10:12, 15/12/2022

Nhiều giải pháp phòng, chống HIV/AIDS

Tuy còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng Việt Nam đặt ra mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Hiện nay, các địa phương trong cả nước, trong đó có tỉnh Khánh Hòa đã và đang triển khai nhiều giải pháp phòng, chống HIV/AIDS đạt hiệu quả.

Tuy còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng Việt Nam đặt ra mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Hiện nay, các địa phương trong cả nước, trong đó có tỉnh Khánh Hòa đã và đang triển khai nhiều giải pháp phòng, chống HIV/AIDS đạt hiệu quả.


Gia tăng ca nhiễm do quan hệ tình dục không an toàn


PGS.TS Phan Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, kể từ ca nhiễm đầu tiên được phát hiện năm 1990 (tại TP. Hồ Chí Minh) đến nay, cả nước có hơn 220.500 người nhiễm HIV đang còn sống. HIV/AIDS vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở nước ta. Dịch HIV/AIDS vẫn đang diễn biến phức tạp, đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

 

Tuyên truyền về HIV tại TP. Nha Trang.

Tuyên truyền về HIV tại TP. Nha Trang.


Trong giai đoạn đầu của dịch, đối tượng bị lây nhiễm HIV chủ yếu qua đường máu. Nhưng những năm gần đây, lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục không an toàn trở thành đường lây chính và tỷ lệ này ngày càng tăng. Năm 2019, tỷ lệ này là 65,1%; đến năm 2020 tăng lên 75,8%; năm 2021 hơn 79%; năm 2022 chiếm hơn 81%. Cùng với đó, điều đáng báo động là các ca nhiễm HIV mới hiện nay tập trung nhiều ở nhóm người trẻ tuổi. 10 tháng đầu năm 2022, cả nước xét nghiệm và phát hiện hơn 9.000 trường hợp nhiễm HIV mới, chủ yếu tập trung ở độ tuổi 16-29 (chiếm 48,6%) và 30 - 39 (chiếm 28,4%).


Từ năm 1990 đến 2015, tỷ lệ người nhiễm HIV là nam giới có xu hướng giảm nhẹ. Tuy nhiên, từ năm 2016 bắt đầu có xu hướng gia tăng trở lại. Đáng chú ý, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới đang có xu hướng tăng mạnh và đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay. Năm 2014, tỷ lệ nhiễm HIV trung bình ở nhóm này là 6,7%; năm 2017 là 12,2%; năm 2020 tăng lên 13,3%.


Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp


Theo PGS.TS Phan Thị Thu Hương, để đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, rà soát và xây dựng mới hoặc sửa đổi các văn bản dưới luật để triển khai Luật Phòng, chống HIV/AIDS hiệu quả. Bên cạnh đó, hoàn thiện các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật để giúp các địa phương thuận lợi hơn trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch.


Song song đó, toàn ngành sẽ tiếp tục đa dạng hóa dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV; đẩy mạnh xét nghiệm HIV trong cơ sở y tế, mở rộng tại cộng đồng, lưu động và tự xét nghiệm HIV; nâng cao chất lượng công tác thông tin, giáo dục, truyền thông ở kênh truyền thông đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở, chú trọng dựa trên nền tảng công nghệ; tiếp tục các can thiệp để giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến người nhiễm HIV; mở rộng, đổi mới các biện pháp can thiệp giảm hại, dự phòng lây nhiễm HIV. Đồng thời, ngành tập trung triển khai các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV cho các nhóm có nguy cơ nhiễm HIV cao (người sử dụng ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, phụ nữ bán dâm và bạn tình, bạn tiêm chích của người nhiễm HIV); đa dạng hóa các mô hình cung cấp bao cao su và bơm kim tiêm miễn phí, kết hợp với mở rộng cung cấp 2 sản phẩm trên qua kênh thương mại.


Cùng với đó, ngành Y tế tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; mở rộng các mô hình điều trị, cấp phát thuốc tại tuyến cơ sở; thí điểm và nhân rộng mô hình cấp phát thuốc điều trị mang về nhà; đồng thời mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao qua hệ thống y tế nhà nước và tư nhân… Bên cạnh đó, tăng độ bao phủ dịch vụ điều trị HIV/AIDS; huy động sự tham gia của y tế tư nhân; phân cấp điều trị HIV/AIDS về tuyến y tế cơ sở; chăm sóc người bệnh HIV/AIDS tại nhà, tại cộng đồng; tăng cường dự phòng, phát hiện và điều trị các bệnh đồng nhiễm với HIV/AIDS (lao, viêm gan B, C và các bệnh lây truyền qua đường tình dục). Đồng thời, tiếp tục thiết lập hệ thống giám sát ca bệnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống HIV/AIDS; phấn đấu đáp ứng đủ nhu cầu kinh phí cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; mở rộng điều trị HIV/AIDS do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả…


C.ĐAN