10:08, 21/08/2019

Hướng đi cho người thiếu đất sản xuất

Sau khi Hội Nông dân huyện Cam Lâm phối hợp với Hội Nông dân xã Cam An Bắc thành lập tổ hội nghề nghiệp cải tạo, chăm sóc vườn đồi Cam An Bắc (viết tắt là tổ vườn đồi), khu vườn đồi ở thôn Tân An, xã Cam An Bắc đã xanh tốt hơn.

Sau khi Hội Nông dân (HND) huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) phối hợp với HND xã Cam An Bắc thành lập tổ hội nghề nghiệp cải tạo, chăm sóc vườn đồi Cam An Bắc (viết tắt là tổ vườn đồi), khu vườn đồi ở thôn Tân An, xã Cam An Bắc đã xanh tốt hơn.


Tháo gỡ khó khăn


Qua mấy tháng được tập trung chăm sóc, khu đồi ở thôn Tân An đã đổi khác. Cành hư được cắt bỏ; những cây dại được nhổ đi để tập trung dinh dưỡng cho cây trồng. Điều, xoài, keo lá tràm, xoan, bạch đàn, xà cừ, chuối... đã lên xanh. Ông Trần Quang Minh - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Tân An, tổ trưởng tổ vườn đồi cho biết, thôn có hơn 70% diện tích đất nông, lâm nghiệp bị thu hồi để thực hiện các dự án điện năng lượng mặt trời. Phần lớn diện tích bị thu hồi đang trồng mía, cho thu nhập trung bình 1,5 - 2 triệu đồng/sào (1.000m2). Nhà ông bị thu hồi 4,3 sào đất nông nghiệp. Hiện nay, ngoài một số diện tích đất nông nghiệp rải rác, ông còn lại 11ha đất lâm nghiệp, trồng xoan, keo, xà cừ, bạch đàn, xen lẫn chuối, xoài. Nhưng khu đồi này nắng nóng, khô hạn, xưa nay lại ít được chú trọng đầu tư nên hiệu quả thấp. Như đám keo, ông trồng 7 năm mới được thu hoạch nhưng cây vẫn nhẹ do thiếu nước, bán không được giá cao.

 

Tổ viên thôn Tân An chăm sóc vườn đồi.

Tổ viên thôn Tân An chăm sóc vườn đồi.


Tương tự, sau khi bị thu hồi 1ha đất nông nghiệp, hộ bà Vi Thị Mai chỉ còn gần 1ha đất đồi trồng điều già cỗi do ít chăm sóc. Hộ ông Võ Quốc Cường cũng chỉ còn lại hơn 3ha trồng keo kém hiệu quả. Không còn đất nông nghiệp, nhiều hộ ở đây loay hoay đi làm thuê, làm công nhân, có người đi làm ăn xa...


Với thực tế đó, nhằm tháo gỡ khó khăn về việc làm cho nông dân thiếu đất sản xuất, đồng thời khai thác triệt để hiệu quả vùng đất đồi vốn có, tháng 4-2019, HND huyện phối hợp với HND xã Cam An Bắc thành lập tổ vườn đồi. 7 hộ tham gia tổ là những trường hợp đã bị thu hồi gần hết đất nông nghiệp, chỉ còn lại phần đất lâm nghiệp cạnh nhau và cùng mong muốn gắn bó với nghề nông, cải tạo, trồng trọt tiếp.


Tập trung chăm sóc vườn đồi


Xã Cam An Bắc có 240ha đất nông, lâm nghiệp thì hơn 100ha đất bị thu hồi để thực hiện các dự án. Dự án chăm sóc vườn đồi do tổ vườn đồi thực hiện có tổng vốn đầu tư hơn 2,2 tỷ đồng, trong đó, ngoài vốn góp từ quyền sử dụng 28,8ha đất của 7 hộ, có 200 triệu đồng vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện, thực hiện trong 2 năm, phí 0,7%/tháng (8,4%/năm). Sau khi thành lập, các hộ tập trung phát quang, chăm sóc khu đồi, mua thêm trang thiết bị, công cụ sản xuất.


Theo ông Minh, khó khăn nhất hiện nay là nước tưới. Ông đã đào mấy hồ nước cho 1,2 mẫu xoài trong làng, nhưng vẫn không đủ nước. Ông đang định chi 40 - 50 triệu đồng khoan 1 giếng nước cho đám đất 4,3ha trên đồi, sau đó trồng xen chuối, sả, lấy ngắn nuôi dài. Khu đất đồi của nhà ông hiện đã phát xong, chỉ chờ có nước đều là bỏ phân, xuống giống. Bà Mai cũng đang chờ mưa để xuống giống chuối và keo.  


Dự kiến, hết năm thứ nhất, sau khi trừ chi phí mua phân bón, máy cắt cỏ, máy bơm nước, ống tưới, thuốc bảo vệ thực vật, phí vay ủy thác, công chăm sóc..., tổ vườn đồi sẽ thu về từ điều và xoài hơn 250 triệu đồng. Năm thứ hai, lợi nhuận sẽ tăng gấp rưỡi. Sau 2 năm, tổng thu của 7 hộ có thể hơn 600 triệu đồng, lợi nhuận bình quân 88 triệu đồng/hộ.


Theo ông Lê Minh Chiến - Chủ tịch HND xã Cam An Bắc, tổ vườn đồi bước đầu đáp ứng được nhu cầu của những hộ nông dân bị thu hồi đất, góp phần giải quyết việc làm cho 14 lao động, nâng cao đời sống của 7 hộ tham gia dự án; hạn chế tình trạng hội viên không có việc làm; từng bước xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân cơ sở. Đất đồi được chú trọng chăm sóc cũng mang lại hiệu quả cao hơn.

 
Ông Nguyễn Lai - Chủ tịch HND huyện cho biết, từ năm 2017 đến nay, HND huyện thành lập 23 tổ hội các loại, gồm 18 tổ hội nghề nghiệp, 2 tổ hợp tác sản xuất kinh doanh, 3 hợp tác xã. Tổ vườn đồi thành lập xuất phát từ nhu cầu thực tế, cấp thiết của người dân trong duy trì sản xuất nông nghiệp và có thu nhập ổn định; sau này sẽ đánh giá hiệu quả thực tế để khuyến khích mở rộng. Để tránh tình trạng các tổ hội chỉ hoạt động tích cực giai đoạn đầu, HND huyện luôn chú ý tư vấn, giám sát hoạt động của các tổ. Nhờ đó, đến nay, các tổ hội đều phát huy hiệu quả.  


TIỂU MAI