11:05, 10/05/2020

Cam Lâm: Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Những năm gần đây, Cam Lâm là một trong những địa phương tích cực triển khai nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Những năm gần đây, Cam Lâm là một trong những địa phương tích cực triển khai nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ (KH-CN) vào sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.


Hiệu quả cao


Trước đây, gia đình ông Nguyễn Trung Chánh (thôn Xuân Lập, xã Cam Tân, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) chủ yếu trồng cây mía và mì. Những loại cây này mang lại nguồn thu nhập tương đối ổn định, nhưng những năm gần đây, việc trồng mía gặp nhiều khó khăn, năng suất giảm, giá cả bấp bênh. Năm 2017, nhận thấy một số hộ trên địa bàn xã Suối Cát áp dụng mô hình trồng chuối cấy mô hiệu quả nên ông Chánh tìm hiểu và cải tạo đất trồng thử nghiệm 100 cây. Chuối sau khi trồng phát triển tốt, cho quả đều, buồng to, không có sâu bệnh. Năm đó, gia đình ông thu được 94 buồng chuối vào đúng dịp Tết Nguyên đán, thương lái tới mua tận nơi với giá hơn 1 triệu đồng/buồng. Từ đó đến nay, hàng năm, gia đình ông đều tăng diện tích trồng chuối lên năm sau cao hơn năm trước. Riêng năm 2019, gia đình ông trồng khoảng 2ha với hơn 2.000 cây. trong đó, 50% số cây cho thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán, số còn lại cho thu hoạch rải rác, lợi nhuận thu được khoảng 400 triệu đồng/ha. Năm 2020, gia đình ông trồng 3ha với 3.000 cây. Hiện nay, cây phát triển rất tốt, tỷ lệ cây đạt chuẩn hơn 97%. Ông Chánh cho biết: “Việc trồng chuối cấy mô không khó. Tuy chi phí đầu tư cao hơn trồng chuối thông thường nhưng cây rất ít sâu bệnh, không phải phun thuốc bảo vệ thực vật, lợi nhuận thu được cao”. Bên cạnh trồng chuối, gia đình ông còn lấy giống về bán cho người dân trên địa bàn xã. Năm 2020, ông đã bán cho người dân hơn 20.000 cây. Hiện nay, các vườn trồng chuối đều phát triển tốt, ít sâu bệnh.

 

 Một vườn chuối nuôi cấy mô tại huyện Cam Lâm.

Một vườn chuối nuôi cấy mô tại huyện Cam Lâm.


Kỹ sư Nguyễn Quốc Huy - Trạm Khuyến công - nông - lâm huyện Cam Lâm cho biết, mô hình trồng chuối cấy mô là kết quả của đề tài “Ứng dụng mô hình trồng chuối mốc bằng cây giống nuôi cấy mô trên địa bàn huyện”. Từ 3 mô hình trồng thử nghiệm (năm 2016) thành công ban đầu tại xã Suối Cát với hơn 6.000 cây, đến nay, mô hình đã nhân rộng ra các xã Cam Tân, Suối Tân với hơn 27.000 cây. Ngoài ra, nhiều hộ khác trên địa bàn huyện đã chủ động liên hệ trạm để được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và nhờ mua giống.


Tích cực ứng dụng khoa học công nghệ


Theo lãnh đạo Sở KH-CN, từ năm 2017 đến nay, bằng nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học thông qua các nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh và cấp cơ sở, trên địa bàn huyện Cam Lâm có hơn 20 mô hình ứng dụng tiến bộ KH-CN phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn được hỗ trợ chuyển giao cho địa phương.


Ngoài mô hình trồng chuối cấy mô, địa phương còn thực hiện một số mô hình đạt hiệu quả cao như: Cải tạo vườn điều thông qua việc ghép một số giống điều có năng suất cao trên cây điều truyền thống; chuyển giao kỹ thuật trồng cây kiệu cho người dân thị trấn Cam Đức; kỹ thuật trồng cây măng tây tại xã Suối Cát… Hay quy trình kỹ thuật canh tác 3 giống xoài Úc, Cát Hòa Lộc và Canh Nông theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giảm thiểu tồn dư độc hại. Hiện nay, ngoài tiêu thụ trong nước, sản phẩm xoài còn được xuất khẩu sang một số thị trường khác như: Trung Quốc, Australia, Singapore, Nhật Bản, châu Âu... Ngoài ra, sản phẩm xoài được xây dựng và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho thương hiệu “Xoài Cam Lâm” dưới hình thức đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho 3 giống xoài Úc, Cát Hòa Lộc và Canh Nông do UBND huyện Cam Lâm làm chủ sở hữu nhãn hiệu.


Không chỉ đưa tiến bộ KH-CN vào sản xuất nhằm tăng năng suất cây trồng, huyện Cam Lâm còn đẩy mạnh ứng dụng khoa học vào chăn nuôi. Theo đó, huyện đã thực hiện có hiệu quả các mô hình như: Chăn nuôi heo trên đệm lót sinh thái; trồng cỏ VA06 thâm canh kết hợp phối trộn thức ăn tinh cho bò bằng nguồn phụ phẩm hiện có tại địa phương; chuyển giao mô hình chăn nuôi vịt siêu nạc Grimaud thương phẩm trên sàn theo hướng an toàn sinh học… Các mô hình này góp phần thay đổi phương thức chăn nuôi truyền thống sang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng sản xuất hàng hóa an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm và thu nhập cho người dân.


Ông Lê Đình Cường - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm cho biết: Thời gian qua, việc ứng dụng KH-CN vào sản xuất nông nghiệp luôn được lãnh đạo huyện quan tâm, chỉ đạo triển khai, tạo hiệu ứng tốt, làm đòn bẩy để phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung xây dựng các mô hình sản xuất mới, tăng cường hoạt động chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng KH-CN cho nông dân. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp với các ngành chức năng tăng cường hoạt động tập huấn, tổ chức hội nghị đầu bờ các giống cây trồng, vật nuôi mới… giúp nông dân ứng dụng hiệu quả KH-CN, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập.

 
KHÁNH HÀ