11:12, 28/12/2017

Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia: Chờ đề thi tham khảo

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có văn bản gửi các sở GD-ĐT về việc sẽ công bố đề tham khảo của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 vào cuối tháng 1-2018 để tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh tham khảo, làm quen với định dạng của các đề thi trong quá trình dạy học và ôn tập.

 

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có văn bản gửi các sở GD-ĐT về việc sẽ công bố đề tham khảo của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 vào cuối tháng 1-2018 để tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh (HS) tham khảo, làm quen với định dạng của các đề thi trong quá trình dạy học và ôn tập.


Đây là thông tin được nhiều HS hết sức mong chờ bởi trước đó, tại hướng dẫn ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi công bố vào tháng 10-2017, Bộ GD-ĐT cho biết “không cần thiết có đề minh họa” khiến nhiều HS không khỏi lo lắng. Em Nguyễn Ngọc Tú Uyên - Trường THPT Hoàng Văn Thụ (TP. Nha Trang) cho biết: “Bộ đã có định hướng kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 sẽ bao gồm nội dung chương trình của cả lớp 11 và lớp 12, trong đó tập trung chủ yếu ở chương trình lớp 12. Chúng em cũng đã được nhà trường chuẩn bị tâm lý cho việc học. Tuy nhiên, tỷ lệ phần trăm kiến thức lớp 11 như thế nào thì vẫn còn là vấn đề khiến chúng em rất băn khoăn, lo lắng”. Em Lê Hồng Hà - Trường THPT Nguyễn Thái Học (huyện Diên Khánh) cho rằng: “Năm trước, bộ đã đưa ra các đề minh họa, đề tham khảo nhưng khi đó nội dung thi không có chương trình lớp 11 mà chỉ giới hạn kiến thức lớp 12. Vì vậy, việc công bố đề tham khảo năm nay sẽ giúp chúng em có thêm nguồn tài liệu để định hướng cách ôn tập, giảm bớt áp lực”.

 

Cuối tháng 1-2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố đề tham khảo kỳ thi THPT quốc gia.

Cuối tháng 1-2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố đề tham khảo kỳ thi THPT quốc gia.


Theo cô Đinh Thị Trâm - giáo viên một trường THPT tại TP. Nha Trang, khối lượng kiến thức 2 năm học là rất lớn, nhất là đối với các môn xã hội như: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý… Đề thi trắc nghiệm lại có độ bao phủ cao. Chưa kể cùng một nội dung, kiến thức nhưng nếu cách đặt câu hỏi, đặt vấn đề hơi khác lạ thì những HS không nắm chắc kiến thức, hoặc học tủ, học vẹt sẽ lúng túng. Tuy nhà trường vừa kết hợp giảng dạy và ôn tập trong suốt năm học, nhưng việc phải thi cả chương trình lớp 11 là rất nặng đối với HS, giáo viên cũng không thể tự ý khoanh vùng ôn tập mà phải triển khai ôn tập theo kiểu “cuốn chiếu”, theo từng chủ đề và bao quát toàn bộ kiến thức. Cô Trâm cho rằng: “Nếu HS dự định thi cả 2 bài thi tổ hợp thì sẽ phải ôn tập khối lượng kiến thức của 9 môn (3 môn bắt buộc và 6 môn thành phần của 2 bài thi tổ hợp), ở cả lớp 11 và 12, vì vậy các em cần cân nhắc, thận trọng. Tuy điều này tăng cơ hội xét tuyển đại học, cao đẳng cho các em nhưng cũng sẽ gây khó nếu chẳng may bị điểm liệt một môn thi, hoặc bỏ thi một trong hai bài thi tổ hợp thì sẽ bị trượt tốt nghiệp”.


Thầy Nguyễn Xuân Thu - Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập (TP. Nha Trang) cho biết, ngay từ đầu năm học, nhà trường chủ động giảng dạy kết hợp với ôn tập kiến thức theo các chủ đề để HS chủ động, học đến đâu nắm vững đến đó. Bên cạnh đó, phân công giáo viên soạn các đề trắc nghiệm, bao gồm cả kiến thức lớp 11 và 12 để HS làm quen, củng cố kiến thức. Tuy nhiên, với khối lượng kiến thức rộng của cả 2 năm học cộng với việc Bộ GD-ĐT cho biết đề thi sẽ có độ phân hóa cao hơn nên HS lo lắng là không tránh khỏi. Việc Bộ GD-ĐT công bố đề tham khảo sẽ giúp HS hình dung rõ hơn về cấu trúc đề thi, tỷ lệ kiến thức của các khối lớp để có phương hướng ôn tập phù hợp và hiệu quả hơn. Song điều quan trọng nhất vẫn là việc hệ thống hóa kiến thức và trang bị cho các em kỹ năng, phương pháp vận dụng kiến thức đã học để giải quyết nhiều dạng câu hỏi.


Để các trường chủ động trong dạy và học, Sở GD-ĐT đã ban hành hướng dẫn dạy tăng tiết và ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Đồng thời, triển khai thi chung đề học kỳ 1 đối với một số môn theo định hướng thi của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, nhiều giáo viên cho rằng, Bộ GD-ĐT nên có hướng dẫn và khoanh vùng cụ thể hơn về việc ôn tập cũng như cấu trúc đề thi để HS bớt hoang mang khi phải “bơi” trong biển kiến thức rộng.


K.Dung