11:11, 07/11/2018

Cuộc vận động "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước": Có nhiều mô hình điểm

3 năm qua, toàn tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng được 11 mô hình điểm "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước".

3 năm qua, toàn tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng được 11 mô hình điểm “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”. Nhờ đó, ý thức, trách nhiệm của những thuyền trưởng, người lái phương tiện, người làm ăn sinh sống ven sông, biển được nâng cao, góp phần bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) đường thủy.


11 mô hình điểm


Bến tàu Cầu Đá (TP. Nha Trang) là điểm trung chuyển hành khách lớn nhất trong tỉnh. Để quản lý bến hoạt động tốt, hiệu quả, phục vụ nhu cầu của du khách đi tham quan biển đảo, đơn vị đã có nhiều cách làm hay, trong đó duy trì hoạt động mô hình bến tàu “văn hóa - văn minh - an toàn”.  Tại các cầu tàu luôn có đầy đủ cọc bích và đệm va, giải phóng vật cản, khơi thông luồng lạch bảo đảm an toàn cho phương tiện hoạt động. Bến tàu cũng lắp đặt đèn chiếu sáng, camera giám sát, trang bị bơm cứu hỏa, cứu đắm… Bến cũng yêu cầu các chủ phương tiện lắp đặt két nước chứa chất thải và bố trí thùng đựng rác trên tất cả các tàu chở khách du lịch. Bên cạnh đó, bến thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát an toàn phương tiện thủy; duy trì và ổn định tình hình an ninh trật tự trong khu vực… “3 năm qua, bến tổ chức vận chuyển hơn 4,2 triệu lượt khách với 354.000 chuyến tàu xuất bến, bảo đảm an toàn tuyệt đối, không để xảy ra tai nạn giao thông đường thủy trong phạm vi quản lý”, ông Đinh Vĩnh Tiến - Phó Trưởng ban Quản lý vịnh Nha Trang cho biết.

 

Một góc bến tàu Cầu Đá Nha Trang.

Một góc bến tàu Cầu Đá Nha Trang.


3 năm qua, toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì được 11 mô hình bến điểm hoạt động hiệu quả, có nhiều sáng kiến hay, cách làm tốt được phát huy và nhân rộng. Cụ thể như: bến tàu du lịch Long Phú; Công ty TNHH một thành viên Yến sào Khánh Hòa với cuộc vận động (CVĐ) ứng xử có văn hóa với du khách, bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp; tổ dân phố Vũng Ngán (phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang), đảo Khải Lương (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh), thôn Đông (xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa) với công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em…


Thượng tá Trần Thị Tư - Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết, các mô hình đều xây dựng được hình ảnh bến tàu an toàn, văn minh. Đồng thời, ý thức, trách nhiệm của mọi người, cộng đồng đối với pháp luật và công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy được nâng lên. Tình trạng lôi kéo, cò mồi, tranh giành khách, tự ý nâng giá… tại các bến du lịch được khắc phục, chấn chỉnh kịp thời. Các cơ quan, doanh nghiệp tham gia vận tải thủy nội địa luôn tuân thủ các quy định của pháp luật và đặt mục tiêu an toàn lên trên hết nên tình hình trật tự ATGT luôn đảm bảo, không xảy ra tai nạn giao thông.


Nâng cao chất lượng, hiệu quả các mô hình

 

3 năm qua, lực lượng chức năng của tỉnh đã chủ động tuần tra, kiểm soát trấn áp các loại tội phạm ở những địa bàn trọng điểm như: Nha Trang, Cam Ranh và Vạn Ninh. Từ năm 2016 đến nay, lực lượng chức năng tổ chức gần 2.000 ca với hơn 6.000 lượt cán bộ, chiến sĩ kiểm soát tại các tuyến biển đảo toàn tỉnh. Qua đó, phát hiện và xử lý nghiêm 522 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường thủy, nộp Kho bạc Nhà nước hơn 230 triệu đồng.

Bên cạnh kết quả đạt được, Ban chỉ đạo CVĐ “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” của tỉnh cũng nhìn nhận những vấn đề tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới như: kinh phí hoạt động của các mô hình còn khó khăn; công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện CVĐ chưa phong phú...


Theo ông Ngô Khắc Thinh - Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang, hiện nay, tại bến Cầu Đá vẫn còn tình trạng bến tàu du lịch đan xen với bến đò dân sinh, do đó chưa phát huy hết chức năng vận chuyển khách du lịch; một số chủ phương tiện ý thức chấp hành pháp luật chưa cao, trình độ còn hạn chế; trong khi lực lượng thuyền viên, người điều khiển phương tiện có trình độ chuyên môn còn ít. Thành phố kiến nghị Ban chỉ đạo CVĐ tiếp tục hỗ trợ để xây dựng các mô hình văn hóa giao thông đường thủy đạt chuẩn; hỗ trợ kinh phí, áo phao, cặp phao cho người dân sinh sống trên các đảo nhằm không để xảy ra tai nạn đường thủy. Còn Trung tá Nguyễn Văn Sáng - Phó Trưởng Công an thị xã Ninh Hòa kiến nghị Ban chỉ đạo CVĐ cần tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách giao thông đường thủy của công an các địa phương, đặc biệt là quy trình xử lý các vi phạm liên quan.


Ông Cao Tấn Lợi - Trưởng Ban chỉ đạo CVĐ, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, thời gian tới, ban chỉ đạo sẽ tiếp tục yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp nâng cao chất lượng và hiệu quả của các mô hình. Trên cơ sở các mô hình đã được xây dựng từ cấp tỉnh đến cơ sở, tiến hành sơ kết rút kinh nghiệm và nhân rộng trên các tuyến địa bàn đường thủy trong tỉnh, tập trung vào các tuyến địa bàn trọng điểm, phức tạp về hoạt động giao thông đường thủy nội địa nhằm góp phần phòng ngừa tai nạn giao thông và đảm bảo hoạt động giao thông đường thủy diễn ra thông suốt, trật tự, an toàn.


THÀNH NAM