quân, quyết tử để giải phóng quê hương.


Mặc dù gian khổ hy sinh nhưng cán bộ và chiến sĩ bước vào trận chiến với tinh thần lạc quan và quyết tâm rất cao “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.


Ban chỉ đạo chung của Tỉnh ủy gồm các đồng chí: Nguyễn Hồng Châu - Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Tô Văn Ơn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Võ Cứ - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Hòa - Chính ủy Trung đoàn Sao Thủy cùng 1 bộ phận tổ chức gọn nhẹ có điện đài để liên hệ với Khu, đóng cơ quan tiền phương tại ven rừng thôn Đại Điền Nam để theo dõi chỉ đạo cuộc tiến công và nổi dậy trong toàn tỉnh, đặc biệt theo dõi chỉ đạo trọng điểm Nha Trang bằng đường dây hợp pháp.


Lúc 20 giờ đêm 29 Tết, Thường trực Tỉnh ủy nhận điện của Quân khu bảo đình lại để qua tối mùng Một Tết mới đánh. Nhưng mọi việc đã chuẩn bị sẵn sàng, cuộc chiến đấu sắp nổ ra, không thể nào hoãn kịp. Do đó, Thường trực Tỉnh ủy quyết định không phổ biến lệnh này xuống các đơn vị, đồng thời gửi điện khẩn về Quân khu xin cho tiến hành như kế hoạch đã định. Chỉ vài giờ sau, Thường trực Tỉnh ủy nhận được điện của Quân khu trả lời: “Nhất trí cho tiến hành”. Bức điện do đồng chí Hai Mạnh (tức Chu Huy Mân), Tư lệnh Quân khu ký. Được sự chấp thuận của cấp trên, đúng theo kế hoạch, cuộc tiến công và nổi dậy của quân và dân Khánh Hòa diễn ra đồng loạt, đều khắp các quận lỵ và thị trấn, thị xã.

 

 

Tại Nha Trang, trưa ngày 29 Tết, lễ xuất quân tổ chức tại gộp Mậu Thân (Đồng Bò). Sau đó đoàn quân lên đường, khoảng 17 giờ cùng ngày qua Eo Gió, 18 giờ đến núi Thái Thông nghỉ chân, chuẩn bị hành quân đêm. Khoảng 1 giờ 30 sáng mùng Một Tết (tức 0 giờ 30, giờ Hà Nội), các đơn vị tiến công vào Nha Trang đến vị trí tập kết cuối cùng tại sông Phường Củi (Vĩnh Hội). Cối 82 do đồng chí Phương, cán bộ của thị đội dẫn đường, do không nắm được giờ Sài Gòn đi trước giờ Hà Nội một tiếng đồng hồ, nên mới 23 giờ rưỡi đêm giao thừa 29 Tết đã nổ súng vào sân bay Nha Trang, làm cháy kho đạn tại sân bay; địch phải dời số máy bay quanh đó đi ngay trong đêm. Tình hình này làm cho địch có sự đề phòng, ra lệnh thiết quân luật trong toàn thành phố. Những tiếng còi rú lên inh ỏi từ hướng sân bay. Những loạt đạn pháo nổ ầm ầm liên tiếp và những ngọn đèn dù từ máy bay C47 tung ra, treo lơ lửng sáng rực cả bầu trời phía Tây Nha Trang.
 
 
Cánh quân chủ yếu có nhiệm vụ đánh vào Tỉnh đường (cánh A) vừa qua sông xong, có 3 xe ô tô chờ sẵn tại vị trí đã hẹn để chở đến các mục tiêu:
 
- Xe Lampro, mang biển số HA/5515 chở 20 quân vào Tỉnh đường do anh Trần Văn Cháu lái.
 
- Xe Jeep, chở 20 quân đánh vào Tiểu khu do anh Trần Đình Mười lái.
 
- Xe Peugeot chở quân vào đánh Sở Tiếp vận 5 do anh Thái Thông lái.
 
Đây là những chiếc xe của cơ sở và chủ xe tự lái lấy. Chiến sĩ thuộc các đại đội đặc công K90, K91, mặc quần áo cải trang lên xe (quần áo biệt kích). Vì xe chật nên một số chiến sĩ của đại đội 3 (tiểu đoàn 7, trung đoàn 20) chạy bộ.
 
Mặc dù trong thành phố đã có lệnh báo động, thiết quân luật, nhưng xe cộ và người đi bộ vẫn đi lại nhộn nhịp trong đêm giao thừa đón xuân. Nhờ vậy mà đoàn xe của ta đàng hoàng bon trên đường phố, tiến thẳng đến mục tiêu đã định không bị cản trở. Thời gian lúc đó là 2 giờ sáng ngày mùng Một Tết. Quân ta nhanh chóng, hình thành thế bao vây địch chặt, đánh thốc vào sở chỉ huy, khu điện đài, làm tê liệt địch ngay từ phút đầu chúng không kịp trở tay. Trên cả 3 mục tiêu: Tỉnh đường, Tiểu khu, Sở Tiếp vận 5, quân ta hợp đồng chiến đấu nhịp nhàng ăn khớp. Sau hơn 10 phút, quân ta hoàn toàn làm chủ cả khu vực, diệt và làm bị thương số lớn quân địch, trong đó có tên thiếu tá Dương Văn Sang, trưởng khối chiến tranh chính trị của Sở Tiếp vận 5, số còn lại chui rúc tìm cách tháo thân hoặc đầu hàng quân giải phóng. Tên trung tá Lê Khánh, tỉnh trưởng kiêm trưởng tiểu khu Khánh Hòa thoát chết do anh em ta không biết mặt.
 
Lúc này sự chống cự của địch rất yếu ớt, thừa thắng ta phát triển đến đường Yersin, Duy Tân (nay là đường Trần Phú). 
 
Cánh B gồm đại đội đặc công 88 và đại đội 2 tiểu đoàn 7 trung đoàn 20, sau khi qua khỏi bến đò Kim Bồng, vì bị lạc đường mãi đến 2 giờ sáng ngày mùng Một Tết (31-1-1968) mới tiếp cận mục tiêu đài phát thanh, đã triển khai chiến đấu dũng cảm diệt trung đội nghĩa quân trên đồi Trại Thủy. Sau đó phát triển sang hướng ngã Sáu - Nhà Thờ, định tiến ra phía bờ biển nhưng gặp các đơn vị địch ra ngăn chặn, lực lượng ta phải chiến đấu quyết liệt, sau đó trở lại trụ ở đồi Trại Thủy. Một bộ phận bám đường xe lửa, dùng B40 bắn sập một góc đài phát thanh, hạ một trực thăng nhưng chưa chiếm được đài.
 
Cánh C do đại đội 1 tiểu đoàn 7 trung đoàn 20 tiến quân khi đến cánh đồng Thủy Tú, Vĩnh Xuân (Vĩnh Thái) thì cũng vừa lúc pháo ta đánh vào sân bay, địch phản pháo, thả đèn sáng nên ta tiếp cận mục tiêu chậm. Tuy vậy quân ta vẫn chiếm được bót Ông Đề, Cô Châu, tiến công tiểu đoàn 65 truyền tin, tiểu đoàn vận tải, đại đội công binh cầu nổi.
 
Cánh quân phối hợp gồm 1 trung đội công binh có nhiệm vụ phá cầu Xóm Bóng, chặn địch từ trường Hạ sĩ quan Đồng Đế sang tiếp viện. Lực lượng ta từ Núi Sạn tiến qua Ngọc Thảo, khi gần tiếp giáp với cầu Hà Ra, bị địch phát hiện. Ta nổ súng tiêu diệt một số tên lính bảo vệ, nhưng không phá được cầu. Bọn địch ở đây khá đông, ta buộc phải rút lui về Núi Sạn.
 
Từng tốp cố vấn Mỹ, ngụy quân, ngụy quyền lui dần về chợ Xóm mới, sân bay. Những tên công an cảnh sát lột bỏ quân phục, mặc thường phục, tay xách nách mang, kéo vợ con hòa vào dòng người di tản. Qua loa phóng thanh, tên tổng trấn Đoàn Văn Quảng vẫn nhai nhải: "Nếu binh sĩ và nhân viên nào không trở lại quân ngũ và nhiệm sở ngay bây giờ sẽ bị trừng trị theo quân luật". Tuy hăm dọa thế, nhưng tá lo đằng tá, lính lo phận lính, chúng vẫn bám và cùng di tản với gia đình. Mãi đến 4, 5 ngày sau, chúng mới lần lượt kéo nhau về đơn vị cũ trình diện.
 
Nhiều đợt phản kích của địch bằng bộ binh có xe tăng và xe bọc thép yểm trợ, đều bị quân ta bẻ gãy. Ở khu vực Tiểu khu, Tỉnh đường, Sở Tiếp vận 5, tiểu đoàn biệt kích nhảy dù Mỹ mở rất nhiều đợt xung phong, bị thương vong rất lớn, ngay cấp "chỉ huy bị thương và bị sát hại đến 80%" (1), nhưng không sao chiếm lại được những vị trí đã mất.
 
Bọn địch lồng lên như con thú dữ bị trọng thương. Bộ chỉ huy Việt-Mỹ-Hàn đã phải ra lệnh dùng máy bay hủy diệt các mục tiêu bị quân ta chiếm giữ. Thế là những quả đạn rốc-két, bom phá, bom na-pan từ trên máy bay dội xuống, từ tàu thủy bắn vào làm hư hại nặng Tiểu khu, Sở Tiếp vận 5, làm sập một góc Tòa Hành chính tỉnh.
 
Bom đạn của địch cũng dội xuống các khu phố đông dân, làm chết và bị thương nhiều người, triệt hạ một phần Xóm Cồn, thiêu hủy hàng trăm nóc nhà ở khu Máy Nước, Cô Châu.
 
Trong thành phố những đám cháy bốc lên dữ dội. Tiếng bom đạn nổ liên hồi không dứt. Ở khu vực Tiểu khu, Tỉnh đường, Sở Tiếp vận 5, quân ta đã có nhiều đồng chí thương vong, nhưng quyết không rời trận địa. Bảy chiến sĩ ta trụ lại trên lầu 2 của Sở Tiếp vận 5, dùng B40 và AK diệt nhiều địch và hai xe bọc thép V.100 ở ngay trước cổng, chiến đấu hy sinh cho đến người cuối cùng. Đồng chí Hoàng Hiệp (tức Nguyễn Thái Tôn) Trưởng tiểu ban đặc công của tỉnh và đồng chí Lê Văn Hạnh, chỉ huy trưởng đại đội đặc công K90 hy sinh anh dũng tại đây, đồng chí Cao Minh Phi, trưởng ban an ninh thị xã hy sinh anh dũng tại đường Sinh Trung, sau khi đã dùng súng ngắn diệt địch. Đồng bào đã tặng bộ đội ta "Gang thép hơn thép gang"
 
Ở khu đồi Ông Phật (đồi Trại Thủy) quân ta chiếm đỉnh đồi, dùng các loại hỏa lực đánh lui nhiều đợt xung phong của các cánh quân địch. Khoảng 17 giờ ngày mùng Một Tết, do đạn dược còn rất ít, trận địa quá căng thẳng, nên quân ta chủ động rút về hướng Bắc, qua sông Kim Bồng. Thấy ta im tiếng súng, bọn ngụy liền dò dẫm lên chiếm đồi. Cùng lúc quân Nam Triều Tiên dùng máy bay trực thăng đổ chụp trên đỉnh đồi. Thấy quân ngụy, tưởng là "Việt Cộng", bọn chúng liền nã súng. Bọn quân ngụy đang tiến lên đồi bất ngờ bị nổ súng, tưởng là đang bị quân ta bao vây. Chúng bèn chiếm các ngôi chùa, các ngôi nhà ở lưng đồi để chống trả. Thế là trong cơn hoảng loạn hấp tấp, quân Nam Triều Tiên và quân ngụy bắn lầm nhau làm thiệt mạng nhiều tên.
 
Sáng mùng Một Tết, tiểu đoàn 8 trung đoàn 20 (trung đoàn Sao Thủy) từ Bắc bến đò Xuân Phong vượt sông vào tiếp sức cho Nha Trang, đến khu vực thôn Xuân Bình thuộc xã Vĩnh Trung, chờ bắt liên lạc, xin ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ huy Mặt trận (K5), thì bị địch phát hiện nên cả tiểu đoàn phải đánh nhau quyết liệt với bọn bảo an từ Cam Ranh ra, tiểu đoàn biệt kích "Trung dũng" từ Diên Khánh xuống, tiểu đoàn biệt kích Mỹ từ Nha Trang lên. Địch dùng máy bay AD6 ném bom, bắn rốc-két. Toàn bộ nhà cửa ở xóm Xuân Bình (Mả Thánh) bị địch hủy diệt. Bộ binh ta bám sát bộ binh địch chiến đấu kiên cường, nên hạn chế được thiệt hại. Đúng 17 giờ ngày hôm ấy ta phải rút vào núi Chín Khúc.
 
Phối hợp với chủ lực, lực lượng tự vệ mật và biệt động thành tung truyền đơn, cờ hòa bình, gây tiếng nổ, dùng xe Hon-da chạy đánh địch trong thị xã. Đông đảo nhân dân các khu Hà Ra, Xóm Cồn, Phương Sài, Xóm mới... sẵn sàng xuống đường biểu tình, nhưng do tình hình phát triển không thuận lợi nên ta chưa huy động.
 
Trong chiến đấu, nhiều bà má, trẻ em đổ ra đường tiếp tế nước cho bộ đội, băng bó vết thương cho thương binh. Khi tình hình trở nên khó khăn, dưới hình thức phật tử đi làm việc nghĩa, quần chúng mang quà đến thăm thương binh của ta ở bệnh viện quân y Nguyễn Huệ, hoặc tổ chức bảo vệ tìm bắt liên lạc đưa chiến sĩ của ta về căn cứ.
 
Nói sao cho hết tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng ưu ái của nhân dân Nha Trang đối với cán bộ và chiến sĩ giải phóng. Các cơ sở cách mạng bị địch bắt, tra tấn dã man, gia sản bị tịch thu, nhưng không hề khai báo, trong khi đó vẫn bình tĩnh nuôi dưỡng và bảo vệ cán bộ lãnh đạo nội thị ngay tại nhà mình bất chấp những cặp mắt cú vọ của bọn chỉ điểm, mật thám và sự lùng sục gắt gao của địch.
 
Ở vùng phụ cận Vĩnh Xương và các xã Diên An, Diên Toàn trước ngày N, tất cả cán bộ của huyện được phân công chỉ đạo các mũi, các đội vũ trang công tác đều bám sát quần chúng. Đêm 29 rạng sáng mùng Một Tết, các xã dều mở mít tinh, chuẩn bị lực lượng quần chúng sẵn sàng chờ lệnh kéo vào thị xã Nha Trang. Ở các thôn Đồng Châu, Vĩnh Điềm Thượng, mặc dù bị địch nã pháo vào địa điểm mít tinh làm cho một số cán bộ và đồng bào bị thương, nhưng cán bộ và nhân dân vẫn không nao núng. Đồng bào các thôn Phú Nông, Xuân Lạc, Phú Bình, Phú Vinh, Thái Thông đã tập trung sẵn sàng chờ lệnh. Liên tiếp trong các ngày 1, 2 và 3 Tết, ở các xã đều có thanh viện. Diên An nổ súng uy hiếp bót cầu Sông Cạn và rải truyền đơn. Các xã Vĩnh Ngọc, Vĩnh Hiệp mở mít tinh phát động quần chúng, Phú Vinh bắt 2 ủy viên hội đồng xã và 1 thám báo hạ uy thế trước quần chúng.
 
Phong trào ở huyện Diên Khánh, tác động trực tiếp đến Nha Trang. Ta đã đánh địch ở Diên Phước, Đại Điền Nam, pháo kích vào Thành Diên Khánh, vũ trang tuyên truyền, tiến công địch ở nhiều xã. Phối hợp với các mũi tiến công vũ trang, trong đêm giao thừa rạng sáng mùng Một Tết, trên 150 quần chúng thôn Đại Điền Trung do đồng chí Lương Duy Hiến, huyện ủy viên kiêm đội trưởng công tác làm trưởng đoàn, đồng chí Bùi Thị Tâm, tổ trưởng binh vận làm xung kích và một số cán bộ tỉnh, huyện tham gia làm nòng cốt, lãnh đạo kéo đến tiếp sức cho Nha Trang. Họ đi thành đội ngũ, trên ngực mỗi người đeo tấm băng với dòng chữ đỏ "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", tay cầm cờ hòa bình, cờ Mặt trận giải phóng miền Nam. Qua bao chặng đường có địch, đoàn làm công tác binh vận lướt qua. Nhưng lúc đến khu vực Mã Vòng, bọn địch quyết chặn lại xả súng bắn bừa vào đoàn biểu tình, làm chết 8 người, bị thương 20 người. Đồng chí Nguyễn Hồng Hải (tức Hòa), Phó Ban an ninh tỉnh hy sinh. Tuy đoàn biểu tình chưa tiến được vào nội thành, nhưng đã biểu thị tinh thần kiên cường, bất khuất, tinh thần cách mạng tiến công trong Tết Mậu Thân. Trước khi giải tán, đoàn người hô to các khẩu hiệu "Việt Nam độc lập muôn năm!" "Hồ Chủ tịch muôn năm!", "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!". Những khẩu hiệu yêu nước vang lên lúc ấy có ý nghĩa giáo dục và động viên rất lớn.
 
Đến ngày mùng 5 Tết, tiếng súng diệt địch của các chiến sĩ ta vẫn còn nổ trong thị xã Nha Trang. Ở khu vực Tiểu khu, Tỉnh đường, cán bộ và chiến sĩ ta đã chiến đấu cực kỳ anh dũng, kiên quyết bám trận địa. Ta đã diệt hàng trăm tên địch gồm các loại biệt kích, thám báo, bảo an, cảnh sát, dân vệ, Mỹ và Nam Triều Tiên. Số địch bị thương nhiều. Bệnh viện quân y Nguyễn Huệ chật ních thương binh, phải che tăng nằm ở ngoài. Bên ta 180 cán bộ chiến sĩ bị bắt và hy sinh (chủ yếu là bị bắt).
 
Cùng một lúc với trọng điểm, tại Cam Ranh đại đội đặc công 91 gồm 20 chiến sĩ tập kích sân bay Đồng Bà Thìn, đánh sập 3 lô cốt, phá hủy 12 máy bay lên thẳng. Một số đồng chí đặc công nước của đơn vị C93 đánh chìm một tàu trọng tải 8.000 tấn tại cửa Bình Ba vào đêm mùng 2 Tết.
 
Đơn vị pháo 561 tấn công chi khu Suối Dầu, pháo kích vào Bãi Chõi bán đảo Cam Ranh đúng "giờ G". Một đơn vị hỗn hợp 40 người gồm 25 chiến sĩ của lực lượng vũ trang và 15 cán bộ chính trị bám trụ xã Cam Tân một ngày, chiến đấu ngoan cường, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của quân Nam Triều Tiên, ngụy, có máy bay hỗ trợ, diệt 32 tên địch. Bên ta 8 đồng chí hy sinh, 4 đồng chí bị địch bắt.
 
Lực lượng các huyện miền núi vừa lo sản xuất, bố phòng ở căn cứ, vừa góp sức người, sức của, làm nhiệm vụ hậu cần cho đồng bằng diệt địch. Xã Ba Cụm là nơi đứng chân cho các lực lượng tiến đánh Cam Ranh. Trên 1.500 nhân dân các xã Sơn Trung, Ba Cụm, Sơn Hiệp, Tô Hạp có nòng cốt là dân quân, du kích, mang cuốc xẻng phá đoạn đường xe lửa Suối Tân, Suối Cát, cắt đứt đường chi viện Cam Ranh - Nha Trang của địch.
 
Tại Vạn Ninh, lực lượng địa phương huyện và đội công tác tiến công vào thị trấn Giã gồm 70 người do đồng chí ủy viên Ban Thường vụ huyện ủy phụ trách chung, đồng chí Huyện đội trưởng trực tiếp chỉ huy chiến đấu. Đoàn khởi hành từ Hòn Dứa hồi 3 giờ đêm giao thừa đến Giã thì vừa sáng ngày mùng Một Tết. Lực lượng vũ trang huyện lo triển khai làm 2 cánh tiến công địch. Số cán bộ làm công tác chính trị và binh vận thì huy động quần chúng xuống đường biểu tình. Đông đảo tín đồ phật giáo cũng được huy động tham gia. Tình hình thật sôi động. Đoàn người biểu tình đi thành đội ngũ chỉnh tề, tay cầm cờ hòa bình, cờ phật, cờ Mặt trận giải phóng tiến về hướng quận lỵ, chi khu. Lực lượng vũ trang huyện chiếm một số cơ quan ngụy quyền như phòng thông tin, trung tâm chiêu hồi quận. Đến 12 giờ trưa địch bắt đầu phản kích, tiểu đoàn Nam Triều Tiên đóng tại Núi Một nã cối 81 vào thị trấn. Máy bay L.19 thả bom cay xuống đoàn người biểu tình. Đồng thời 2 tiểu đoàn Nam Triều Tiên có xe bọc thép M113 yểm trợ từ căn cứ Hà Thanh kéo ra. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch đã diễn ra ác liệt. B40 của ta đã bắn cháy 1 xe M113 và hỏng 1 chiếc khác. Ta diệt gần 100 tên Nam Triều Tiên. Đến tối ta rút quân, 11 chiến sĩ hy sinh trong chiến đấu, 1 bị địch bắt và 2 chiến sĩ bị thương, cơ sở nội thị không bị bể vỡ.
 
Ở Ninh Hòa theo kế hoạch lực lượng vũ trang huyện tấn công vào thị trấn chia làm 2 cánh: cánh Bắc đánh vào chi công an và trung tâm huấn luyện dân vệ, cánh Nam đánh vào chi khu, đồng thời cũng là trụ sở ngụy quyền quận. Ban chỉ huy gồm các đồng chí thường vụ huyện ủy do đồng chí bí thư phụ trách chung. Trong đêm giao thừa 29 Tết, một cánh quân từ phía Nam tiến vào thị trấn gặp cánh quân từ phía Đông lên. Tuy không liên lạc được với các đồng chí chỉ đạo bên trong, nhưng các lực lượng vũ trang của ta đã tiến công chi công an ngụy và trung tâm huấn luyện dân vệ huyện, trụ lại Xóm Rượu một ngày, đẩy lui nhiều đợt phản kích của địch, sau đó rút ra, tiếp tục đánh địch ở một số thôn sát quận lỵ. Phối hợp với các cuộc chiến đấu vũ trang, mờ sáng ngày mùng Một Tết, trên 600 quần chúng 2 xã Ninh An, Ninh Thọ trương cờ hòa bình, cờ Phật giáo, hô khẩu hiệu, kéo vào thị trấn. Dọc đường đoàn biểu tình giữ vững hàng ngũ, không nao núng trước sức uy hiếp của địch cố chia cắt và bắt cán bộ đi trong đoàn. Đoàn tranh thủ được lính Nam Triều Tiên đang chốt giữ trên quốc lộ I. Khi đến cống thôn Ninh Ích thì đoàn bị lính bảo an ngăn chặn nên không đến được quận lỵ Ninh Hòa. Tuy vậy cuộc biểu tình đã đi và về an toàn, biểu thị khí thế cách mạng cao của quần chúng, lòng dũng cảm của cán bộ và nhân dân trong những ngày sôi động Tết Mậu Thân. Trong khi đó, ở các xã trong toàn huyện, đội vũ trang công tác và cơ sở quần chúng cách mạng cũng đã triển khai các mũi tiến công chính trị, sẵn sàng chờ lệnh nổi dậy cướp chính quyền ở nông thôn và hỗ trợ cho nổi dậy của nhân dân thị trấn.
 
Đặc biệt cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Oanh 19 tuổi, quê ở thôn Mỹ Hiệp, thị trấn Ninh Hòa, đã cho lựu đạn nổ mặt giáp mặt diệt tên chi trưởng cảnh sát quận và 2 lính khi chúng đang vây nhà, xăm hầm. Cô đã hy sinh anh dũng trong trong đợt tổng tiến công Tết Mậu Thân.
 
Sau cuộc tiến công đồng loạt, các lực lượng ta vừa củng cố tổ chức, vừa mở những đợt tiến công mới như pháo kích vào sân bay Nha Trang, cứ điểm Hà Thanh (Ninh Hòa), cứ điểm Tân Dân (Vạn Ninh), tập kích bọn Nam Triều Tiên bảo vệ giao thông, đánh sập cầu Ông Bộ. Về thực lực chính trị bên trong, nhiều cơ sở bị bắt, bị tù, bị đứt liên lạc, sau được móc nối tiếp tục hoạt động. Một vài đồng chí lãnh đạo còn ở lại nội thành. Các đội công tác ở các hướng Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Thái, Hà Thanh, chợ Xóm Mới tiếp tục hoạt động.
 
Tính chung trong đợt tiến công địch từ 29 tháng 1 đến cuối tháng 2 năm 1968, ta đã loại ngoài vòng chiến 1.149 tên địch, trong đó có 10 Mỹ, 113 Nam Triều Tiên, 19 là sĩ quan cấp úy, tá, bắt trừng trị 8 tên ác ôn, phá hủy và bắn rơi 22 máy bay trực thăng (có 2 khu trục AD6), bị thương 6 chiếc. Đánh chìm 2 tàu thủy trọng tải 8.000 tấn, phá hủy 7 xe quân sự, bị thương 3 chiếc, đánh sập 2 cầu, 4 cống, 2 lô cốt, cháy 1 kho đạn, 1 nhà máy đèn, đánh sập nhiều nhà lính và cơ quan ngụy quyền ở khu vực Tiểu khu, Tỉnh dường, Sở Tiếp vận 5, phá đường sắt, đắp chướng ngại vật, làm gián đoạn giao thông trên quốc lộ số 1, số 21 và đường sắt từ 1 đến 3 ngày.
 
Cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân tại Khánh Hòa nổ ra trong giờ phút đầu tiên của toàn miền và thực hiện mạnh mẽ ở trọng điểm Nha Trang, tiểu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, làm rung chuyển toàn bộ guồng máy thống trị của địch trong tỉnh, kéo dài hàng tháng, sau ngày N địch mới lập lại được trật tự cai trị.
 
Về phía ta, sự thiệt hại không nhỏ. Các đơn vị tiến công trong nội thành Nha Trang hầu hết hy sinh hoặc bị bắt. Ở các địa phương khác sự trả giá cũng khá đắt. Nhìn cục bộ ta thấy nhiều tổn thất. Nhưng nhìn chung, thắng lợi của Khánh Hòa với tỉnh lỵ Nha Trang trong Tết Mậu Thân đã góp phần cùng cả nước giành thắng lợi to lớn. Cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968 ở Khánh Hòa đã được Khu ủy Quân khu; Phân khu Nam, Tỉnh ủy và Ban chỉ huy Mặt trận Mậu Thân đánh giá một số nội dung chính sau:
 
- Khánh Hòa đã chấp hành nghiêm chỉnh cùng toàn miền Nam phối hợp tiến công bất ngờ vào đầu não của địch trong thị xã Nha Trang và các thị trấn, đánh phản kích dài ngày, đã góp phần vào thắng lợi của toàn miền Nam trong giai đoạn lịch sử. Thắng lợi của cuộc tổng tiến công Mậu Thân ở Khánh Hòa có ý nghĩa lịch sử quan trọng, để lại dấu ấn sâu sắc trong nhân dân.
 
- Cuộc tổng tấn công Mậu Thân ở Khánh Hòa đã phối hợp cùng cả nước làm đảo lộn thế tấn công chiến lược của Mỹ trên toàn miền Nam, phá vỡ trực tiếp kế hoạch mùa khô năm sau của Mỹ, phá sản chiến lược "chiến tranh cục bộ", làm lung lay mưu đồ xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngồi lại đàm phán với ta ở Hội nghị Pari.
 
- Ta giữ được yếu tố bí mật bất ngờ đến giờ nổ súng (nơi địch cho là an toàn nhất), làm cho địch hoàn toàn bị động trong đối phó. Tuy nhiên do lực lượng quân sự giữa ta và địch quá chênh lệch, ta không đủ sức tiêu diệt gọn mục tiêu. Các lực lượng, các mũi tiến công phối hợp không nhịp nhàng để lỡ thời cơ.
Tuy nhiên, thực hiện nghiêm túc chỉ thị của trên, Ban chỉ huy mặt trận toàn tỉnh đã đề ra yêu cầu chưa thật sát với tình hình thực tế lúc đó, đặt khả năng cao nhất để giành thắng lợi. Chỉ đạo thực hiện một phương án là chiến đấu đến cùng, khi gặp tình huống xấu cũng không được rút lui. Vì vậy, lực lượng ta bị tổn thất nặng nề, gây tâm lý bi quan trong nội bộ một thời gian dài. 
 
Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa ngày 15-2-1968 đánh giá:
 
"Thắng lợi của tỉnh ta trong đợt vừa qua là rất quan trọng về nhiều mặt, đã đóng góp vào thắng lợi chung của toàn miền trong thời kỳ lịch sử. Tin tức thắng lợi của ta đã được đặt vào vị trí quan trọng trên toàn miền Nam".
 
Tết Mậu Thân ở Nha Trang - Khánh Hòa đã để lại 1 dấu ấn lịch sử sâu sắc, biểu thị khí thế hào hùng của quân và dân trong tỉnh, được Trung ương tặng thưởng 1 Huân chương Quân công, 1 Huân chương Thành đồng và 5 Huân chương giải phóng.
 
NHỮNG DIỄN BIẾN SAU TẾT MẬU THÂN
 
Tết Mậu Thân ta thắng lớn, nhưng sau đó ta gặp khó khăn không nhỏ. Đế quốc Mỹ tập trung sức củng cố tinh thần ngụy quân, ngụy quyền từ trung ương đến địa phương. Một mặt chúng dốc sức bắt lính đôn quân, bổ sung lực lượng sau những ngày rệu rã, mặt khác xua quân đi phản kích, lấn chiếm lại những vùng đã mất, mở nhiều cuộc hành quân cảnh sát lục soát bắt bớ, đánh phá hạ tầng cơ sở cách mạng ở cả thành phố và nông thôn. Đồng thời chúng mở những cuộc càn quét sâu vào căn cứ ta hòng giành lại thế chủ động trên chiến trường.
 
Chúng ra sức tăng cường phòng thủ hậu cứ (thị xã, quận lỵ, thị trấn, căn cứ quân sự) với nhịp độ khẩn trương như tăng cường công sự, dây kẽm gai, hầm ngầm, ánh sáng, tuần tra canh gác. Ở Bắc Ninh Hòa, chúng đóng thêm 2 chốt điểm Giòng Thanh ở phía Bắc thôn Xuân Phong, gò Cây Xay thuộc Đại Mỹ, mỗi nơi một đại đội quân Nam Triều Tiên.
 
Ở Cam Ranh, có một số đơn vị mới đến lo phòng ngự mặt Tây Cam Ranh và hải cảng, phi trường, xây dựng thêm nhiều công trình quân sự như bãi xe, trường bắn, cứ điểm bảo vệ giao thông, mở rộng đường xá, sân bay, củng cố các cầu.
 
Tính chất, quy mô và hoạt động của địch chứng tỏ chúng còn nhiều khả năng đánh phá ta, bung ra mạnh hơn ở bên ngoài và làm căng hơn ở bên trong. Từ tháng 4-1968 trở đi, địch càn quét liên tục và ác liệt, hết vùng này sang vùng khác. Mức độ càn dày đến nỗi không ngày nào là không có lính Nam Triều Tiên ở giáp ranh căn cứ, bìa rừng và các vùng giáp ranh. Càn quét và lùng phục, lùng phục và càn quét, chúng chà đi, xát lại, ngăn chặn các đường tiến quân của ta. Từ đường xe lửa lên các vùng căn cứ miền núi, dày đặc dấu chân đi lùng phục của lính Nam Triều Tiên. Lực lượng của ta có bám chặt dưới làng mới hoạt động được.
 
Nhưng lực lượng ta vốn đã ít, lại tập trung hầu hết cho đợt hoạt động Tết, cán bộ chiến sĩ bị tiêu hao nhiều mà chưa bổ sung được bao nhiêu. Lương thực, đạn dược còn rất ít. Cơ sở hợp pháp và bất hợp pháp ở thành phố và nông thôn bị vỡ nặng. Trong nội bộ, tư tưởng diễn biến phức tạp, trong một bộ phận cán bộ đảng viên và chiến sĩ biểu lộ tư tưởng hoài nghi thắng lợi Tết Mậu Thân, thiếu tin tưởng phấn khởi.
Các cuộc hội nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tháng 2, tháng 3-1968, khẳng định thắng lợi to lớn của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, nghiêm khắc phê phán những tư tưởng sai trái nói trên. Lúc đầu trong nội bộ có phần thiếu thống nhất về hướng tấn công nông thôn hay thành phố là chính, tiếp tục khởi nghĩa ở thành phố hay đánh địch bình định ở nông thôn là nhiệm vụ hàng đầu. Sau đó, Tỉnh ủy nhất trí đặt vấn đề chuyển lực lượng vũ trang về hoạt động ở nông thôn nhưng không được Phân khu Nam (Phân khu Quân sự) đồng ý nên nhiều đơn vị vẫn còn đóng ở căn cứ Đồng Bò để tiếp tục hoạt động ven thị xã Nha Trang.  
 
Hội nghị Tỉnh ủy tháng 7-1968, được tiến hành tại hội trường Suối Cát thuộc căn cứ Hòn Dù (Vĩnh Khánh). Hội nghị vừa bắt đầu làm việc thì bị máy bay chiến lược B52 Mỹ ném bom, rồi quân Nam Triều Tiên đổ bộ đi càn. Hội nghị phải di chuyển nhiều lần. Lần sau cũng vẫn bị bom pháo bắn. Trong vùng Tỉnh ủy mở hội nghị, quân Nam Triều Tiên đổ dày. Hội nghị Tỉnh ủy tranh thủ, kết thúc sớm để tổ chức lực lượng đưa anh em về lại địa phương và chống càn. Đoàn cán bộ Bắc Triều Tiên có 3 người vào giúp ta vận động lính và sĩ quan Nam Triều Tiên cũng được tổ chức đưa về Khu an toàn.
 
Ở địa bàn Nha Trang, địch tung lực lượng càn quét vùng căn cứ lõm của ta hàng mấy tháng liền. Đồng thời chúng liên tiếp mở những cuộc hành quân càn quét cỡ đại đội, tiểu đoàn, hoặc trung đoàn tăng cường vào căn cứ Đồng Bò, được sự chi viện trực tiếp của máy bay và pháo binh Mỹ từ thị xã Nha Trang. Đồng Bò nằm ở phía Tây-nam Nha Trang, cách trung tâm thị xã khoảng 6-7 km theo đường chim bay. Nơi đây có nhiều gộp đá liên hoàn, làm nơi đóng quân chống được bom, pháo của địch. Địch gọi đây là "Mật khu Đá Hang" mà địch liệt kê là "Mật khu quan trọng số 1 của "Việt Cộng" ở Khánh Hòa". Từ mật khu Đá Hang, các lực lượng chính trị, vũ trang ta ngày đêm bung ra đánh địch trên khắp các địa bàn Nha Trang, Vĩnh Xương và một phần Diên Khánh, nã đạn pháo và hỏa tiễn vào các cứ điểm và sân bay Nha Trang. Cũng chính từ nơi đây các lực lượng chính trị, vũ trang của ta xuất phát tiến công thị xã Nha Trang hồi Tết Mậu Thân. Vì vậy khi đã hoàn hồn và chấn chỉnh được lực lượng, bọn Mỹ, ngụy lại rắp tâm càn quét Đồng Bò, tập trung sức lực lớn nhất nhằm tiêu diệt "Mật khu Đá Hang".
 
Ngày 1 tháng 10-1968, tiểu đoàn biệt kích "Trung dũng" tiến công nơi đóng quân của đại đội 10 pháo binh trên đầu gộp Trung Sơn (2). Dựa vào lợi thế các hang đá, toàn đại đội (C10) đã chiến đấu anh dũng, diệt trên 40 tên biệt kích, hạ 1 trực thăng, 2 tên Mỹ lái trực thăng bị cháy thui.
 
Sau những thất bại cay đắng của tiểu đoàn biệt kích "Trung dũng" trong cuộc hành quân đợt 1, bọn địch mở cuộc càn đợt 2 quy mô lớn hơn do sư đoàn Bạch Mã Nam Triều Tiên đảm trách. Lực lượng gồm trung đoàn 29 sư đoàn 9 Bạch Mã, 1 tiểu đoàn sư đoàn Mãnh Hổ. Lực lượng quân ngụy gồm bảo an, biệt kích làm nhiệm vụ phối hợp vòng ngoài ở bìa rừng, ven làng. Ba cụm pháo 105 và 155 milimét. Cụm pháo của sư Bạch Mã đặt tại Trảng Bằng, cụm pháo của Khu 23 chiến thuật đặt tại sân bay Nha Trang, cụm pháo của hạm tàu (cỡ 175-203 milimét) đậu ngoài khơi biển Nha Trang, túc trực pháo kích suốt thời gian diễn ra cuộc càn.
 
Ngoài ra còn các lực lượng phối thuộc gồm ĐKZ và cối thuộc biên chế trung đoàn 29 Bạch Mã, một tiểu đoàn công binh, toàn bộ số máy bay chiến đấu của sân bay Nha Trang và một số của sư Bạch Mã.
 
Mở đầu cuộc càn địch cho máy bay ném bom phạt, bom na-pan xuống các điểm cao. Tiếp đến trực thăng đổ công binh dọn bãi đổ bộ và chiếm lĩnh canh giữ. Suốt đêm 12-10, đoàn xe quân sự hàng trăm chiếc chuyển quân từ căn cứ Hà Thanh (Ninh Hòa) tập kết ở Trảng Bằng và sân bay Nha Trang.
 
Sáng ngày 13-10 các đại đội lính Nam Triều Tiên được hàng đàn máy bay trực thăng đổ xuống núi Đồng Bò. Chúng chia thành nhiều mũi từ trên các đỉnh núi tràn xuống, gặp ta ở đâu là đánh đó. Nếu không gặp, thì khi đã xuống sát chân núi, trực thăng lại bốc đổ lên, hình thành các mũi tiến theo các hướng khác. Cứ như thế "chải" cho sạch "Việt Cộng". Ở hướng Đông và Đông-bắc vùng căn cứ, đường chải dày kiểu chải răng lược.
 
Cuộc chiến đấu đã diễn ra cực kỳ ác liệt. Ta từ trong các gộp đá bắn ra, còn địch thì dùng lựu đạn, rốc-két, mìn rót vào các hang động. Chúng sử dụng đến cả các loại hóa chất độc và bom cay, bom hơi ngạt. Ta đã diệt hàng chục tên địch, bắn rơi một máy bay trực thăng. Nhưng hỏa lực của địch mỗi lúc một thêm dày đặc. Tốp máy bay của trận bom trước quay đi thì tốp sau lao đến và cứ thế phóng rốc-két và dội bom. Khói lửa của trận bom chưa tan thì từng bầy, từng bầy đạn pháo các cỡ đổ ập xuống khu rừng vừa bị oanh tạc, suốt nhiều tiếng đồng hồ như vậy. Nhưng các chiến sĩ và cán bộ ta nép mình vào các gộp đá, không ai bị thương vong, nhắm bắn gục từng tên Nam Triều Tiên chui vào gộp, hàng chục tên chết tại chỗ.
 
Tuy vậy, tình hình trở nên hết sức khó khăn. Lực lượng ta bị địch bao vây và vòng vây đang xiết chặt dần. Sau một tuần lễ, lương thực, đạn dược gần như cạn kiệt. Ở dưới làng địch lại hành quân, vây ráp, bắt bớ cơ sở, ngăn chặn nhân dân tiếp tế lương thực cho ta. Trong tình hình đó, ngày 21-10 ban lãnh đạo chống càn quyết định vừa chiến đấu, vừa rút khỏi vùng càn của địch. Lực lượng tiểu đoàn 7, đại đội 98, đại đội pháo, cơ quan chỉ huy tiền phương, Thị ủy, Thị đội, tiểu đội công binh và trung đội vũ trang của Thị đội tổ chức hành quân vượt vòng vây ngay trong đêm 21-10. Thỉnh thoảng bị địch phát hiện, ta phải trụ lại trong các gộp để chiến đấu. Một số địch bị diệt, nhưng ta cũng bị tổn thất nặng, trong đó có trạm xá tiền phương bị địch  tàn sát dã man tất cả các bệnh nhân và người phục vụ.
 
Vùng núi Đồng Bò bị địch đánh phá, khui lục nhiều hang, gộp. Sau gần 1 tháng càn quét, sáng ngày 3-11 địch rút quân. Mỹ-ngụy rùm beng "loan tin chiến thắng", rằng đã "làm cỏ sạch" Việt Cộng tại "Mật khu Đồng Bò". Nhưng các đơn vị của ta đã lui về Suối Lùng, tổ chức nghỉ ngơi và tiếp tục mở những trận chiến đấu mới, một số đơn vị đã rút về hậu cứ an toàn. Bên trong nội thị và vùng ven các đội công tác, cán bộ, cơ sở hợp pháp vẫn bám sát dân để từng bước củng cố lại phong trào.
 
Đồng bào Nha Trang - Vĩnh Xương rất vui mừng biết lực lượng ta vẫn còn. Họ lại lo mua lương thực để tiếp tế cho cơ quan, bộ đội, gửi quà tặng thương binh, bệnh binh.
 
 
-----------------
 
(1)  Trích "Cuộc tiến công và nổi dậy của V.C tại Nha Trang" rút từ cuốn "Những nét tổng quát về TCK-TKN của V.C" ấn hành tại Trung tâm ấn loát và ấn phẩm quân lực VNCH, Sài Gòn".
 
(2)  Gộp Trung Sơn: nơi ở của cơ quan huyện ủy Vĩnh Xương từ 1963-1965. 
 
 
     P.V
 
(Theo Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa 1930 - 1975)