11:10, 28/10/2020

Tìm hướng xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật

Mỗi năm, nông dân trong tỉnh thải ra môi trường hàng chục tấn bao bì thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Vì vậy, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đồng ý cho thí điểm mô hình thu gom, xử lý loại rác thải độc hại này.

 

Mỗi năm, nông dân trong tỉnh thải ra môi trường hàng chục tấn bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Vì vậy, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đồng ý cho thí điểm mô hình thu gom, xử lý loại rác thải độc hại này.


Hàng chục tấn rác độc hại mỗi năm


Theo lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có hơn 100.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Để phòng trừ sinh vật gây hại, bảo vệ cây trồng, người dân thường sử dụng thuốc BVTV. Qua tính toán, mỗi năm, lượng thuốc BVTV sử dụng trên địa bàn tỉnh khoảng 300 - 350 tấn. Lượng bao bì chiếm 10% trọng lượng thuốc, tương đương 30 - 35 tấn bao bì được thải ra môi trường mỗi năm.

 

Một số nông dân huyện Khánh Sơn có thói quen vứt bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng ra các con suối.

Một số nông dân huyện Khánh Sơn có thói quen vứt bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng ra các con suối.


Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn tỉnh chỉ có 2 doanh nghiệp đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại là bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Tổng lượng rác thải nguy hại mà 2 doanh nghiệp này đăng ký chỉ 220kg/năm. Với các hộ nông dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trên các đồng ruộng, nhiều địa phương đã triển khai lắp đặt các bể chứa bao bì thuốc BVTV để thu gom. Nhiều nhất là ở Ninh Hòa 209 bể; Vạn Ninh 118 bể; Diên Khánh 70 bể; Nha Trang 17 bể. Theo kế hoạch, huyện Khánh Sơn sẽ hoàn tất việc lắp đặt 100 bể chứa bao bì thuốc BVTV trong năm 2020. Các địa phương khác như: Cam Lâm, Cam Ranh, Khánh Vĩnh chưa triển khai lắp đặt các bể chứa bao bì thuốc BVTV. Tuy vậy, ngay cả ở các địa phương đã lắp đặt bể chứa bao bì thuốc BVTV, ngoài việc số lượng bể còn hạn chế so với lượng rác thải ra mỗi năm thì quy trình xử lý số rác này vẫn chủ yếu là đưa vào bãi tập kết rác sinh hoạt của xã để đốt, những hộ xa khu dân cư tự đào hố để chôn lấp. Đây là những cách làm chưa đúng so với các quy định về xử lý rác thải nguy hại.


Thí điểm mô hình chuẩn


Để việc xử lý bao bì thuốc BVTV hiệu quả hơn, vừa qua, UBND tỉnh đã đồng ý cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được phép thí điểm tuyên truyền sử dụng thuốc BVTV an toàn và thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng.


Theo kế hoạch, sẽ có 32 lớp tập huấn cho 1.600 người thường xuyên sử dụng thuốc BVTV được tổ chức; 18 pano tuyên truyền được lắp đặt tại các xã có hoạt động sản xuất nông nghiệp đạt chuẩn VietGAP và các xã có sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm được đánh giá cao, đó là chưa kể hàng nghìn tờ rơi phổ biến kiến thức cơ bản về thu gom bao bì thuốc BVTV, bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp được cấp phát cho nông dân. Đặc biệt, sẽ có 110 bể chứa bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng theo đúng quy chuẩn được xây dựng. Đây được xem là hình mẫu, đạt các tiêu chuẩn của bể chứa rác thải nguy hại. Kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ này (gần 900 triệu đồng) được trích từ nguồn khuyến nông trong dự toán năm 2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.


UBND tỉnh cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính và các địa phương liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình giai đoạn 2021 - 2025, đảm bảo phù hợp với các quy định và điều kiện thực tế, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt trước ngày 15-11-2020. Bên cạnh nâng cấp các bể chứa đảm bảo tiêu chuẩn để tổ chức thu gom tốt hơn, việc xử lý cũng được tính toán để đảm bảo rác thải nguy hại được xử lý tại các nhà máy xử lý rác thải nguy hại theo quy định.


Hồng Đăng