09:12, 18/12/2022

Cẩn trọng với tổn thương góc sau ngoài khớp gối

Đoàn chuyên gia Khoa Chi dưới Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh vừa phối hợp với Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Bỏng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) tổ chức hội thảo chuyên đề "Tổn thương góc sau ngoài khớp gối". Tại hội thảo, gần 100 y, bác sĩ trong tỉnh được nghe các chuyên gia báo cáo về tổn thương này, phương pháp điều trị nội soi, mổ mở; nêu cao vai trò của việc chẩn đoán cũng như những bỏ sót thường gặp trong tổn thương này.

Đoàn chuyên gia Khoa Chi dưới Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh vừa phối hợp với Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Bỏng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) tổ chức hội thảo chuyên đề “Tổn thương góc sau ngoài khớp gối”. Tại hội thảo, gần 100 y, bác sĩ trong tỉnh được nghe các chuyên gia báo cáo về tổn thương này, phương pháp điều trị nội soi, mổ mở; nêu cao vai trò của việc chẩn đoán cũng như những bỏ sót thường gặp trong tổn thương này.


Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Đình Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Bỏng cho biết: “Khi chấn thương ở gối xảy ra, sẽ có nhiều cấu trúc ở gối bị tổn thương cùng lúc, tổn thương góc sau ngoài khớp gối rất dễ bị bỏ sót. Đối với tổn thương này đòi hỏi phẫu thuật viên phải có nhiều kinh nghiệm mới có thể giúp bệnh nhân phục hồi chức năng giải phẫu, cũng như khả năng trở lại sinh hoạt và chơi thể thao đỉnh cao. Hội thảo là một trong những sinh hoạt định kỳ giữa 2 khoa của 2 bệnh viện, nhằm giúp đội ngũ bác sĩ, nhất là bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh học hỏi kinh nghiệm và tiếp nhận những kỹ thuật điều trị từ tuyến trên, nâng cao trình độ chuyên môn trong chuyên ngành chấn thương chỉnh hình”.

 

Các bác sĩ phẫu thuật trường hợp bị tổn thương chi dưới.

Các bác sĩ phẫu thuật trường hợp bị tổn thương chi dưới.


Trong dịp này, đoàn đã khám cho hơn 50 bệnh nhân và chọn ra 15 bệnh nhân mắc bệnh lý tổn thương góc sau ngoài khớp gối và những bệnh lý phức tạp khác, như: Gãy nhiều xương, ổ cối, đứt dây chằng chéo trước, sau, hoại tử chỏm xương đùi, gãy cổ xương đùi, thoái hóa khớp háng, gối... để phẫu thuật. Bệnh nhân T.N.H.P (22 tuổi, TP. Nha Trang) là một trong những người bị tổn thương góc sau ngoài khớp gối được điều trị dịp này. Bệnh nhân P. chơi môn cầu lông hơn 3 năm nay. Mới đây, bệnh nhân nhập Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng chân yếu, đi không vững và được chẩn đoán bị đứt dây chằng chéo sau gối trái có tổn thương góc sau ngoài khớp gối, được chỉ định phẫu thuật nội soi để điều trị 2 tổn thương trên. Sau phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhân ổn định và đang được theo dõi, hướng dẫn tập vật lý trị liệu.  


Theo bác sĩ Thành, góc sau ngoài khớp gối là các cấu trúc nằm ở bên ngoài lệch về sau của gối. Đây là cấu trúc giữ vững khớp gối để mâm chày không di lệch ra ngoài và xoay ngoài. Tổn thương góc sau ngoài thường do chấn thương thể thao như: đá bóng, trượt tuyết, hoặc bị tai nạn giao thông. Mặc dù tổn thương góc sau ngoài chiếm tỷ lệ ít so với tổn thương dây chằng chéo trước hoặc dây chằng bên trong, tuy nhiên lại ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, nhất là khả năng chơi thể thao của vận động viên. Các triệu chứng điển hình của tổn thương góc sau ngoài là bệnh nhân dần dần nhận thấy chân yếu, mất vững vài tuần hoặc vài tháng sau chấn thương.


Theo thống kê, có tới 15-20% bệnh nhân có tổn thương thần kinh mác kèm theo tổn thương góc sau ngoài; khoảng 72% bệnh nhân tổn thương góc sau ngoài khớp gối có tổn thương dây chằng chéo kèm theo. Do đó, nhiều trường hợp bác sĩ chỉ tập trung đánh giá tổn thương dây chằng chéo mà không phát hiện ra tổn thương góc sau ngoài nên sau tái tạo dây chằng chéo, đặc biệt là dây chằng chéo trước, bệnh nhân vẫn đau và không chơi thể thao được. Tổn thương góc sau ngoài khớp gối có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng. Theo các bác sĩ, thông thường, ở tổn thương mức độ 3 (mức độ nặng) phải phẫu thuật vì tổn thương không tự liền được. Khi tổn thương góc sau ngoài khớp gối xảy ra thường dẫn đến đứt các dây chằng quan trọng nên 2 đầu sẽ xơ hóa và co lại theo thời gian. Do đó, thời điểm phẫu thuật lý tưởng là 2-3 tuần sau chấn thương, sau đó tập phục hồi chức năng sớm để lấy lại tầm vận động và chức năng của khớp. Việc tập luyện rất quan trọng đối với bệnh nhân bị tổn thương góc sau ngoài khớp gối. Quá trình này sẽ làm tăng sức mạnh cho các cơ chi dưới, duy trì biên độ khớp gối, từ đó giúp bệnh nhân sớm trở lại với cuộc sống sinh hoạt bình thường.


C.Đan