06:12, 20/12/2017

Khói thuốc lá gây hại sức khỏe trẻ em

Một nghiên cứu mới đây được thực hiện tại Phần Lan và Úc cho thấy, người thân trong gia đình hút thuốc lá có thể gây ra những hậu quả lâu dài cho sức khỏe của trẻ em…

Một nghiên cứu mới đây được thực hiện tại Phần Lan và Úc cho thấy, người thân trong gia đình hút thuốc lá có thể gây ra những hậu quả lâu dài cho sức khỏe của trẻ em…


Mối nguy hại này càng tăng khi cả bố lẫn mẹ đều hút thuốc và không có một mức độ nào được coi là “an toàn” khi tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động. Kết quả được Tiến sĩ Seana Galle tại Đại học Tasmania của Úc và cộng sự được công bố trên tờ European Heart Journal.

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Nghiên cứu được tiến hành trên hơn 2.000 trẻ em tuổi từ 3 đến 18 hút thuốc lá thụ động. Kết quả siêu âm đo động mạch cảnh cho thấy có những thay đổi ở thành động mạch chủ chạy từ cổ đến đầu của trẻ. Mặc dù sự khác nhau về độ dày lớp áo trong, áo giữa động mạch cảnh không nhiều, nhưng theo các nhà nghiên cứu, chúng sẽ trở nên đáng kể và dễ dàng nhận thấy sau khoảng 20 năm, khi trẻ đã trưởng thành. Ngoài việc ảnh hưởng về thể chất của trẻ, nghiên cứu còn cho thấy tiếp xúc với khói thuốc thụ động khi còn nhỏ gây ra hậu quả trực tiếp và không thể đảo ngược đối với cấu trúc động mạch.


Đi cùng với những nguy hại trên, gần đây, nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học York (Anh) đã nghiên cứu và phát hiện phụ nữ hút thuốc khi mang thai dễ sinh trẻ mắc bệnh ADHD (bệnh thiếu chú ý và quá hiếu động). Những nghiên cứu trước đó chỉ phát hiện rằng phụ nữ hút thuốc khi mang thai rất dễ sinh trẻ em nam mắc bệnh ADHD. Tuy nhiên, nghiên cứu mới của các nhà khoa học Anh đã chứng minh rằng, hút thuốc trong thời kỳ mang thai đều có ảnh hưởng đến hành vi của trẻ kể cả nam lẫn nữ. Hơn nữa, khi chúng lên 3 tuổi sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng về bệnh ADHD.


Giáo sư Kate Pickett cùng các đồng nghiệp thuộc Đại học York đã lựa chọn 13.000 trẻ 3 tuổi từ “Dự án nghiên cứu sức khỏe cộng đồng thiên niên kỷ” của Anh, sau đó tiến hành quan sát mối quan hệ giữa hành vi, khả năng chú ý của chúng với tình trạng hút thuốc khi mang thai của người mẹ. Sau khi xem xét tổng hợp các yếu tố liên quan đến điều kiện kinh tế gia đình, trình độ giáo dục của cha mẹ và tình trạng hôn nhân, các nhà khoa học đã phát hiện người mẹ hút thuốc càng nhiều khi mang thai thì đứa trẻ sinh ra tỷ lệ mắc các bệnh lơ đãng, hiếu động thái quá và có các hành vi bất lương càng cao. Nghiên cứu còn phát hiện rằng đối với những bà mẹ hút thuốc với số lượng ít, khoảng 44% đứa trẻ sinh ra mắc các bệnh liên quan đến hành vi như: tính cách lập dị, hành vi ngôn ngữ thô tục, tự kỷ và nếu như hút thuốc với số lượng nhiều thì con số này sẽ tăng lên 80%.


Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng, mức độ cao không bình thường của kháng thể IgE đã được phát hiện ở trẻ  có mẹ hút thuốc trong suốt thời gian mang thai. Tăng kháng thể IgE làm tăng nguy cơ các bệnh dị ứng và dị ứng ngoài da. Ngoài ra, trẻ có bố mẹ hút thuốc thì người nhỏ hơn và bị giảm kết quả trong học tập ở cả thời điểm khởi đầu và cả cuộc đời sau này. Lý do tại sao trẻ em có bố mẹ hút thuốc phải chịu ảnh hưởng này thì vẫn chưa được rõ ràng, nhưng các nghiên cứu gợi ý quá trình luân chuyển của thuốc lá vào các động mạch chính của trẻ trong quá trình mẹ mang thai có thể là nguyên nhân tác động tới hệ thống thần kinh trung ương và gây giảm ô-xy huyết gây nên tình trạng trên ở trẻ.


Bác sĩ Nguyễn Hữu Châu - Giám đốc Trung tâm Nội tiết tỉnh khuyên, kết quả của những nguyên cứu trên cho thấy sự tác hại to lớn của việc hút thuốc lá đối với trẻ em. Các bậc cha mẹ và những người đang muốn trở thành cha mẹ nên bỏ thuốc. Hành động này không chỉ khôi phục sức khỏe của chính bạn mà còn bảo vệ sức khỏe của con bạn trong tương lai.


NGUYỄN DUNG