11:01, 09/01/2019

Xã Cam Thành Bắc: Hàng chục héc-ta ruộng lúa bỏ hoang

Nhiều năm nay, cánh đồng bà Xô thôn Lam Sơn (xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) chịu cảnh hoang hóa bởi ô nhiễm từ các trang trại nuôi heo trong khu vực. Người dân mong muốn nối dài đoạn mương nội vùng để khắc phục tình trạng này.

 

Nhiều năm nay, cánh đồng bà Xô thôn Lam Sơn (xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) chịu cảnh hoang hóa bởi ô nhiễm từ các trang trại nuôi heo trong khu vực. Người dân mong muốn nối dài đoạn mương nội vùng để khắc phục tình trạng này.


Cánh đồng bị “bức tử”


Đưa chúng tôi ra cánh đồng bà Xô, ông Nguyễn Thanh Hùng (thôn Lam Sơn) cho biết gần 1.000m2 lúa nước của ông chịu chung số phận như bao hộ nơi đây, trồng nhưng không được thu hoạch. Lúa trồng rất tốt nhưng khi làm đòng, trổ là gié bạc ra, không đóng được hạt. Toàn bộ diện tích không cho thu hoạch, có thu thì cũng bị lép lửng.

 

Cánh đồng bị bỏ hoang vì ô nhiễm phân heo.

Cánh đồng bị bỏ hoang vì ô nhiễm phân heo.


Nhìn bao quát cánh đồng hàng chục héc-ta một màu xanh ngắt nhưng toàn cỏ dại, lác đác vài đám bạc hà, môn nước... Người dân cho biết, trước đây, nơi này là cánh đồng lúa rất tốt nhưng từ khi các trang trại nuôi heo trong khu vực xả thải cũng là lúc cánh đồng bị “bức tử”, không thể canh tác được vì đậm đặc phân heo. Quan sát tại cống Lở - vị trí nước thoát ra biển qua quốc lộ - màu nước đen bốc mùi. Đứng tại các vị trí trên cánh đồng đều cảm nhận rõ mùi phân heo.


Bà Võ Thị Thu Vân (thôn Lam Sơn) cho hay, 4 - 5 năm nay bà không làm nổi một hạt lúa bởi có làm cũng hư.  Không có lương thực, bà phải đi mò cua bắt ốc kiếm sống qua ngày. Những hộ khác như: ông Dương Ngọc Phiên, bà Nguyễn Thị Quyên... cũng bỏ ruộng hoang hay chuyển đổi sang cây khác thích hợp hơn.


Điều đáng nói là cánh đồng có một tuyến mương đi qua nhưng lại là mương cụt. Nước thải phân heo theo mương thủy lợi đến đây rồi chảy tràn vào ruộng lúa gây ô nhiễm. Theo người dân, nếu tuyến mương này được đấu nối ra biển (200m) thì sẽ khắc phục được tình trạng này.


Ông Nguyễn Văn Một - Trưởng thôn Lam Sơn cho biết, khu vực canh tác đầu nguồn nước đã bị bỏ hoàn toàn, đoạn cuối mương chỉ còn một số ít diện tích canh tác được nhưng phải chuyển cây khác. Xã đã chỉ đạo quyết liệt việc kiểm tra, xử phạt các trang trại nuôi heo xả thải, nhưng các hộ nuôi heo thường lợi dụng mưa lớn hay đào ống ngầm dưới đất để xả thải.  


Sẽ kiến nghị nối dài tuyến mương


Theo lãnh đạo xã Cam Thành Bắc, khu vực cánh đồng bà Xô rộng 35ha sản xuất lúa 2 vụ, chảy qua khu vực này có tuyến kênh chính nam của hồ Cam Ranh. Nối tuyến kênh chính nam với đồng bà Xô là mương nội vùng có tên là N.31.5 tưới cho cánh đồng và đây cũng là tuyến mương cụt hiện hữu.


Cho đến nay, khu vực này phải gánh chịu ô nhiễm 2 lần. Lần 1 là năm 1998, khi đó Công ty Minexco hoạt động sàng tuyển rửa cát ở vùng đầu nguồn cánh đồng. Nhà máy xả nước thải gây ô nhiễm ruộng lúa. Địa phương làm việc và nhà máy đầu tư 1 tuyến mương tới vị trí giếng Lở, nhưng một phần diện tích của khu vực này không thể sản xuất lúa được nữa nên chuyển sang trồng màu. Tuyến mương này về sau được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đầu tư nối dài thêm 200m nhưng vì thiếu vốn nên bỏ dở giữa chừng. Nước đến đây đổ vào ao sen trên cánh đồng. Do con mương đầu tư chưa hoàn thiện nên hiện nay nước mang cả phân heo chảy vào cánh đồng gây ô nhiễm, sau đó đổ ra biển tại vị trí cống Lở trên quốc lộ.  


Ông Lê Quang Hùng - Chủ tịch UBND xã Cam Thành Bắc cho biết, sau khi Công ty Minexco rời đi, trả toàn bộ đất thuê cho người dân. Lúc đó, phong trào chăn nuôi gia công phát triển mạnh, người dân đổ xô dựng trại nuôi heo. Hiện tại, khu vực này có 8 trang trại nuôi heo cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (Công ty CP). Quy mô nuôi ngày càng lớn nhưng các hộ lại không đầu tư nâng cấp hệ thống biogas dẫn tới quá tải, phân heo tràn ra bên ngoài gây ô nhiễm. Để khắc phục, địa phương đã mời lãnh đạo Công ty CP làm việc, yêu cầu giám sát chặt chẽ việc bảo vệ môi trường, hộ nào không làm tốt hệ thống xử lý sẽ không cấp giống, vật tư. Công ty CP làm rất tốt, tuy nhiên vẫn còn một số hộ tự gom giống heo sản xuất nên việc xử lý rất khó khăn. Việc người dân phản ánh là đúng, chính quyền đã xử lý các trại vi phạm nhiều lần, nhưng thẩm quyền xã chỉ phạt đến 5 triệu đồng/trường hợp nên chưa đủ sức răn đe.


Lãnh đạo xã cho biết sẽ kiến nghị huyện đầu tư nối dài đoạn mương hở ra biển để khắc phục tình trạng ô nhiễm phân heo, phục hồi lại cánh đồng bà Xô.  


V.LẠC