09:12, 12/12/2022

Tăng cường truyền thông phòng, chống HIV/AIDS

Theo kết quả điều tra đánh giá của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) năm 2020 - 2021 cho thấy, chỉ 43,2% phụ nữ và 54,1% nam giới độ tuổi từ 15 đến 49 có hiểu biết đầy đủ về dự phòng lây nhiễm HIV.

Theo kết quả điều tra đánh giá của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) năm 2020 - 2021 cho thấy, chỉ 43,2% phụ nữ và 54,1% nam giới độ tuổi từ 15 đến 49 có hiểu biết đầy đủ về dự phòng lây nhiễm HIV.

Mục tiêu chiến lược kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030 cần đạt 80% thanh niên từ 15 đến 24 tuổi có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS, 80% người dân từ 15 đến 49 tuổi không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

 

Tại Điều 8 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS có quy định những hành vi bị nghiêm cấm, đó là: Kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; cha, mẹ bỏ rơi con chưa thành niên nhiễm HIV; công khai tên, địa chỉ, hình ảnh của người nhiễm HIV hoặc tiết lộ cho người khác biết việc một người nhiễm HIV khi chưa được sự đồng ý của người đó; đưa tin bịa đặt nhiễm HIV đối với người không nhiễm; từ chối khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh vì biết hoặc nghi ngờ người đó nhiễm HIV; từ chối mai táng, hỏa táng người chết vì lý do liên quan đến HIV/AIDS.  Điều 19 Nghị định số 117/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định cảnh cáo hoặc phạt tiền (từng mức cụ thể) đối với hành vi không tổ chức tuyên truyền, giáo dục các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho học sinh tại huyện Vạn Ninh.


Để đạt được mục tiêu đó, Cục Phòng, chống HIV/AIDS chỉ đạo các địa phương cần thực hiện tốt các giải pháp truyền thông đại chúng, dựa trên nền tảng công nghệ, qua hệ thống thông tin cơ sở; huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, người đứng đầu các cộng đồng dân cư, các chức sắc tôn giáo vào công tác truyền thông. Hoạt động truyền thông cần nhắm đến hai mục tiêu. Một là, nâng cao hiểu biết của người dân về HIV, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV và người có hành vi nguy cơ dễ bị lây nhiễm. Hai là, góp phần tăng nhu cầu sử dụng các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, điều trị và chăm sóc HIV/AIDS đạt được các chỉ tiêu: 80% nhóm nguy cơ cao biết hình thức tự xét nghiệm HIV, qua đó đạt các chỉ tiêu về các ca phát hiện nhiễm mới HIV; số bệnh nhân điều trị bằng Methadone; đạt được nhiều khách hàng điều trị PrEP; khoảng 170.000 bệnh nhân HIV được điều trị ARV và có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế đạt hơn 95%.


Các chuyên gia phòng, chống HIV/AIDS cho rằng, để nâng cao hiểu biết và chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV cần truyền thông đến tất cả người dân, đặc biệt là những người trẻ tuổi, ưu tiên vùng nông thôn, miền núi. Công tác truyền thông tạo nhu cầu hướng đến những người nhiễm HIV, người quan hệ tình dục đồng giới nam, người sử dụng ma túy, người chuyển giới và bạn tình của họ; quan tâm đến những địa phương có tình hình dịch cao và trung bình, tại các trường học và khu công nghiệp. Nội dung truyền thông cần tập trung vào các kiến thức cơ bản về HIV/AIDS, chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; giới thiệu các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm và điều trị hiện có, những thành tựu khoa học trong chẩn đoán và điều trị HIV (những lợi ích các dịch vụ xét nghiệm, tự xét nghiệm HIV, điều trị PrEP, Methadone, ARV, viêm gan C, lao/HIV…); tình dục an toàn, biện pháp can thiệp giảm tác hại. Kênh truyền thông cần tập trung vào các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin: Webside, Facebook, Fanpage, Instagram, Youtube, Tiktok, Telegram.


Hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS nên theo hướng giải thích dựa trên các cơ sở khoa học và thực tiễn; chuyển từ việc coi người nhiễm và gia đình người nhiễm HIV là đối tượng của truyền thông sang coi họ là chủ thể của truyền thông; chuyển từ đưa tin, hình ảnh tiêu cực về người nhiễm HIV sang đưa tin, hình ảnh tích cực về họ, tiến tới bình thường hóa sự có mặt của người nhiễm HIV trong cộng đồng. Song song đó, tập trung vào việc giải thích cho học sinh, sinh viên hiểu về các con đường lây truyền của HIV; tác hại của kỳ thị và phân biệt đối xử; tránh những từ ngữ, lời nói, hình ảnh… có thể gây hiểu nhầm HIV/AIDS là tệ nạn xã hội, người nhiễm HIV là người có lỗi; lời nói, hình ảnh có tính hù dọa, gây hoảng sợ…

 

Tại Điều 8 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS có quy định những hành vi bị nghiêm cấm, đó là: Kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; cha, mẹ bỏ rơi con chưa thành niên nhiễm HIV; công khai tên, địa chỉ, hình ảnh của người nhiễm HIV hoặc tiết lộ cho người khác biết việc một người nhiễm HIV khi chưa được sự đồng ý của người đó; đưa tin bịa đặt nhiễm HIV đối với người không nhiễm; từ chối khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh vì biết hoặc nghi ngờ người đó nhiễm HIV; từ chối mai táng, hỏa táng người chết vì lý do liên quan đến HIV/AIDS.

Điều 19 Nghị định số 117/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định cảnh cáo hoặc phạt tiền (từng mức cụ thể) đối với hành vi không tổ chức tuyên truyền, giáo dục các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.


Quế Lâm

(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa)