11:10, 28/10/2020

Đề xuất bố trí vốn xây dựng Đập ngăn mặn sông Cái

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Trung ương giao vốn cho tỉnh giai đoạn 2021 - 2022 để thực hiện dự án Xây dựng Đập ngăn mặn sông Cái.

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Trung ương giao vốn cho tỉnh giai đoạn 2021 - 2022 để thực hiện dự án Xây dựng Đập ngăn mặn sông Cái. Đây là công trình trọng điểm chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 12-2022.

 

Phối cảnh đập ngăn mặn sông Cái. Ảnh: BKH

Phối cảnh đập ngăn mặn sông Cái. Ảnh: BKH


Theo đó, nguồn vốn được bố trí cho dự án như sau: Vốn ngân sách Trung ương thông qua Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2018 - 2020 là 212,783 tỷ đồng; vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ bổ sung theo Thông báo kết luận số 159/TB-VPCP ngày (24-3-2017) của Văn phòng Chính phủ là 395,322 tỷ đồng và vốn đối ứng ngân sách tỉnh 151,411 tỷ đồng. Đến nay, nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã bố trí 212,783 tỷ đồng; kế hoạch vốn hàng năm của Trung ương giao theo Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020 năm 2019 là 92 tỷ đồng, năm 2020 là 120,783 tỷ đồng. Dự kiến bố trí vốn trung ương theo kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 là 395,322 tỷ, trong đó năm 2021 là 200 tỷ đồng và năm 2022 là 195,322 tỷ đồng. Thời gian qua, vốn đối ứng của tỉnh đã bố trí 17,51 tỷ đồng. Dự kiến bố trí vốn đối ứng theo kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 là 110 tỷ đồng. Trong đó, năm 2021 là 60 tỷ đồng, năm 2022 là 50 tỷ đồng. Nếu nguồn vốn không bố trí kịp thời (hơn 395 tỷ đồng), nhiều khả năng dự án sẽ kéo dài, đầu tư không hiệu quả, nhiều rủi ro trong công tác quản lý đầu tư xây dựng.


Được biết, dự án Xây dựng đập ngăn mặn sông Cái Nha Trang thuộc hợp phần Biến đổi khí hậu của Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020 nhằm ngăn chặn tình trạng nhiễm mặn trên sông Cái, cắt lũ mùa mưa, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho khoảng 0,5 triệu dân TP. Nha Trang và một phần của huyện Diên Khánh; nước cho hoạt động du lịch; nước sản xuất nông nghiệp 2.000ha hai bên bờ sông và nước cho Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang; cải tạo môi trường, phục vụ giao thông đường thủy, điều tiết dòng chảy sông Tắc, sông Quán Trường…


V.L