11:06, 20/06/2022

Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ tôn chỉ, mục đích của báo chí cách mạng Việt Nam: "Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới", suy rộng ra là phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và đóng góp tích cực cho hòa bình thế giới vì mục tiêu của thời đại là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ tôn chỉ, mục đích của báo chí cách mạng Việt Nam: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới”, suy rộng ra là phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và đóng góp tích cực cho hòa bình thế giới vì mục tiêu của thời đại là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.


Về vai trò, nhiệm vụ của báo chí cách mạng Việt Nam: Chủ tịch Hồ Chí Minh coi người hoạt động báo chí là một chiến sĩ cách mạng, “cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Người căn dặn: “Về trách nhiệm báo chí, Lênin có nói: Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung. Vì vậy, nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình. Cần phải luôn luôn cố gắng, mà cố gắng thì nhất định thành công”.


Người cho rằng, nhiệm vụ báo chí cách mạng là phải đi tiên phong trong đấu tranh không khoan nhượng với những gì đi ngược lại quy luật của lịch sử, vạch trần tính chất phản động, giả dối, bịp bợm của kẻ thù của dân tộc. Tính chiến đấu không chỉ nhằm tiến công vào kẻ thù của cách mạng, mà còn biểu dương những tấm gương tiêu biểu trong chiến đấu và lao động để cổ vũ mọi người hăng hái tham gia cách mạng. Một mặt, Người yêu cầu “Các báo chí và văn nghệ phải điều tra tuyên truyền, khen ngợi những ưu điểm và phê bình những khuyết điểm trong việc phổ biến sáng kiến và kinh nghiệm. Mặt khác, Người đề nghị báo nên có mục “ý kiến bạn đọc”, coi ý kiến bạn đọc là những ý kiến đấu tranh. Phê bình và tự phê bình là biện pháp tăng cường tính chiến đấu, vì “Phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và rất sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm. Vì khéo lợi dụng nó mà Đảng ta và dân ta ngày càng tiến bộ. Đối với báo chí cũng vậy”.


Về tính Đảng của báo chí cách mạng Việt Nam: Đây là điều căn cốt nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng Việt Nam. Người cho rằng, báo chí chỉ đúng về chính trị khi nó được lãnh đạo của một đảng, dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, một đảng mang bản chất của giai cấp công nhân và gắn bó mật thiết với dân tộc, với nhân dân. Người luôn nhấn mạnh: Báo chí phục vụ ai? Đằng sau lời chỉ dẫn của Người: báo chí của ta phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ cho đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội, cho hòa bình thế giới là nguyên tắc: Đảng phải lãnh đạo báo chí. Ngay từ rất sớm, Người khẳng định nguyên tắc bất di, bất dịch ấy: “Ban Chấp hành Trung ương phải kiểm soát các báo chí của Đảng để tránh những khuyết điểm về kỹ thuật và chính trị”. Theo đó, Người yêu cầu “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”.


Về xây dựng đội ngũ nhà báo vừa “hồng”, vừa “chuyên”: Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu những người làm báo phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, trau dồi tư tưởng, học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động, phải luôn nâng cao trình độ văn hóa, rèn giũa nghiệp vụ, mài sắc ngòi bút của mình, nhất là phải trau dồi lập trường chính trị vững chắc: “Chính vì thế cho nên, tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, v.v.) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”. Người chỉ rõ: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng”. Vì vậy, cách viết bài báo phải đơn giản, dễ hiểu, ngôn ngữ phải trong sáng, tránh dùng từ nước ngoài; viết “phục vụ nhân dân” thì nhất định phải chọn cái gì có lợi cho dân và phục vụ cách mạng.


Báo chí vì cách mạng, vì Đảng, vì nhân dân - đó vừa là mục đích, vừa là điều kiện, vừa là tiêu chuẩn đạo đức trong hoạt động báo chí; đó cũng là tính đảng của báo chí, là biểu hiện sự trung thành của báo chí đối với Đảng, là cống hiến của báo chí vào sự nghiệp vĩ đại của Đảng. Đảng ta đã quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng. Trong suốt quá trình đấu tranh, xây dựng và trưởng thành của Đảng, Đảng và Nhà nước ta luôn đặt báo chí dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; coi trọng phát triển toàn diện báo chí, coi báo chí là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí.


T.K (Theo dangcongsan.vn)