10:01, 30/01/2019

Tết hồi xửa hồi xưa

Khi bà nội còn sống, bà hay nói: "Tết hồi xửa hồi xưa". Rồi má cũng nói: "Hồi xửa hồi xưa Tết như vầy nè…".  Tết bây giờ gần như người ta không còn gọi là ăn Tết, mà nhắc đến hai chữ "đoàn viên". Hồi xửa hồi xưa, cả dòng họ sum vầy ở chung khu phố.

Khi bà nội còn sống, bà hay nói: “Tết hồi xửa hồi xưa”. Rồi má cũng nói: “Hồi xửa hồi xưa Tết như vầy nè…”.  Tết bây giờ gần như người ta không còn gọi là ăn Tết, mà nhắc đến hai chữ “đoàn viên”. Hồi xửa hồi xưa, cả dòng họ sum vầy ở chung khu phố. Hồi xửa hồi xưa, con cái lấy chồng lấy vợ cũng lân cận, cho nên Tết đến luôn quây quần bên nhau. Tết hồi xửa hồi xưa là một phần kỷ niệm của nhiều người.

 

Rồi cuộc sống thay đổi, Tết vẫn còn đó, nhưng đã khác xưa. Cách ăn Tết đã khác, tập tục Tết đã khác. Tuổi trẻ bây giờ rộn ràng cùng Tết với những chuyến rong chơi thay vì ở nhà ăn Tết. Đó cũng là lẽ thường theo quy luật của cuộc sống. Nhưng, Tết hồi xửa hồi xưa chắc chắn là một phần ký ức không thể nào phai nhạt. Cho đến bây giờ, khi đã chán với cách ăn Tết… chợ, có nghĩa là từ mâm cỗ cúng đến bánh trái, mứt… đôi khi chỉ cần một cuộc điện thoại là được đưa đến tận nhà; hay hẹn gặp nhau lại ra quán xá, thay vì cùng ngồi bên mâm cỗ Tết, trong mùi hương trầm lan tỏa và nhìn ra ngoài sân những cành mai đang bung nở vàng trong gió xuân, thì nhiều nhà lại chung gói bánh, đem ra trước nhà nấu để nghe mùi lửa, để tận hưởng cảm giác Tết.


Tết hồi xửa hồi xưa nao nức lắm. Sau ngày 23 tháng Chạp là nhà nhà cúng tất niên. Đó là cách để tụ họp gia đình, mời vài bạn bè cùng ăn. Ăn cũng chỉ là cái cớ. Mâm cúng tất niên có gà luộc, chả ram, bún măng, cà ri…

 

 

Hồi đó, nhà nhà thích tự làm mứt. Chỉ là các loại mứt căn bản: mứt dừa, mứt bí, mứt gừng, mứt khoai lang.. Làm mứt rất công phu, nhưng cái thú đợi lò mứt riu lửa, nhón ăn những miếng mứt đầu tiên ngon chi lạ.


Tập tục chia thịt rất phổ biến. Vài nhà hùn tiền mua một con heo về xẻ thịt, chia phần rất đồng đều, rồi bốc thăm chọn theo thứ tự. Thịt đem về làm đủ món: thịt hầm măng, thịt rim, thịt ngâm mắm…


Rồi nhà nhà nấu bánh chưng, bánh tét. Bánh tự nấu có cái hồn của Tết. Chiếc bánh gói vụng đầu to đầu nhỏ, nhân không đều, cột dây lạt không theo quy tắc nào đó được vớt ra, nhận mặt: “Bánh mình gói nè”.


Tết hồi xửa hồi xưa, mẹ ra chợ mua quần áo mới, cất kỹ, chỉ đợi sáng mùng một mới đem ra mặc. Mặc quần áo mới ngày Tết không chỉ là việc thay trang phục mà ở đó còn có sự thiêng liêng, sự vui vẻ khó diễn tả nên lời.


Hồi đó không ai buôn bán ngày Tết. Tất cả hàng quán đều đóng cửa, đó là lý do phải trữ thức ăn trong ngày này.  Đi chơi về nhà là cắt bánh tét, lấy thịt rim, dưa món, bánh tráng, rau sống… cứ dọn ra mà ăn. Nhà nào cũng hào phóng trong việc ăn uống.


Tục chúc Tết gần như đã vắng theo cách hồi xửa hồi xưa rồi. Vai vế dưới đi chúc vai vế trên, hàng xóm đi chúc Tết nhau, bạn bè cùng đi thăm. Giờ chúc Tết bằng tin nhắn, gởi lên một cái thiệp điện tử là xong. Mâm bánh mứt Tết giờ mua cho có lệ, khách tới có khi chưa kịp đụng vào miếng mứt nào đã vội đi. Tết bây giờ có khi lên đường đi du lịch, nhà khóa cửa, kệ gió xuân cứ lung lay thổi.


Có bao nhiêu điều để kể về ký ức Tết. Như sự rộn ràng trên con đường làng ngày đầu năm mới, những bông hoa đầu xuân rộ nở trong nắng. Những trò chơi dân gian chỗ bãi đất trống của làng là niềm vui. Như tục xông đất tin vào sự may mắn hợp tuổi. Và ngày đầu năm đi chùa là một nét riêng, trong mùi hương trầm thơm ấy, lòng như nhẹ tênh giữa cuộc đời.


Tết là một tục có tự nghìn xưa của người dân Việt, trải qua bao thăng trầm, tất nhiên cũng thay đổi theo. Dù vậy, vẫn còn đó những chuyến tàu sum họp, vẫn còn đó hình ảnh những cành đào phương Bắc, cành mai phương Nam được giữ cẩn thận trong cuộc hành trình sum họp, để chúng khoe sắc hoa trong tiếng cười đoàn viên. Vẫn còn đó những bữa cơm đoàn tụ, tiếng so đũa làm xôn xao ngày năm mới khởi đầu.


Khuê Việt Trường