10:01, 13/01/2021

Nhân rộng mô hình phòng, chống mại dâm

Từ kết quả đạt được trong triển khai thí điểm tại thành phố Nha Trang, năm 2020, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh đã nhân rộng mô hình phòng, chống mại dâm đến địa bàn thị xã Ninh Hòa.

Từ kết quả đạt được trong triển khai thí điểm tại TP. Nha Trang, năm 2020, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh đã nhân rộng mô hình phòng, chống mại dâm đến địa bàn thị xã Ninh Hòa.


Tiếp cận hỗ trợ, tư vấn


Triển khai mô hình, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh đã tiến hành khảo sát đối tượng và các đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan đến công tác can thiệp giảm hại và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng trên địa bàn TP. Nha Trang, thị xã Ninh Hòa. Đồng thời, kết nối với các đơn vị như: Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, Công ty Dịch vụ pháp lý Saphira Nha Trang, Phòng Công tác xã hội - Bệnh viên Đa khoa tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trạm Y tế phường Phương Sơn, Trạm Y tế phường Ninh Hiệp, Công an TP. Nha Trang, Công an thị xã Ninh Hòa và Trường Trung cấp Nghề Vạn Ninh để thực hiện. Bên cạnh đó, các đơn vị đã liên kết với nhóm Sao Biển ở Nha Trang, Ninh Hòa và xây dựng nhóm đồng đẳng. Trên cơ sở đó, các thành viên của nhóm từng bước tiếp cận những người bán dâm và người có nguy cơ cao về bán dâm để tuyên truyền, vận động tham gia sinh hoạt nhóm.

 

Một buổi tiếp cận, tư vấn những người bán dâm và người có nguy cơ cao.

Một buổi tiếp cận, tư vấn những người bán dâm và người có nguy cơ cao.


Với cách làm đó, các thành viên tham gia sinh hoạt nhóm ngày một tăng lên, họ mạnh dạn trao đổi, chia sẻ, thổ lộ những “góc khuất”, khó khăn để từ đó được tư vấn, hỗ trợ về mọi mặt và từng bước thức tỉnh những người bán dâm dần từ bỏ và hoàn lương. Trong năm 2020, các đơn vị chức năng đã thực hiện hỗ trợ cho hơn 100 người bán dâm, người có nguy cơ cao sử dụng dịch vụ y tế phù hợp, trong đó Nha Trang hơn 70 người, Ninh Hòa hơn 30 người. Các đơn vị còn hỗ trợ các đối tượng sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý, tư vấn, giải đáp thắc mắc về những quyền và bảo đảm quyền của người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến bạo lực gia đình, hôn nhân, xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự và phòng, chống tệ nạn xã hội, hỗ trợ hướng dẫn các thủ tục hành chính, khiếu nại theo nhu cầu.


Bên cạnh đó, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh đã tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ hơn 20 đối tượng bán dâm, người có nguy cơ cao học nghề nghiệp vụ bếp để chuyển đổi hành vi. Qua đó, giúp họ thay đổi, làm lại cuộc đời bằng việc tạo sinh kế. Hầu hết những người học nghề được cấp chứng chỉ và giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp, từ bỏ bán dâm để hoàn lương.


Vẫn còn khó khăn


Bà Lê Phương Thảo - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh cho biết, đây là năm thứ 2 đơn vị triển khai mô hình phòng, chống mại dâm và được mở rộng ra địa bàn thị xã Ninh Hòa. Mô hình đã huy động sự tham gia nhiệt tình của các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương có liên quan đến công tác can thiệp giảm tác hại và hỗ trợ công tác xã hội. Các chính sách hỗ trợ của mô hình đáp ứng nhu cầu cần thiết của nhóm đối tượng đích. Công tác hỗ trợ kỹ năng, kỹ thuật kịp thời của cơ quan quản lý, các chuyên gia đã thu hút được sự tham gia nhiệt tình của các đồng đẳng viên và cộng tác viên tại 2 địa phương. Tuy nhiên, qua triển khai, mô hình vẫn còn gặp những khó khăn nhất định. Đó là, cơ chế chính sách cho nhóm đối tượng đích chưa có quy định cụ thể, rõ ràng nên kéo dài thời gian công tác chuẩn bị triển khai; các quy trình, thủ tục triển khai hoạt động còn gặp lúng túng tại địa phương; các cơ sở căn cứ để xác định người bán dâm, người hoàn lương chưa phù hợp với thực tế nên địa phương gặp khó khăn trong việc đề ra những giải pháp, hoạt động tiếp cận và hỗ trợ phù hợp. Những bất cập này, đơn vị đã kiến nghị cấp trên sớm có biện pháp tháo gỡ, tạo điều kiện để việc triển khai mô hình đạt hiệu quả cao hơn.


Bà Phạm Thị Xuân Trang - Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội cho biết, mô hình đã góp phần mang lại hiệu quả vào công tác can thiệp giảm hại phòng, chống mại dâm hiện nay. Do vậy, thời gian tới, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn, địa phương tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông can thiệp giảm hại phòng, chống mại dâm; phát triển nhóm đồng đẳng và tập huấn nâng cao kỹ năng cho các thành viên nhóm cùng nhân viên các đơn vị cung cấp dịch vụ, kỹ năng làm việc với nhóm, đặc biệt là kết hợp các hoạt động của mô hình với các chính sách hỗ trợ hiện có tại địa phương, tạo hiệu quả cao cho công tác phòng, chống mại dâm trong tình hình hiện nay…


PHÚ AN