04:01, 11/01/2018

Tai nạn giao thông đường sắt tăng

Năm 2017, tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giảm cả 3 tiêu chí, tuy nhiên TNGT đường sắt lại tăng cả về số vụ và số người chết.

 

Năm 2017, tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giảm cả 3 tiêu chí, tuy nhiên TNGT đường sắt lại tăng cả về số vụ và số người chết.


Theo Trung tá Lê Quang Huy - Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh, gần như toàn bộ các vụ TNGT đường sắt xảy ra do ý thức của người điều khiển phương tiện kém, khi băng qua đường sắt không chú ý quan sát. Thực tế, các cơ quan chức năng đã cảnh báo và quyết liệt trong tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm nhưng việc chấp hành của các tài xế có nơi, có lúc chưa tốt. Điển hình như vụ TNGT xảy ra tại xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa đầu tháng 10-2017. Khi đó, tài xế xe ô tô tải mang biển kiểm soát 79C-00735 điều khiển qua đường sắt không quan sát dẫn đến tai nạn, hậu quả tài xế thiệt mạng, 2 người đi cùng bị thương nặng. Hay như vụ TNGT diễn ra trên địa bàn huyện Diên Khánh, người đi bộ ngồi trên đường sắt nên bị tàu cán.

 

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông đường sắt tại thị xã Ninh Hòa.

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông đường sắt tại thị xã Ninh Hòa.


Trung tá Hoàng Thế Long - Phó Đội trưởng Cảnh sát đường sắt cho biết: “Chúng tôi tập trung tuần tra, kiểm soát tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt. Đây là những điểm thường xảy ra TNGT. Năm qua, đội đã tổ chức 110 ca công tác, phối hợp với các lực lượng tuần tra kiểm soát; phát hiện và lập biên bản xử phạt 210 trường hợp vi phạm về an toàn đường sắt. Các lỗi chủ yếu là: dừng, đỗ xe tại đường ngang; không chấp hành tín hiệu vạch kẻ đường khi đi qua đường ngang…”.

 

Theo thống kê, năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 11 vụ tai TNGT đường sắt làm 11 người chết, 2 người bị thương. So với năm 2016, tăng 3 vụ, tăng 3 người chết  và giảm 2 người bị thương.

Bên cạnh những vụ TNGT xảy ra do tài xế thiếu ý thức, hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn quá nhiều đường ngang, lối đi dân sinh bất hợp pháp. Đây cũng chính là những điểm giao cắt có nguy cơ mất an toàn. Theo đó, chiều dài toàn tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh gần 150km, đi qua 6 huyện, thị xã, thành phố nhưng lại có đến 167 đường ngang, lối đi dân sinh bất hợp pháp. Đặc biệt, tại xã Suối Cát (huyện Cam Lâm), vị trí km1331 + 600 đến km1332 + 250 có đến 16 lối đi dân sinh có độ dốc cao, nguy hiểm. Không chỉ vậy, vị trí này đường cong và khuất, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT cao.


“Qua khảo sát thực tiễn, để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, chúng tôi kiến nghị Công ty Cổ phần Đường sắt Phú Khánh tiến hành xây dựng hệ thống đường gom tại 2 vị trí thuộc địa bàn thị xã Ninh Hòa và Diên Khánh. Đây là những vị trí có đường ngang dân sinh nhiều. Đối với các điểm giao cắt mật độ người và phương tiện lưu thông phức tạp về trật tự an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm làm hệ thống gờ giảm tốc”, Trung tá Lê Quang Huy cho biết.


Ngoài ra, Công ty Cổ phần Đường sắt Phú Khánh cũng nghiên cứu từng bước nâng cấp cảnh báo bằng biển báo lên cảnh báo tự động ở các đường ngang thường xảy ra TNGT thuộc địa bàn huyện Vạn Ninh, Diên Khánh và thị xã Ninh Hòa; đồng thời đóng đường ngang tại xã Đại Lãnh (Km1232 + 860) vì tại đây đã có đường gom rộng 4m. Đối với các điểm giao cắt đã có hệ thống vạch dừng, cọc tiêu, biển báo, rào đóng, thu hẹp nhưng bị hư hỏng hoặc bị phá dỡ, công ty cần nhanh chóng tu sửa để bảo đảm an toàn giao thông.


THÀNH NAM