10:01, 07/01/2016

Thiếu đất xây dựng công trình công cộng

Đến nay, xã Khánh Nam (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) đã đạt 9/19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, xã đang đứng trước thách thức không còn đất để xây dựng các công trình công cộng.

Đến nay, xã Khánh Nam (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) đã đạt 9/19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, xã đang đứng trước thách thức không còn đất để xây dựng các công trình công cộng.


Đạt 9/19 tiêu chí


Lãnh đạo xã Khánh Nam cho biết, đến nay, xã đã hoàn thành 9/19 tiêu chí của Chương trình xây dựng NTM gồm: thủy lợi, điện, giáo dục, chợ nông thôn, bưu điện, hình thức tổ chức sản xuất, y tế, hệ thống chính trị, an ninh trật tự xã hội. Năm 2016, xã phấn đấu đạt thêm 2 tiêu chí: quy hoạch và môi trường.

 

Nhà cộng đồng thôn Hòn Dù không đủ đất để xây dựng nhà văn hóa thôn
Nhà cộng đồng thôn Hòn Dù không đủ đất để xây dựng nhà văn hóa thôn


Để đạt được các tiêu chí trên, thời gian qua, xã Khánh Nam đã có nhiều cố gắng thực hiện chương trình xây dựng NTM. Địa phương đã kiện toàn bộ máy ban chỉ đạo, ban quản lý, ban phát triển thôn xây dựng NTM; đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền qua các kênh hội, đoàn thể, Mặt trận các cấp; tích cực thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”; tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đào tạo nghề cho lao động nông thôn…; xây dựng các mô hình sản xuất; xây dựng cơ sở hạ tầng thực hiện các tiêu chí NTM…


Tuy nhiên, do nguồn vốn được phân bổ trong xây dựng NTM còn ít, nên công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã có nhiều hạn chế. Tổng vốn đầu tư từ nguồn vốn cấp trên hỗ trợ mỗi năm khoảng 1 tỷ đồng, năm sau tăng hơn năm trước khoảng 10%. Thời gian qua, việc đầu tư hạ tầng của địa phương tập trung vào các công trình giao thông, nước sạch, vệ sinh môi trường… Đến nay, toàn xã có khoảng 20km đường giao thông được cứng hóa, chủ yếu là đường liên xã, liên thôn; xây dựng được nhiều công trình nước sạch, vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ phát triển sản xuất được địa phương đặc biệt quan tâm. 3 năm qua, bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, 45 hộ dân được hỗ trợ (10 triệu đồng/hộ) để nuôi bò, qua đó vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, chương trình xây dựng NTM đã tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, huy động sức dân chung tay cùng chính quyền. Hàng chục km các tuyến đường đi vào các thôn, xóm được người dân tự nguyện hiến đất, thu hẹp hàng rào, chặt cây cối mở đường là minh chứng.


Thiếu quỹ đất


Chương trình xây dựng NTM tại xã Khánh Nam đạt được những bước tiến quan trọng, song đang đứng trước nhiều thách thức. Trong đó, khó khăn lớn nhất hiện nay là địa phương không còn quỹ đất để xây dựng các công trình công cộng. Ông Nguyễn Mỹ Long - cán bộ địa chính xã khẳng định, quỹ đất 5% của xã không còn. Vì thế, việc quy hoạch cũng như xây dựng các công trình công cộng của xã gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tại, trên địa bàn có 3 thôn, 3 nhà cộng đồng, nếu lấy nhà cộng đồng làm nhà văn hóa cũng không ổn. Bởi, theo tiêu chí NTM, diện tích một nhà văn hóa - khu thể thao thôn ở miền núi là 300m2 và 1.500m2, trong khi nhà cộng đồng diện tích hiện hữu không quá 250m2. Sân vận động của xã hiện nay diện tích cũng không đủ, cần phải mở rộng thêm mới bảo đảm tiêu chí. UBND xã dự kiến quy hoạch khu trung tâm xã rộng 10ha, kinh phí bồi thường khoảng 15 tỷ đồng, nhưng không có vốn nên không thể triển khai.

 
Ông Trần Minh - Chủ tịch UBND xã Khánh Nam cho biết thêm, thời gian qua, từ nguồn kinh phí cấp trên hỗ trợ, xã tập trung đầu tư các công trình giao thông. Do nguồn vốn phân bổ hạn hẹp nên các công trình khác chưa được tính tới. “Tuy nhiên, nếu có vốn, xã cũng rất lúng túng không biết xây dựng nơi nào bởi quỹ đất cạn kiệt. Hiện tại, xã không còn quỹ đất 5%, nếu xây dựng công trình đòi hỏi phải bồi thường cho dân, trong khi kinh phí của xã không có”, ông Minh nói.  


Lãnh đạo xã Khánh Nam đề nghị huyện, tỉnh hỗ trợ địa phương trong công tác quy hoạch NTM, gắn với hỗ trợ kinh phí đền bù, giải tỏa để xã giải quyết tình trạng trên. Đồng thời, khi quy hoạch cũng cần tìm kiếm quỹ đất tái định cư, định canh để những hộ dân bị giải tỏa ổn định đời sống và an tâm sản xuất.


P.L