07:11, 03/11/2015

Tăng cường quản lý lao động người nước ngoài

Hiện nay, công tác quản lý lao động người nước ngoài trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa còn gặp khó khăn, đặc biệt là lao động núp bóng khách du lịch.

Hiện nay, công tác quản lý lao động (LĐ) người nước ngoài trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa còn gặp khó khăn, đặc biệt là LĐ núp bóng khách du lịch.


Khó khăn quản lý


Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng LĐ người nước ngoài làm việc không phép. Tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng số LĐ này chủ yếu tập trung ở những lĩnh vực như: giáo dục, du lịch, lữ hành, chế biến và nuôi trồng thủy hải sản... Vì lợi ích riêng, các doanh nghiệp (DN) đã bao che cho LĐ người nước ngoài dưới nhiều hình thức như: lợi dụng quy định về thời hạn làm việc dưới 3 tháng để làm việc lâu dài; cố tình không khai báo sử dụng LĐ người nước ngoài và không làm hồ sơ đề nghị cấp giấy phép LĐ vì sợ tốn kém chi phí. Bên cạnh đó, một số LĐ người nước ngoài hết thời hạn giấy phép LĐ nhưng không tiến hành gia hạn.

 

Hướng dẫn viên người nước ngoài tại Tháp Bà Ponagar
Hướng dẫn viên người nước ngoài tại Tháp Bà Ponagar


Ngoài ra, việc quản lý LĐ người nước ngoài chưa có sự phối hợp đồng bộ, thiếu chặt chẽ giữa công an, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý nhà nước. Việc quản lý LĐ người nước ngoài không chỉ riêng ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) mà còn là trách nhiệm của công an, chính quyền địa phương nơi các LĐ này cư trú. Họ vào Việt Nam làm việc và di chuyển từ địa phương này đến địa phương khác nhưng chưa được các cấp chính quyền địa phương quản lý theo hình thức đăng ký tạm trú, tạm vắng.


Ông  Mai Xuân Trí - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, đối với những LĐ người nước ngoài làm việc tại các nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi giải trí, lữ hành trên địa bàn tỉnh rất khó quản lý. Bởi những LĐ làm việc ở lĩnh vực này chủ yếu núp dưới danh nghĩa là khách du lịch rồi ở lại làm việc. Khi kiểm tra, chủ cơ sở đều nói đây là khách du lịch và xuất trình visa để chứng minh. Trong trường hợp này, cơ quan chức năng không có cơ sở để xử lý họ. Bên cạnh đó, nhiều DN sử dụng LĐ người nước ngoài chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo theo định kỳ cho cơ quan quản lý nhà nước. Theo lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã triển khai hàng chục cuộc kiểm tra và phát hiện 18 người Trung Quốc làm việc không có giấy phép LĐ trên địa bàn tỉnh. Họ đến Khánh Hòa qua đường du lịch rồi ở lại để nuôi trồng thủy sản, buôn bán đồ mỹ nghệ, thu mua hải sản.


Cần Tăng cường kiểm tra

 

Tại buổi làm việc với các sở, ngành về công tác quản lý LĐ người nước ngoài, đồng chí Nguyễn Duy Bắc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Sở LĐ-TB-XH nhanh chóng hoàn chỉnh Quy chế quản lý LĐ người nước ngoài trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh xem xét ban hành trong tháng 11; quy chế phải nêu rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường kiểm tra LĐ người nước ngoài trước, trong và sau khi làm việc tại địa phương; các địa phương tăng cường quản lý, kiểm tra nơi cư trú của LĐ người nước ngoài. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét các điều kiện tham mưu cho UBND tỉnh cấp phép LĐ chính thức hoặc tạm thời ở lĩnh vực du lịch cho LĐ người nước ngoài…

Ông Mai Xuân Trí cho biết, đa số LĐ người nước ngoài vào tỉnh làm việc được cấp giấy phép, song vẫn chưa được quản lý chặt chẽ, không biết họ đi đâu, ở đâu, có còn làm việc hay đã về nước. Do đó, Công an tỉnh và công an các xã, phường, thị trấn cần tăng cường kiểm tra, quản lý về tạm trú, tạm vắng đối với LĐ người nước ngoài sau khi được cấp giấy phép. Có như vậy mới hạn chế đến mức thấp nhất LĐ không phép, quản lý chặt chẽ được LĐ người nước ngoài trên địa bàn tỉnh.


Đại tá Đặng Văn Dũng - Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh cho rằng, để quản lý tốt LĐ người nước ngoài cần cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng. Các cấp chính quyền địa phương phải có trách nhiệm trong việc quản lý tạm trú, tạm vắng, nắm chặt tình hình người nước ngoài đến cư trú tại địa phương. Về phía các DN, cần nêu cao trách nhiệm trong việc khai báo và báo cáo định kỳ cho cơ quan quản lý nhà nước, tránh trường hợp LĐ người nước ngoài đăng ký làm việc ở đơn vị này lại đi làm việc cho đơn vị khác.


Bên cạnh đó, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong tăng cường phối hợp với các cấp chính quyền địa phương để quản lý chặt chẽ những LĐ người nước ngoài làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế cần vào cuộc để cùng tham gia thống kê, thường xuyên nắm tình hình những LĐ người nước ngoài làm việc ở lĩnh vực thuộc ngành mình. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Sở LĐ-TB-XH, Công an tỉnh để xử lý khi LĐ người nước ngoài vi phạm, nhất là sử dụng visa sai mục đích. Có như vậy, công tác quản lý LĐ người nước ngoài trên địa bàn tỉnh mới có hiệu quả.


PHÚ VINH