12:11, 20/11/2018

Nơi trưởng thành về lý luận chính trị

Mỗi người gắn bó với Trường Chính trị tỉnh ở một vị trí khác nhau, thời điểm khác nhau, nhưng có chung cảm nhận, đây là nơi giúp các cán bộ trưởng thành về lý luận chính trị.

Mỗi người gắn bó với Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa ở một vị trí khác nhau, thời điểm khác nhau, nhưng có chung cảm nhận, đây là nơi giúp các cán bộ trưởng thành về lý luận chính trị.


Bà Bùi Thị Hồng Tiến - nguyên Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh

 

Các thế hệ cán bộ, giảng viên, công nhân viên chúng tôi rất tự hào với chặng đường vẻ vang của trường. Một trong những mốc son mà mỗi học viên luôn nhớ là khóa học tiền thân của trường. Thực hiện chủ trương “tích cực đào tạo cán bộ về mọi mặt để đánh lâu dài” của Đảng, cuối tháng 11-1948, khóa huấn luyện 60 bí thư chi bộ và chi ủy viên đã mở tại khu rừng dọc sông Chò (Khánh Vĩnh). Trong tình thế địch thường lùng sục gắt gao, các giảng viên, học viên đã cùng nhau cắt tranh, chặt cây dựng lán mở lớp. Bữa ăn thường chỉ có cơm với muối và mì, bắp. Sau giờ học, mọi người lại cùng nhau kiếm rau rừng để lo thêm bữa ăn. Các lớp học này đã góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên để tuyên truyền, tổ chức quần chúng trên địa bàn tỉnh, cùng cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi.


Thời kỳ tôi làm hiệu trưởng (1986 - 1999), một trong những sáng tạo của trường đem lại hiệu quả cao là đề xuất phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trung, cao cấp của tỉnh. Trước năm 1990, mỗi năm, tỉnh cử hơn 10 cán bộ chủ chốt và kế cận cấp tỉnh, huyện, các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đi đào tạo chương trình cao cấp, cử nhân chính trị tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và các phân viện. Ban giám hiệu nhà trường đã báo cáo Thường trực Tỉnh ủy cho phép trường mời học viện và các phân viện mở lớp cao cấp lý luận chính trị, cử nhân chính trị tại chức tại trường. Theo đó, học viện, các phân viện phối hợp với Ban tổ chức Tỉnh ủy chiêu sinh; học viện, phân viện đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp, Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ tỉnh làm công tác quản lý, phục vụ. Năm 1990, lớp cao cấp lý luận chính trị tại chức đã được mở tại trường với 109 học viên. Tiếp đó, các lớp cao cấp, cử nhân về chính trị, hành chính, báo chí, luật tại chức đã tổ chức thành công. Cách làm này góp phần tăng nhanh số lượng đào tạo cán bộ chủ chốt các cấp của tỉnh, đáp ứng nhu cầu công việc.


Tuy đã nghỉ hưu nhiều năm nhưng tôi rất vui mừng trước sự quan tâm của tỉnh và nỗ lực của cán bộ, giáo viên nhà trường, giúp trường phát triển về mọi mặt. Điều tâm đắc nhất của tôi là cán bộ, giảng viên, học viên, công nhân viên nhà trường luôn đoàn kết, đạt nhiều thành tích xuất sắc trong đào tạo bồi dưỡng cán bộ các cấp trong tỉnh và trong nghiên cứu khoa học, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của trường.


Thầy Đặng Ngọc Hoàng - nhà giáo ưu tú, nguyên Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật

 

Tôi giảng dạy tại trường hơn 30 năm, được chứng kiến nhiều đổi thay về mọi mặt của trường, từ việc hoàn thành ngày một nhiều hơn, tốt hơn công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh, tới các nhiệm vụ khác được phân công. Đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ kiến thức lý luận chuyên môn ngày một cao hơn, chuẩn hơn sau khi được quan tâm cho đi học tập, đào tạo, bồi dưỡng tại các học viện; kinh nghiệm, vốn sống cũng dày dặn hơn khi qua những chuyến thực tế dài ngày, thường xuyên ở cơ sở. Cơ sở vật chất, các điều kiện phục vụ học tập, nghiên cứu, giảng dạy của nhà trường cũng ngày càng khang trang, hiện đại hơn…


Chính sự phát triển, tiến bộ khá toàn diện của nhà trường đã để lại nhiều dấu ấn tình cảm tốt đẹp trong học viên các khóa. Sự ghi nhận ấy được phản ánh qua những cuốn kỷ yếu của nhiều lớp học khi tốt nghiệp, thể hiện qua những buổi hội lớp, gặp gỡ giao lưu thầy, cô, trong đó có người đã nghỉ hưu, với học viên sau khóa học, dẫu thôi học đã nhiều năm. Tình cảm thầy trò thật chân thành. Đối với người làm công tác giảng dạy, những tình cảm ấy chính là những phần thưởng quý giá nhất trong nghề!


Nhiều năm gắn bó với trường, tôi nghiệm thấy, để nhà trường phát triển, bản thân mỗi giảng viên phải yêu nghề, có trách nhiệm, lòng tự trọng, có tâm trong sáng với nghề. Ngoài ra, phải có một môi trường tốt, một tập thể thực sự đoàn kết, thống nhất, chân thành giúp đỡ để cùng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị được giao phó cũng như vượt qua những khó khăn, vướng mắc của cuộc sống đời thường. Bên cạnh nỗ lực, cố gắng của bản thân, tôi đã có may mắn được sống trong một tập thể như thế. Và điều đó đã giúp tôi trưởng thành như hôm nay.


Cô Nguyễn Thu Hiền - Khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

 

Tháng 4-2017, tôi chuyển công tác từ một trường đại học về Khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của trường. Tuy đã 7 năm làm việc với sinh viên, trong đó có 5 năm dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng ở môi trường mới, tôi vẫn cảm thấy lúng túng, áp lực. Tuy vậy, ngay sau khi thực hiện bài giảng đầu tiên thông qua Hội đồng chuyên môn, tôi đã nhận được những nhận xét, đóng góp thiết thực của cả hội đồng.


Từ đó, tôi càng chăm chút hơn cho từng bài giảng. Cũng qua mỗi lớp học, tôi lại có thêm kinh nghiệm, học hỏi thêm được thực tiễn từ chính người học. Sau hơn 1 năm công tác tại đây, tôi còn tham gia dự giờ, hoạt động chuyên môn, tập huấn, nghiên cứu khoa học, viết bài, đi thực tế tại cơ sở. Do yêu cầu đào tạo bồi dưỡng, nhiều lớp học của trường được mở tại các huyện. Mỗi người chúng tôi không nhớ hết những lần đến với các lớp học tại chức. Có những cô giáo trẻ đang nuôi con nhỏ phải đi về hàng chục kilômét trong ngày để vừa chăm con, vừa đảm bảo công tác giảng dạy. Có những giảng viên - người mẹ hết giờ giảng lại thao thức vì con ốm mà mẹ vắng nhà. Tuy nhiên, vượt lên tất cả, chúng tôi luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhất bài giảng của mình. Mỗi chúng tôi cũng tự nhủ, sẽ tiếp tục kế thừa những thành quả của các thế hệ đi trước, nỗ lực phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện phẩm chất đạo đức, vượt khó, sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ.


Học viên Nguyễn Xuân Thu (lớp Bồi dưỡng lãnh đạo cấp phòng K9):

 

 

5 năm trước, tôi học Trung cấp Lý luận chính trị - Hành chính tại trường. Bây giờ quay lại, được học ở cơ sở mới, tôi thấy cơ sở vật chất rất khang trang, hiện đại. Giảng viên nhiệt tình, tận tâm, có nhiều chuyển biến trong phương pháp giảng dạy, tăng cường trao đổi, thay vì thuyết trình là chủ yếu như trước. Học viên được tạo điều kiện trao đổi cởi mở về thực tế, từ đó soi rọi vào các vấn đề lý thuyết để hoàn thiện hơn trong giải quyết vấn đề thực tiễn. Ví dụ, trong thực hiện công việc quản lý, tổ chức, lâu nay tôi chỉ làm theo cảm tính, nhưng khi được trang bị kiến thức về phương pháp quản lý, tôi mới biết có rất nhiều phương pháp, mỗi phương pháp đều có những điểm mạnh, điểm yếu, nên  cần phối hợp để tiết chế điểm yếu, phát huy điểm mạnh. Tôi đã áp dụng tại đơn vị quản lý của mình và nhận thấy rất hiệu quả.
 

Học viên Đoàn Thị Thoa (lớp Trung cấp Chính trị - Hành chính K138)

 

 

Lần đầu tiên vào học tại Trường Chính trị tỉnh, tôi rất ấn tượng với cách giảng dạy nhiệt tình của nhiều thầy cô trong trường. Các thầy cô đã giúp chúng tôi củng cố về tư tưởng, có lập luận vững chắc, kiến thức chính trị sâu rộng. Hiện nay, các thế lực thù địch luôn tìm đủ cách phá hoại, làm lung lạc tư tưởng. Vì thế, theo tôi, rất cần mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh.


T.M (Ghi)