11:05, 22/05/2018

Tiếp tục đầu tư kè núi Sạn

UBND TP. Nha Trang vừa giao đơn vị tư vấn hoàn thiện phương án thiết kế đoạn kè chống sạt lở ở khu vực núi Sạn (phường Vĩnh Phước) tiếp giáp với đoạn kè đã hoàn thành giai đoạn trước.

UBND TP. Nha Trang vừa giao đơn vị tư vấn hoàn thiện phương án thiết kế đoạn kè chống sạt lở ở khu vực núi Sạn (phường Vĩnh Phước) tiếp giáp với đoạn kè đã hoàn thành giai đoạn trước.


Trước đây, khu vực vách núi Sạn sau khu dân cư tổ 19 Trường Phúc có độ dốc lớn, nguy cơ sạt lở nghiêm trọng, trong khi người dân sinh sống đông đúc ngay sát núi. Vì thế, để đảm bảo an toàn cho người dân trước nguy cơ sạt lở núi, năm 2016 - 2017, TP. Nha Trang đã đầu tư công trình kè núi Sạn để bảo vệ khu vực xung yếu này. Kè xây bê tông cốt thép, có chiều dài toàn tuyến 64m, cao 20m với tổng vốn 7,26 tỷ đồng. Sau khi công trình hoàn thành, người dân sinh sống sát chân núi khu vực này yên tâm hơn.

 

Kè Núi Sạn tiếp tục được đầu tư. Ảnh: BKH

Kè Núi Sạn tiếp tục được đầu tư.


Ông Huỳnh Trọng Hoàng (tổ 19, Trường Phúc) cùng gia đình sinh sống sát chân kè cho biết, khi kè hoàn thành không còn sạt lở nữa, kể cả trong cơn bão số 12 năm 2017. Tuy những nhà trong khu vực đoạn kè xung yếu tránh được nguy cơ sạt lở nhưng riêng nhà ông Trần Văn Được (tổ 19) ở ngay đường cống thoát nước thì lại chịu khổ mỗi khi mưa lớn là nước ngập vào nhà. Bởi trước đây nước trên núi thoát qua các lối đi, sau khi xây kè, mương thoát nước gom về cống mà miệng cống đặt sau nhà nhỏ, không thoát nước kịp khi mưa lớn. Đây là vấn đề cần lưu ý khi triển khai giai đoạn tiếp theo.

 

Theo thiết kế, công trình kè núi Sạn đầu tư từ khu vực nhà số 101 đường Lý Ông Trọng đến giáp đoạn kè đã xây dựng năm 2017 với kinh phí đầu tư dự kiến hơn 12,2 tỷ đồng gồm các hạng mục chính: kè bảo vệ có chiều dài tuyến 120m; rãnh và mương thoát nước; đập ngăn lũ.

Ngoài khu vực xung yếu đã được xây kè, khu vực chưa được đầu tư xây dựng từ số nhà 101 đường Lý Ông Trọng (thuộc tổ 17) đến giáp đoạn kè đã xây dựng cũng bị sạt lở, đe dọa an toàn khu dân cư đông đúc bên dưới. Ông Đặng Trọng Khiêm - Tổ trưởng tổ dân phố 17 cho biết, khu vực này hầu như năm nào mùa mưa cũng bị sạt lở, đất từ trên núi trôi xuống làm tắc nghẽn con đường ở khu vực số nhà 101 đường Lý Ông Trọng. Mỗi mùa mưa, người dân phải chở đi mười mấy xe đất. Gần nhất là năm 2015, một tảng đá lớn lăn xuống khu vực bếp của một nhà dân làm sập nhà. Năm 2016 đất trên núi tràn xuống lấp cả đường đi. Những hộ sinh sống trong khu vực nguy cơ sạt lở đều phải di dời mỗi khi mưa bão. Người dân cũng mong chính quyền có biện pháp đảm bảo an toàn cho khu dân cư.


Mới đây, UBND TP. Nha Trang đã nghe đơn vị tư vấn báo cáo phương án thiết kế kè chống sạt lở khu vực núi Sạn. Đơn vị tư vấn đưa ra 4 phương án thiết kế, trong đó, phương án được chọn là chân kè xây tường trọng lực bằng bê tông cốt thép; mái kè bê tông cốt thép. Phương án này có nhiều ưu điểm hơn các phương án còn lại: kiên cố, bền vững; khả năng thoát nước tốt; khối lượng đào đất đá ít; phù hợp với sườn núi hiện trạng; sử dụng khá phổ biến trong kè bảo vệ. Tuy nhiên, phương án này có một nhược điểm là ít thân thiện với cảnh quan môi trường. Trong những phương án còn lại, có phương án tính toán trồng cỏ trong khung bê tông khu vực mái kè để thân thiện với môi trường nhưng nhược điểm dễ bị xói lở bởi mưa lũ và khó khăn trong công tác bảo dưỡng, chăm sóc cây cỏ sau khi hoàn thành nên không được chọn. Để khắc phục nhược điểm của phương án chọn, ông Lê Hữu Thọ - Chủ tịch UBND TP.Nha Trang đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu thử nghiệm loại cây thân leo phù hợp để công trình thân thiện hơn với môi trường.


NAM DU