10:05, 21/05/2015

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân đã được triển khai. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trăn trở xung quanh vấn đề này.

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất (SX), nâng cao thu nhập cho người dân đã được triển khai. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trăn trở xung quanh vấn đề này.


Những kết quả bước đầu


Ông Tào Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết, trong 4 năm triển khai xây dựng NTM, từ nguồn vốn gần 8,35 tỷ đồng (vốn hỗ trợ của ngân sách Trung ương và vốn đối ứng của người dân), giai đoạn 2012 - 2014, các địa phương trong tỉnh đã hỗ trợ các mô hình phát triển giống cây trồng, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm; hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ SX cho nông dân; hỗ trợ các ngành nghề nông thôn... Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, giai đoạn 2013 - 2014, ngân sách tỉnh cũng hỗ trợ hơn 26,74 tỷ đồng cho 16.152 hộ dân, 7 hợp tác xã, 6 tổ hợp tác và 1 trang trại thực hiện phát triển SX.

 

Việc hỗ trợ phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới đã giúp nhiều hộ dân ở Khánh Sơn nâng cao thu nhập.
Việc hỗ trợ phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới đã giúp nhiều hộ dân ở Khánh Sơn nâng cao thu nhập


Ngoài ra, công tác đào tạo, hỗ trợ phát triển nghề cho lao động cũng đạt được một số kết quả nhất định; góp phần chuyển đổi ngành nghề, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân. Cụ thể, giai đoạn 2011 - 2012, các cơ sở dạy nghề cấp tỉnh, cấp huyện đã tổ chức 329 lớp đào tạo nghề cho 10.572 lao động nông thôn; năm 2013 đã tổ chức 12 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp cho 385 học viên và 50 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 1.601 học viên. Năm 2014, các cơ sở dạy nghề đã tổ chức 34 lớp đào tạo nghề cho 1.092 học viên, với các nghề như: trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, kỹ thuật thú y, đào tạo thuyền trưởng - máy trưởng...


Cùng với đó, việc dồn điền, đổi thửa trong SX nông nghiệp tại các địa phương: Diên Điền (Diên Khánh), Cam Hiệp Nam (Cam Lâm), Vạn Lương (Vạn Ninh) và Ninh Quang (Ninh Hòa) đã khắc phục được tình trạng ruộng đất manh mún, SX nhỏ lẻ. Việc thiết kế lại ruộng đồng, nâng cấp hệ thống thủy lợi đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân áp dụng cơ giới hóa vào SX, có điều kiện tổ chức SX nông nghiệp hàng hóa. Cũng nhờ chính sách này xuất phát từ lợi ích của nông dân nên đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.


Từ kết quả của việc hỗ trợ phát triển SX, nâng cao thu nhập cho người dân nên đến cuối năm 2014, số xã đạt các tiêu chí về kinh tế, hình thức tổ chức SX đã tăng cao so với năm 2011. Cụ thể, trong tổng số 94 xã xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh, đã có 29 xã đạt tiêu chí thu nhập (năm 2011 có 9 xã), 55 xã đạt tiêu chí về hộ nghèo (năm 2011 có 12 xã), 62 xã đạt tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên (năm 2011 có 10 xã), 60 xã đạt tiêu chí hình thức tổ chức SX (năm 2011 có 53 xã).


Còn những trăn trở


Tuy việc hỗ trợ phát triển SX, nâng cao thu nhập cho người dân trong xây dựng NTM đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ nhưng trong quá trình triển khai vẫn còn không ít nỗi lo, nhất là nguồn vốn để triển khai. Tuy tổng vốn đầu tư cho Chương trình xây dựng NTM tăng qua các năm nhưng vẫn còn ít, phân tán nên chưa thể đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển khu vực nông thôn, chưa thể tập trung cho các tiêu chí trọng điểm. Nguồn vốn đầu tư cho phát triển SX, chuyển dịch cơ cấu SX và các chính sách hỗ trợ vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế, do vậy chưa thể hình thành được các khu SX hàng hóa tập trung. Nguồn vốn vay để phát triển SX nông nghiệp còn gặp khó khăn, trong khi khả năng đóng góp của người dân còn hạn chế, nhất là ở những địa phương miền núi có xuất phát điểm thấp.  


Theo ông Nguyễn Quang Nam - thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, nguồn vốn cho các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh đều hạn chế. Do vậy cần phải nghiên cứu để đầu tư vốn sao cho sát với nhu cầu thực tế và mang lại hiệu quả cao. “Cần phải xác định phát triển SX, nâng cao thu nhập cho người dân là những vấn đề then chốt trong xây dựng NTM. Nếu đời sống của người dân chưa có sự thay đổi thì chưa ổn”, ông Nam nói. Trong khi đó, bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh thì lo lắng về công tác dạy nghề, bởi việc dạy nghề cho lao động nông thôn hiện nay chưa sát với nhu cầu thực tế. Do đó, cần có biện pháp để nâng cao hiệu quả của công tác này, phải dạy những nghề phù hợp, có thể tạo được việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.


Theo ông Tào Anh Tuấn, để phát triển SX, nâng cao thu nhập cho người dân cần đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả của công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu; có kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn với những ngành nghề phù hợp với điều kiện thực tế; có kế hoạch phát triển SX trên cơ sở xác định cơ cấu kinh tế của từng địa phương, ưu tiên đầu tư cho các dự án phát triển SX. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thu hút và hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp đầu tư SX, chế biến nông, lâm, thủy sản cũng như các ngành nghề giải quyết nhiều lao động. Đây là giải pháp đột phá để liên kết, hỗ trợ cho SX nông nghiệp hàng hóa...


HẢI LĂNG