05:02, 26/02/2019

Ngoại hạng Anh đã bắt đầu "thấm" lịch thi đấu

Cứ như là đến hẹn lại lên, đến giai đoạn nước rút của mùa giải trên các mặt trận, các câu lạc bộ lớn của giải bóng đá Ngoại hạng Anh đều đang lộ ra không ít thì nhiều những dấu hiệu của sự hụt hơi. Những câu lạc bộ phải căng sức cho nhiều mặt trận đang "thấm" sức ép của lịch thi đấu dày đặc.

Cứ như là đến hẹn lại lên, đến giai đoạn nước rút của mùa giải trên các mặt trận, các câu lạc bộ lớn của giải bóng đá Ngoại hạng Anh đều đang lộ ra không ít thì nhiều những dấu hiệu của sự hụt hơi. Những câu lạc bộ phải căng sức cho nhiều mặt trận đang “thấm” sức ép của lịch thi đấu dày đặc.
 
Lịch thi đấu quá dày của Ngoại hạng Anh khiến cho cầu thủ dễ dính chấn thương và suy giảm phong độ.
Lịch thi đấu quá dày của Ngoại hạng Anh khiến cho cầu thủ dễ dính chấn thương và suy giảm phong độ.
Việc các câu lạc bộ lớn của Ngoại hạng Anh phải đối mặt với tình trạng hụt hơi, các cầu thủ chủ chốt suy giảm về mặt phong độ thể lực, nhân sự chịu những sự biến động lớn do chấn thương, thực lực chỉnh thể xuống dốc một cách khá rõ ràng… vào giai đoạn nửa sau của mùa giải là điều hết sức bình thường mà mùa giải nào cũng có thể thấy. Đó là do các câu lạc bộ này phải căng sức ở quá nhiều mặt trận. Trong nước thì ngoài Ngoại hạng Anh là chính ra thì có thêm Cúp Liên đoàn và Cúp FA, với số trận thi đấu cũng không phải là ít. Ngoài nước thì có Champions League và Europa League, cũng là những đấu trường dài hơi với sự căng thẳng và tầm quan trọng đối với các câu lạc bộ lớn này là không thua kém gì chức vô địch Ngoại hạng Anh.
 
Tiêu biểu cho việc chịu ảnh hưởng nặng nề từ lịch thi đấu dày đặc chính là trận đấu giữa Manchester United và Liverpool ở vòng 27 vừa qua. Đó là trận đấu được gọi là kỳ lạ, với 4 lượt thay người vì chấn thương chỉ trong hiệp 1 (3 của Manchester United và 1 của Liverpool), đặc biệt trong đó có trường hợp Jesse Lingard vào sân thay cho Juan Mata nhưng chưa tới 20 phút sau đã bị thay ra vì tái phát chấn thương. Bản thân Manchester United trong trận gặp Paris Saint-Germain tại Champions League trước đó cũng phải thay Anthony Martial và Jesse Lingard, 2 cầu thủ rất quan trọng trong lối chơi của câu lạc bộ, vì gặp chấn thương trong trận. Còn đối với Liverpool, chấn thương của Roberto Firmino, Joe Gomez, Dejan Lovren… hoặc phong độ thi đấu đi xuống do thi đấu quá tải của Sadio Mane và Mohamed Salah, đã tác động rất lớn đến thành tích thi đấu của câu lạc bộ thời gian gần đây. Đó là nguyên nhân chính khiến cho Liverpool liên tiếp bị mất điểm, chỉ còn hơn Manchester City đúng 1 điểm trên bảng xếp hạng. 
 
Không chỉ có Manchester United và Liverpool chịu cảnh suy giảm lực lượng do lịch thi đấu quá dày, mà các ông lớn Ngoại hạng Anh khác cũng chịu tình trạng tương tự. Việc Manchester City phải chật vật bám đuổi Liverpool như vậy có thành phần khá lớn đến từ việc nhiều trụ cột của câu lạc bộ này liên tiếp chấn thương, khiến cho Pep Guardiola thường không có lực lượng mạnh nhất trong tay. Đó là những chấn thương của Fernandinho, Kevin De Bruyne, Benjamin Mendy, Vincent Kompany… hoặc sự quá tải của Sergio Aguero, David Silva… khiến cho huấn luyện viên Pep Guardiola cũng phải đau đầu. 
 
Hoặc có thể kể tới một Tottenham cũng đang chịu ảnh hưởng rất lớn từ lịch thi đấu, bởi lực lượng trong tay huấn luyện viên Mauricio Pochettino không hề dày, và nó đang bị bào mòn đi một cách nhanh chóng do chấn thương và thi đấu quá tải. Tottenham đang dựa rất nhiều vào những cầu thủ chủ chốt như: Dele Alli, Harry Kane, Christian Eriksen, Son Heung-Min, Eric Dier… nhưng những cầu thủ này đang phải cày bừa quá sức trên quá nhiều mặt trận mà không có sự thay thế nào tương xứng. Một khi nhận lấy chấn thương hoặc phong độ không tốt, những trận sẩy chân như trước Burnley vào qua là chuyện hết sức bình thường.
 
Hoặc Arsenal và Chelsea thời gian gần đây rõ ràng là không có phong độ thi đấu tốt, các cầu thủ thể hiện sự xuống sức, suy giảm ý chí chiến đấu một cách khá rõ ràng. Trong 10 trận đấu gần đây trên các mặt trận, thầy trò huấn luyện viên Unai Emery đã để thua tới 4 trận; còn đối với Chelsea, số trận thua là lên tới con số 5. Dĩ nhiên sẽ có liên quan tới nhiều nguyên nhân khác nữa, nhưng ảnh hưởng của lịch thi đấu dày đặc là không thể chối cãi.
 
Cường độ thi đấu quá lớn là một trong những nguyên nhân chính khiến cho các câu lạc bộ Ngoại hạng Anh thường xuyên hụt hơi ở đấu trường châu Âu, thường xuyên bị loại ở giai đoạn gần cuối mùa giải do không có được lực lượng mạnh nhất trong tay. Đây không phải lần đầu tiên Ngoại hạng Anh gặp tình trạng này, bởi lẽ các câu lạc bộ phải phân sức cho nhiều giải đấu, lại còn phải căng sức thi đấu trong kỳ nghỉ Đông, thời điểm mà các câu lạc bộ châu Âu khác đang được nghỉ ngơi dưỡng sức. Sự chật vật của các câu lạc bộ lớn Ngoại hạng Anh ở giai đoạn này là rất rõ ràng, nhưng tình hình có lẽ khó lòng cải thiện, khi mà đây đã là truyền thống, và nét hấp dẫn đặc trưng của giải đấu này. Trước mắt, đường ra duy nhất của các câu lạc bộ Ngoại hạng Anh là làm dày thêm lực lượng, đổ tiền vào thị trường chuyển nhượng, thì mới có thể bám đuổi được trong những chặng đua dài hơi và đầy áp lực như vậy.
Cao Duy