10:01, 29/01/2019

Bữa cơm tất niên trên đất Mỹ

1. Gia đình tôi đi qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt, gia sản tiêu tan. Những năm bao cấp khó khăn, má tôi một nách mười mấy đứa con, cộng thêm bầy cháu nhóc nheo, vẫn lo đủ ăn, cho chúng tôi đến trường.

1. Gia đình tôi đi qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt, gia sản tiêu tan. Những năm bao cấp khó khăn, má tôi một nách mười mấy đứa con, cộng thêm bầy cháu nhóc nheo, vẫn lo đủ ăn, cho chúng tôi đến trường. Ba má tháo vát, tìm đủ cách tạo việc làm tại nhà cho con cháu chung tay phụ giúp. Ba ra La Hai (Phú Yên), mua đường mật về nấu thành đường tán, bán chợ cho người dân mua về cúng ông Địa, hay nhâm nhi tách trà mỗi sáng. Má bày nghề làm cà rem, kem chuối, đổ vô bịch nhỏ, làm đông bằng đá lạnh với muối, bỏ cho người ta hoặc để tụi tôi vác đi bán khắp làng. Sau đó thêm nghề làm cốm nếp, đường phèn, mở hàng tạp hóa nho nhỏ trước nhà hay thả lưới bắt cá trên sông Dinh… Tất cả những việc ba má làm, ngoài mục đích kiếm sống, còn có một nguyên nhân sâu xa, không muốn bất cứ đứa nào tha hương, đi làm tận đâu đâu, xa rời mái ấm.


Chúng tôi lớn lên, quây quần trong căn nhà chắp vá nhưng luôn đầy ắp tiếng cười và tình thương êm ấm. Rồi viễn xứ, tha hương, nhưng vẫn cố ở gần gặp mặt mỗi ngày. Ba má ra đi đột ngột, chẳng kịp dặn dò con cháu điều gì. Nhưng chúng tôi biết, điều ông bà mong mỏi là anh chị em hòa thuận, thương yêu, cận kề giúp đỡ. Dẫu bây giờ đứa có vợ, có chồng, sinh con đẻ cái, sợi dây thâm tình là bóng dáng má ba, đã không còn hiện hữu.


Hai tiếng gia đình luôn quan trọng và thiêng liêng với chúng tôi.


2. Mười chín năm phiêu bạt xứ người, tôi có vài lần may mắn về ăn Tết quê nhà, còn hầu hết ở bên kia quả địa cầu lạnh giá. Những năm đầu tiên, phải nói buồn thương không tả nổi. Thử tưởng tượng, giữa trời rét run, tuyết rơi ngập lối, ai nấy cũng tất bật đi làm, mở VTV4, lên facebook, hoặc gọi điện thoại về, nghe người bên nhà đang nô nức đón giao thừa, rộn ràng đi tảo mộ sáng mùng một, hay bạn bè bù khú mùng hai thì lòng dạ nào vui cho nổi?


Chúng tôi vẫn giữ thói quen cúng kiếng học từ ba má. Tất niên, năm mới cũng rước, tiễn ông bà. Dù bận rộn đến đâu, chiều ba mươi cũng tranh thủ về sớm, ghé chợ mua ít thịt thà rau củ, đòn bánh tét đậu phộng khô rôm bởi nạc nhiều hơn mỡ, mâm ngũ quả gồm: dưa hấu, chuối, quýt, táo hay bất cứ trái cây gì miễn đủ... năm loại, với chậu cúc vàng. Những năm có chị bên này thì việc bếp núc tôi nhường chị. Năm nào chị về quê, tôi lãnh phần lui cui nấu bữa cơm cúng mời ông bà về ăn tất niên với con cháu.


Bữa cơm xứ người không có gì đặc sắc, toàn những món đạm bạc, quê mùa, mỗi năm chỉ ăn đúng một lần, nhưng nghe mùi là biết Tết. Thịt ba chỉ thưng là món tủ của nhà tôi. Miếng thịt ba chỉ ướp gia vị chừng một tiếng cho thấm. Bắc chảo mỡ, phi tỏi thơm, cho thịt vào. Lấy đũa trở mặt, đổ thêm nước dừa, để lửa thiệt nhỏ, thưng từ từ cho mỡ chảy ra, gia vị thấm sâu vào bên trong. Một tiếng sau, miếng thịt trong ngần, nước keo lại, thơm một góc nhà. Nhắc chảo xuống, để nguội, lấy dao xắt mỏng, sắp vô đĩa, múc nước thịt rưới lên vừa thơm vừa béo.


Khổ qua xào trứng là món thứ hai. Khổ qua xắt mỏng, ngâm nước muối để giữ cho xanh. Đập trứng vịt vô chén, đánh tan. Bắc chảo dầu, đổ khổ qua vô, canh vừa chín tới thì cầm chén trứng rải đều, vừa nhanh tay trộn để trứng không bị vón cục. Nêm kỹ càng, nhắc xuống, múc ra đĩa, rưới hành ngò và tiêu lên trên thơm lựng.


Món thứ ba là tô miến gà. Bún Tàu, nấm mèo cắt đôi, ngâm nước lạnh cho mềm, vớt ra bỏ vô chén. Bắc nước chờ sôi là đổ gan, mề, tim, cật gà đã tao sơ vô trước rồi nấm mèo và bún kế tiếp, nêm xong nhắc xuống liền chứ không bún rục. Món này phải nhiều nước và nấu sau cùng để cúng xong còn có cái mà húp thay vì một tô đặc quánh.


Tôi bới ba chén cơm, dọn đồ ăn lên bàn thắp nhang, thành tâm khấn mời ông bà, cô bác, bà con hai họ về ăn với gia đình bữa cơm. Nhưng chưa được ăn đâu nha, phải ngồi chờ anh chị đi làm về để thắp nhang cúng thêm lần nữa.


3. Chiều ba mươi, có lẽ là lần duy nhất trong năm tụi tôi được ăn cơm chung với nhau, khi ai cũng có việc làm thời giờ khác biệt. Bữa nào về tới nhà cũng mệt quá, mỗi đứa một tô, chui vô phòng sống với thế giới của mỗi người.


Bữa tất niên không khói lam chiều, không tiếng cười nói rộn ràng hay thơm ngát nhang trầm. Ngước lên bàn thờ nhìn hình ba má, nghe nghèn nghẹn trong lòng, nghĩ về món nợ sum vầy ngày ra đi đã trót hứa trót vay, để rồi chẳng bao giờ trả nổi.


Nguyễn Hữu Tài