01:09, 21/09/2018

Khi doanh nghiệp đầu tư vào nghệ thuật

Đầu tư vào lĩnh vực nghệ thuật đang được xem là một hướng đi mới của các doanh nghiệp. Nhưng để thành công được trên con đường đầy chông gai đó là chuyện không hề đơn giản.

Đầu tư vào lĩnh vực nghệ thuật đang được xem là một hướng đi mới của các doanh nghiệp (DN). Nhưng để thành công được trên con đường đầy chông gai đó là chuyện không hề đơn giản.


Ở Nha Trang - Khánh Hòa, DN đầu tiên có tâm huyết đầu tư vào nghệ thuật, nhất là nghệ thuật truyền thống chính là Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ HKL với việc đưa vào hoạt động Nhà hát múa rối nước Nha Trang tại Trung tâm Hội nghị 46 Trần Phú vào tháng 11-2014. Theo ông Phạm Hoàng Vũ - Giám đốc Nhà hát múa rối nước Nha Trang, khi ấy Nha Trang - Khánh Hòa có hoạt động du lịch rất phát triển, nhưng dịch vụ văn hóa nghệ thuật, giải trí phục vụ du khách vẫn còn ít. Vì thế, công ty muốn tham gia đầu tư điểm biểu diễn nghệ thuật truyền thống để phục vụ khán giả. Công ty đã chọn múa rối nước - một loại hình nghệ thuật độc đáo với 150 chỗ ngồi, được đầu tư công phu về âm thanh, ánh sáng, cơ sở vật chất, đội ngũ diễn viên, các tiết mục biểu diễn… Tuy nhiên, đơn vị hoạt động nhộn nhịp được một vài tháng đầu, sau đó rơi vào tình trạng đìu hiu vắng khách và hiện nay thì gần như chỉ còn là một hoài niệm đẹp.

 

Một tiết mục biểu diễn của Nhà hát Nghệ thuật dân gian Á Châu.

Một tiết mục biểu diễn của Nhà hát Nghệ thuật dân gian Á Châu.


Tháng 10-2016, Công ty TNHH Hải Đăng khai trương Nhà hát Nghệ thuật dân gian Á Châu (số 62 Thái Nguyên). Nhà hát có sức chứa 500 ghế ngồi, với hệ thống âm thanh, ánh sáng, thiết kế sân khấu được đầu tư hiện đại. Nơi đây thường xuyên tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật mang đậm màu sắc văn hóa dân gian các vùng miền của Việt Nam cũng như các nước trong khu vực để phục vụ khách du lịch. “Nhà hát chú trọng xây dựng những tiết mục mang đậm nét văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam để giới thiệu với bạn bè và góp phần tôn vinh truyền thống văn hóa của đất nước”, ông Lê Xuân Thơm - chủ đầu tư nhà hát từng chia sẻ. Tâm huyết là vậy, nhưng giữa năm 2017, nhà hát lại ế khách mỗi đêm. Nhận thấy tâm huyết, cũng như sự đầu tư bài bản của DN nên một lãnh đạo tỉnh đã làm việc với một số công ty lữ hành để đưa khách đến nhà hát. Nhờ đó, tình hình hoạt động của nhà hát đã có sự khởi sắc hơn.


Ông Nguyễn Khắc Hà - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, lãnh đạo tỉnh rất hoan nghênh việc DN tư nhân đầu tư mở các loại hình nghệ thuật. Sở cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ DN trong việc tổ chức biểu diễn; đầu tư các chương trình nghệ thuật đặc sắc, có giá trị nghệ thuật cao… Sự tham gia của các DN đã tăng thêm dịch vụ văn hóa phục vụ nhu cầu giải trí cho người dân địa phương, cũng như giới thiệu một loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc với du khách quốc tế. Từ đó, góp phần quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian Việt Nam.


Giang Đình