11:01, 11/01/2019

Thêm mùa mai kém sắc

Làng mai Võ Dõng, thôn Võ Dõng, xã Vĩnh Trung, TP. Nha Trang đang trên đà mai một, diện tích ngày càng thu hẹp bởi quá trình đô thị hóa. Năm nay, mưa lũ và thời tiết lạnh bất thường kéo dài khiến mai Tết Võ Dõng và các địa phương trong tỉnh mất mùa và khan hiếm.

Làng mai Võ Dõng, thôn Võ Dõng, xã Vĩnh Trung, TP. Nha Trang đang trên đà mai một, diện tích ngày càng thu hẹp bởi quá trình đô thị hóa. Năm nay, mưa lũ và thời tiết lạnh bất thường kéo dài khiến mai Tết Võ Dõng và các địa phương trong tỉnh mất mùa và khan hiếm.


Mai một làng mai Võ Dõng


Vào thời điểm đầu tháng Chạp những năm trước, ở làng mai Võ Dõng rất nhộn nhịp cảnh các nhà vườn tất bật lặt lá, chăm sóc mai nước rút để bán trong dịp Tết; cảnh nhà buôn đến chọn lựa, đặt hàng mua mai… tạo nên bầu không khí chộn rộn, vui tươi của một mùa xuân mới. Thế nhưng, những ngày này không khí tại làng mai Võ Dõng đìu hiu đến lạ thường!

 

Vườn mai nhà ông Khánh đang chết dần do ngập úng dài ngày.

Vườn mai nhà ông Khánh đang chết dần do ngập úng dài ngày.


Đứng giữa vườn mai hơn 500 gốc đã trên 10 năm tuổi, bị ngập úng gần 3 tháng nay, ông Lê Văn Khánh chia sẻ: “Trước đây, vườn mai nhà tôi thuộc dạng cao nhất ở làng Võ Dõng, thế nhưng gần 4 năm nay, tốc độ đô thị hóa nhanh, một số dự án đổ đất nâng nền làm cho nước mưa, nước thải sinh hoạt tiêu thoát chậm khiến vườn mai nhà tôi lúc nào cũng ngập úng. Tôi đã 2 lần đổ đất nâng vườn để bảo vệ vườn mai nhưng không ăn thua. Chán nản nên tôi đành bỏ mặc việc chăm sóc vườn mai đã gần 3 năm nay”. Nhìn vườn mai của gia đình ông Khánh bị héo úa do thối rễ, chết dần, chúng tôi cảm nhận rõ nỗi thất vọng của gia chủ đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề trồng mai nơi đây!


Theo ông Tôn Hiền Phi Vũ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Trung, 4 năm trước, thôn Võ Dõng có trên 150 hộ trồng mai. Nhưng hiện nay, phần lớn đã bỏ hẳn nghề trồng mai. Một số hộ còn bám trụ với cây mai thì số lượng mai cũng không đáng kể, hộ nhiều nhất chỉ khoảng 2.000 cây.


Bên ly trà, ông Trần Anh Hải - người trồng mai với số lượng lớn nhất Võ Dõng hiện nay cho biết, xưa nay gia đình ông sống bằng nghề trồng mai. Nếu như những năm trước, mỗi năm gia đình ông có hơn 5.000 gốc mai lớn đưa ra thị trường dịp Tết thì hiện nay cả lớn, lẫn bé chỉ còn gần 2.000 gốc. “Đất vườn của gia đình tôi đã bị thu hồi hết để xây dựng các dự án nên mấy năm nay, tôi phải thuê đất để trồng mai. Nhưng mảnh đất tôi thuê cũng nằm trong quy hoạch, nay mai sẽ bị thu hồi nên tôi không dám đầu tư trồng cây mai con để gối đầu hàng năm mà chỉ chăm sóc số mai còn lại, chừng nào bán hết thì tôi cũng bỏ hẳn nghề này”, ông Hải chia sẻ. Tương tự, ông Phạm Văn Tạo từng được biết đến là người trồng mai bonsai với số lượng lớn và hiệu quả bậc nhất ở làng mai Võ Dõng, nhưng hiện nay ông cũng chỉ duy trì được vườn mai chưa đến 200 chậu, do diện tích đất bị thu hẹp và khu vực vườn nhà thường xuyên bị ngập úng.


Ông Tôn Hiền Phi Vũ cho biết thêm: “Trước thực trạng quỹ đất ngày càng bị thu hẹp, những năm gần đây thời tiết thất thường, bất lợi cho cây mai nên làng mai Võ Dõng dần mai một. Nhằm khôi phục và duy trì làng mai truyền thống của địa phương, mấy năm trước chúng tôi đã vận động các hộ trồng mai thành lập tổ liên kết, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật và tìm nguồn vốn cho các hộ này vay đầu tư sản xuất cây mai, song họ đều không còn mặn mà với nghề này nữa”.


Ngoài làng mai Võ Dõng, trên địa bàn xã Vĩnh Trung trước đây cũng có rất nhiều hộ trồng mai ở các thôn khác trong xã. Song mấy năm gần đây, do thời tiết ngày càng bất lợi nên phần lớn họ đã bỏ hẳn nghề trồng mai cảnh.


 Ảnh hưởng do mưa lũ


Theo các nhà vườn trồng mai, năm nay mưa lụt và thời tiết thất thường đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây mai. Đặc biệt, trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão 8 và số 9 năm 2018, phần lớn các vườn mai ở Võ Dõng, Diên An (Diên Khánh), Cam Lâm… bị ngập úng trong thời gian dài. Theo ông Phạm Văn Tạo, vườn mai bonsai của gia đình ông đều bị tổn thương bị rễ trầm trọng, gây vàng lá, rụng lá dẫn đến tình trạng suy cây và nở hoa sớm. “Hiện tôi chỉ còn gần 200 chậu mai, nhưng bông đã nở hơn 80% rồi. Vì vậy năm nay, toàn bộ chi phí, công chăm sóc mai coi như bỏ không, đó là chưa kể một số gốc đang có dấu hiệu bị chết dần!”, ông Tạo buồn rầu nói.

 

Ông Hải lặt lá mai.

Ông Hải lặt lá mai.


Ông Nguyễn Ngọc Ánh (thôn An Ninh, xã Diên An) cũng cho biết: “4 năm trước, năm nào tôi cũng trồng hơn 1.000 chậu mai bonsai để bán vào dịp Tết, nhưng mấy năm nay thời tiết ngày càng bất lợi, mai liên tiếp mất mùa nên tôi trồng số lượng giảm dần. Năm tay, tôi chỉ trồng hơn 100 chậu, nhưng do gặp thời tiết mưa lạnh kéo dài khiến cây mai kém phát triển, đóng nụ rất ít, nụ cũng rất nhỏ. Với tình hình này, nếu từ nay đến Tết thời tiết nắng ấm, tôi nghĩ cũng chỉ được khoảng 10 chậu có thể bán được”.


Những ngày này, thay vì lặt lá mai để cây tập trung dinh dưỡng nuôi nụ như quy trình chăm sóc mai thông thường, ông Võ Đình Tiến (thôn Võ Cang, xã Vĩnh Trung) lại chú trọng việc tưới, phun thuốc dưỡng rễ, dưỡng lá cho hơn 100 chậu mai ghép cỡ lớn trong vườn nhà. Hỏi ra mới biết, vườn mai của ông bị ngập dài ngày trong các đợt mưa lũ liên tiếp vừa qua, khiến bộ rễ bị tổn thương nặng, nếu không kịp thời áp dụng các biện pháp để “cứu”, những gốc mai này chắc chắn sẽ chết khi trời trở nắng. “Toàn bộ số mai của tôi đều là mai ghép cỡ lớn, giá trị rất cao, gốc nhỏ nhất cũng hàng chục triệu đồng, những cây lớn thì hàng trăm triệu đồng và đều đã được các nhà vườn ở TP. Hồ Chí Minh đặt mua. Cũng vì đều là cây lớn nên những đợt mưa lũ vừa qua, tôi không thể kê chậu lên cao mà đành bất lực nhìn những gốc mai mình rất tâm huyết bị ngập trong nước lũ”.


Mai ngoại tỉnh lấn át


Ngoài làng mai Võ Dõng, ở Khánh Hòa không có những khu vực trồng mai cảnh tập trung, quy mô lớn như ở Bình Định, Phú Yên hay các tỉnh phía nam, song từ trước đến nay vẫn luôn có không ít nhà vườn ở rải rác khắp các địa phương trong tỉnh chuyên trồng mai, hàng năm cung ứng một phần đáng kể cho thị trường mai Tết trong tỉnh. Do được sản xuất tại chỗ, chi phí vận chuyển thấp, đặc biệt cây ở trong vùng khí hậu bản địa, nên mai cảnh được trồng tại Khánh Hòa luôn được thị trường nội tỉnh ưa chuộng, giá cả cũng thấp hơn và dễ chăm sóc hơn so với mai xuất xứ từ các tỉnh, thành khác.


Nắm bắt được tình hình mai nội tỉnh năm nay mất mùa, hiện nay nhiều vựa cây hoa cảnh trên địa bàn TP. Nha Trang, Diên Khánh, Cam Ranh đã sớm mua mai ở Bình Định, Phú Yên và các tỉnh phía nam về bán từ khi cây mai còn chưa lặt lá. Đặc biệt, tại khu vực trước chợ Vĩnh Hải đã xuất hiện tụ điểm bán mai Tết từ 10 ngày nay với số lượng rất lớn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, mai được bán tại đây đều có xuất xứ từ Bình Định, với dáng long truyền thống của xứ mai nổi tiếng, được bán với giá từ 2 - 3 triệu đồng/cây từ 5 - 7 năm tuổi. Theo các vựa cây hoa cảnh và những người bán mai, mai Tết năm nay ở các địa phương họ nhập về đều rất chất lượng, cây sung sức, nụ dày và to, nhưng nhìn chung giá cả cao hơn năm ngoái khoảng trên dưới 30%.


Trước tình hình trên, các nhà vườn trồng mai nội tỉnh cũng như các nhà buôn mai nhận định, mai Tết năm nay trên thị trường Khánh Hòa vẫn sẽ rất phong phú và chất lượng tốt, bởi lượng mai cung ứng chủ yếu có xuất xứ từ Bình Định, Phú Yên và các tỉnh phía nam. Riêng với những nhà vườn trồng mai trong tỉnh, năm nay họ lại tiếp tục phải đón nhận một mùa mai Tết thất thu!


 THẾ ANH - VĂN GIANG