10:12, 25/12/2018

Trở lại nơi lũ cuốn

Sau hơn một tháng xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng khiến 10 người chết và hơn 100 ngôi nhà bị sập ở những xóm dân cư tự phát sát chân núi thuộc xã Phước Đồng (TP. Nha Trang), khung cảnh nơi đây vẫn hoang tàn, đổ nát. Người dân vẫn chưa hết bàng hoàng, còn chính quyền vẫn chưa thống nhất được giải pháp để đưa hàng trăm người dân ra khỏi nơi nguy hiểm.

Sau hơn một tháng xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng khiến 10 người chết và hơn 100 ngôi nhà bị sập ở những xóm dân cư tự phát sát chân núi thuộc xã Phước Đồng (TP. Nha Trang), khung cảnh nơi đây vẫn hoang tàn, đổ nát. Người dân vẫn chưa hết bàng hoàng, còn chính quyền vẫn chưa thống nhất được giải pháp để đưa hàng trăm người dân ra khỏi nơi nguy hiểm.


Đổ nát dưới chân núi


Đập vào mắt chúng tôi là cảnh đổ nát của hàng trăm ngôi nhà ở xóm Núi (thôn Thành Phát). Nhiều ngôi nhà chỉ còn lại trơ móng, nhiều nơi chỉ còn sót lại nhà vệ sinh trơ trọi, có chỗ trong đống đổ nát nhô lên chiếc tủ lạnh đã móp méo... Lần theo con dốc thẳng đứng, ngoằn ngoèo lên những ngôi nhà trên cùng ở xóm Núi, chúng tôi chứng kiến những gương mặt thẫn thờ, chán nản.

 

Cảnh hoang tàn ở xóm Núi.

Cảnh hoang tàn ở xóm Núi.


Ôm đứa cháu ngoại trên tay, bà Nguyễn Thị Thoa đứng bần thần giữa đống đất đá, xà bần, bàn ghế gãy trong nhà. Bà cho biết, nhà bà may mắn vì dựng phía sau tảng đá lớn nên nhà hầu như còn nguyên. Tuy nhiên móng nhà đã bị hỏng, nền nhà cùng toàn bộ đồ đạc bị cuốn trôi. Hơn một tháng qua, ban đêm bà phải ngủ nhờ nhà người dân dưới Hòn Rớ, ban ngày bà lên lại ngôi nhà cũ để dọn dẹp với mong muốn đến Tết có nhà ở.


Còn bà Tạ Thị Dương ngày nào cũng trở về nơi ở cũ để tìm nhặt những vật dụng trong gia đình còn sót lại. Lật những cục đá đè lên mấy cái áo lấm lem bùn đất, mắt bà rưng rưng: “Vì không có chỗ ở, gia đình tôi và 4 hộ khác đã góp tiền thuê một căn nhà ở khu vực Đồng Muối (phường Phước Long) ở tạm với giá 2,5 triệu đồng/tháng”. Theo bà Dương, từ hôm nhà bị sập đến nay, các đơn vị, nhà hảo tâm đã hỗ trợ gia đình bà khoảng 20 triệu đồng cùng một số vật dụng, nhu yếu phẩm. Nếu một thời gian nữa mà chính quyền địa phương không có chính sách hỗ trợ, tái định cư thì người dân sẽ dựng nhà tôn tại nơi ở cũ vì Tết đang đến gần.

 

Chủ nhân của những căn nhà bị sập hoàn toàn dựng một bảng gỗ ghi tên và số điện thoại với hi vọng sẽ có đoàn từ thiện đến trao tiền.

Chủ nhân của những căn nhà bị sập hoàn toàn dựng một bảng gỗ ghi tên và số điện thoại với hi vọng sẽ có đoàn từ thiện đến trao tiền.


Theo ông Đặng Lợi - Chủ tịch UBND xã Phước Đồng,  sau cơn bão số 8 và số 9 hồi tháng 11, xã đã lập đoàn đến từng hộ gia đình ở xóm Mũi (thôn Thành Đạt) và xóm Núi để thống kê tình hình thiệt hại. Qua kiểm kê, ở xóm Mũi có 70 căn nhà bị ảnh hưởng, trong đó 43 căn sập hoàn toàn và 27 căn sập một phần, trong đó có căn không có người ở mà chỉ dựng tôn để đó chờ đền bù. Tại xóm Núi có 82 căn nhà bị ảnh hưởng, trong đó có 42 căn nhà sập hoàn toàn, 39 căn sập một phần.


Người dân quay về nơi cũ


Hơn một tháng nay, vợ chồng bà Nguyễn Thị Ngọc Hà (xóm Núi) đã chuyển nơi ở 4 lần. Cơn lũ kinh hoàng sáng 18-11 đã khiến ngôi nhà của gia đình bà bị nghiêng, lở móng, nứt trụ, có nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Biết nguy hiểm, bà Hà cùng chồng không dám ở nhà mà xin ngủ nhờ nhà hàng xóm mỗi khi đêm đến. Nhưng ngủ nhờ mãi cũng ngại, vợ chồng bà cứ chuyển từ nhà này đến nhà kia. Bà Hà tâm sự: “Chồng bị lũ cuốn trôi nhưng may mắn được cứu và chỉ bị thương, đến nay chưa khỏi nên không đi làm được. Đứa lớn đang học cấp 2 thì gửi luôn ở nhà ngoại ở phường Vĩnh Phước. Còn vợ chồng cùng đứa con nhỏ đang học lớp 1 cứ chuyển hết chỗ này đến chỗ khác. Nhà nghèo, không có tiền thuê nhà nên tôi dự định ít hôm nữa sẽ thuê người gia cố lại móng rồi ở liều trong nhà chứ vất vưởng mãi cũng không ổn”.

 

Ông Hoàng Văn Tuyên dựng tạm lại gian bếp để ở.

Ông Hoàng Văn Tuyên dựng tạm lại gian bếp để ở.


Chúng tôi đến xóm Mũi và chứng kiến khung cảnh ở đây cũng hoang tàn không kém. Những hộ bị sập nhà hoàn toàn đều đã đi thuê nhà trọ hoặc tới ở nhờ nhà người thân. Những hộ nhà bị hư hỏng từ 70% trở xuống đều đã quay trở về dựng tạm nhà để ở. Ngồi trên đống đổ nát, ông Hoàng Văn Tuyên cho biết, nhà ông nằm dưới họng nước chảy từ trên núi xuống nên bị sập mất nhà chính, hiện chỉ còn lại gian nhà bếp. Vì quá nghèo, lại không người thân quen nên ông nhặt nhạnh mái tôn cũ che lại gian bếp làm nơi ở cho gia đình 4 người.


Ông Đặng Lợi thừa nhận, tuy UBND xã đã tích cực tuyên truyền yêu cầu người dân không quay lại nơi ở cũ vì quá nguy hiểm, nhưng thực tế người dân đã bắt đầu quay lại, dựng tôn, gia cố nhà cửa để ở. Theo ông Lợi, tuần trước, UBND xã đã cưỡng chế một trường hợp xây dựng mới nhà bằng tôn ở xóm Núi. Ngay sau đó, xã có văn bản gửi Điện lực Vĩnh Nguyên yêu cầu không cấp điện cho các hộ xây nhà ở xóm Núi và xóm Mũi. Tuy nhiên, điện lực trả lời rằng nếu hợp đồng không vi phạm thì vẫn phải cấp điện theo đúng quy định. Qua tìm hiểu, UBND xã đã nắm được một đối tượng tên C.T chuyên gom đất, chia lô, làm nhà tôn rồi bán cho dân, sau đó đứng ra làm hợp đồng xin cấp điện rồi bán lại cho người dân với giá cao.


Phương án nào cho người dân?


Theo lãnh đạo UBND TP. Nha Trang, thời gian qua, thành phố đã liên tục họp bàn để đưa ra hướng giải quyết phù hợp cho người dân ở những nơi bị sạt lở núi. Tuy nhiên, đến nay thành phố vẫn chưa trình được phương án cụ thể để UBND tỉnh xem xét, quyết định.

 

 Bà Thoa bên trong căn nhà của mình.

Bà Thoa bên trong căn nhà của mình.


Mới đây, Phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang đã lập đoàn công tác đến từng hộ ở khu vực xóm Núi và xóm Mũi để khảo sát, kê khai về nhân thân, nhân khẩu, tình trạng đất, nhà... Ông Đặng Lợi cho rằng, rất khó để thực hiện phương án tái định cư cho người dân bởi quỹ đất thành phố hạn hẹp, trong khi số hộ cần đưa ra khỏi khu vực nguy hiểm ở hai xóm này lên đến hơn 700 hộ. Phương án tìm một quỹ đất công phù hợp ở xã Phước Đồng để xây chung cư rồi bố trí cho các hộ về ở sẽ dễ thực hiện hơn, nhưng bất cập ở chỗ nhiều người dân làm nghề biển, sống tự do ở đồi núi không quen với việc ở trong căn hộ chung cư.


Trong cuộc họp mới đây, khi báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết, thành phố đã họp bàn sơ bộ tìm quỹ đất tái định cư, sau đó bán cho những hộ này với giá ưu đãi. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là số lượng dân quá nhiều, hơn nữa giao đất xong không biết người dân có tiền xây nhà không, rồi có giữ được đất hay lại bán đi. Vì vậy, phương án bố trí chung cư, nhà ở xã hội cho các hộ này cũng được lãnh đạo thành phố lưu ý.


VĂN KỲ - VĂN GIANG

 



Chấn chỉnh tình trạng lộn xộn trong nhận từ thiện


Ông Đặng Lợi - Chủ tịch UBND xã Phước Đồng: Thời gian qua, có rất nhiều đoàn từ thiện liên hệ xã để trao quà, tiền cho các hộ bị thiệt hại nhưng xã không thể xếp lịch hết. Vì vậy họ tự đến, rồi tự liên hệ với các cán bộ mặt trận thôn để trao. Xã đã chấn chỉnh, xử lý một cán bộ mặt trận thôn vì tự ý đưa tiền từ thiện về cho người thân bị thiệt hại nhẹ. Cũng có tình trạng một số đối tượng đã cướp giật phong bì từ thiện. Ngay sau đó, xã đã bố trí lực lượng công an ngăn chặn, đảm bảo an ninh trật tự. Đối với những bàn thờ người chết trong đợt lũ được đặt ở Nhà Văn hóa thôn Thành Đạt, qua vận động đến nay đã có 3 trường hợp gửi vào chùa Lâm Tì Ny, còn lại đem về nhà.