11:12, 28/12/2018

Chúng tôi yêu Việt Nam…

Họ là 2 trong nhiều người nước ngoài đã gắn bó với Khánh Hòa - Việt Nam hơn chục năm nay. Tất cả chỉ bởi tình yêu vô điều kiện với mảnh đất này.

Họ là 2 trong nhiều người nước ngoài đã gắn bó với Khánh Hòa - Việt Nam hơn chục năm nay. Tất cả chỉ bởi tình yêu vô điều kiện với mảnh đất này.


Ông Shiomi Masato: “Hết học viên, lớp mới đóng cửa”


Một buổi tối cuối năm, tại căn nhà nhỏ ở thôn Đồng Nhơn, xã Vĩnh Trung, TP. Nha Trang, lớp sơ cấp tiếng Nhật miễn phí diễn ra trong không khí ấm áp. Món yaourt mà vợ thầy chuẩn bị cho thầy trò cũng thành đề tài về gia đình của cả lớp. 10 năm qua, lớp học đều đặn sáng đèn với 2 suất dạy, từ 18 giờ đến 21 giờ, bất kể có vài chục hay chỉ 1 - 2 học viên tới lớp. Yêu Việt Nam từ chuyến du lịch năm 2000, ông Shiomi Masato (55 tuổi, người Nhật) đã từ bỏ một việc làm tốt ở tỉnh Osaka (Nhật Bản), học lấy chứng chỉ dạy tiếng Nhật và quay lại Việt Nam năm 2001 làm gia sư tiếng Nhật. Qua 6 năm, nhận thấy nhiều bạn trẻ không dư dả, lại thấy Khánh Hòa có nhiều điểm tương đồng với quê hương mình, ông quyết định ở Khánh Hòa, dạy tiếng Nhật miễn phí vào buổi tối, ban ngày làm việc khác kiếm sống. Thông qua Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tỉnh, ông đã dạy hàng chục khóa tiếng Nhật sơ, trung cấp với hàng trăm học viên, đồng thời giúp học viên gặp gỡ người Nhật để nâng cao kỹ năng giao tiếp.

 

Ông Masato trong giờ dạy tiếng Nhật.

Ông Masato trong giờ dạy tiếng Nhật.


Chị Lê Nguyễn Hồng Thụy (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), học viên theo học thầy Masato lâu nhất nói: “Thầy Masato rất nhiệt tình, tận tâm, kiên nhẫn. Tôi có thể giao tiếp khá tốt với chuyên gia Nhật ở bệnh viện cũng nhờ thầy”. Một học viên khác có cảm nhận rõ về sự tận tâm của ông Masato, chính là vợ ông. Cô hướng dẫn viên du lịch trẻ có cảm tình với người thầy giản dị, nhiệt tình từ những giờ học đầu tiên. 5 năm sau, họ kết hôn và sống an yên trong một ngôi nhà nhỏ nằm giữa một vườn dừa xanh mát, vườn rau nhỏ và đàn gà nuôi lấy trứng… Học theo chồng, cô cũng dạy tiếng Việt miễn phí cho những người Nhật ở Khánh Hòa; còn với người nước ngoài khác, cô chỉ nhận tiền xăng xe gọi là. Ông Trần Chiến - Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tỉnh ghi nhận, ngoài việc dạy tiếng Nhật miễn phí, ông Masato còn hỗ trợ các trang phục kimono, đồ chơi dân gian Nhật Bản để giới thiệu trong một số chương trình giao lưu văn hóa do hội tổ chức.


Khi được hỏi liệu ông có còn dạy tiếng Nhật miễn phí, khi số học viên giảm dần theo độ khó cấp học, ông Masato nói giản dị: “Khi không còn học viên nào nữa, lớp mới đóng cửa”.


Bà Lamorlette Pierrette: “Tôi là Đỗ Thị Bê, người Việt Nam”


Ngày 18-10-2018 với bà Collin Usage Lamorlette Pierrette (71 tuổi, kiều bào Pháp, ở thôn Thái Thông, xã Vĩnh Thái, Nha Trang) là một ngày đặc biệt, bởi bà chính thức được nhập quốc tịch Việt Nam.

 

Bà Bê (thứ ba, từ phải qua) trong lần cùng chuyên gia nước ngoài  hướng dẫn các bác sĩ cách tổ chức Noel để trị liệu  cho bệnh nhân tâm thần. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Bà Bê (thứ ba, từ phải qua) trong lần cùng chuyên gia nước ngoài hướng dẫn các bác sĩ cách tổ chức Noel để trị liệu cho bệnh nhân tâm thần. (Ảnh do nhân vật cung cấp)


“Vừa từ Pháp về, được người bạn thông báo, tôi không tin. Lúc cầm quyết định trong tay, tôi còn nghĩ: liệu có đúng không? Chồng tôi phải khẳng định, giờ tôi đã là người Việt rồi. Ông còn nói, có lẽ ông cũng xin nhập quốc tịch Việt để được gắn bó với tôi, với Việt Nam trọn đời! Vui lắm, không nói hết được! Bây giờ, tôi là Đỗ Thị Bê, người Việt Nam”, bà tự hào nói, và tỏ ý muốn được gọi bằng tên Việt.

 
Bà Bê có cha là Việt kiều Pháp, mẹ là người Việt. Năm 8 tuổi, bà sang Pháp, rồi làm kế toán. Sau hơn 30 năm xa quê, năm 1986, bà về Việt Nam thăm mẹ đẻ. Những kỷ niệm tuổi thơ ùa về, khiến bà quyến luyến không muốn rời Việt Nam. Có chồng đồng cảm, năm 2003, vợ chồng bà quyết định về Nha Trang sống cùng mẹ đẻ. “Hồi đó, mẹ khuyên tôi xin nhập quốc tịch Việt, nhưng tôi mải công việc, chưa làm. Năm 2009, mẹ mất, tôi mới nhận ra đã không kịp làm điều mẹ mong muốn lúc còn sống. Sau đó, nghe bạn tôi, bác sĩ Torres Dolores, trong lần đầu sang giúp Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần tỉnh, thốt lên: “Bạn có một đất nước tuyệt đẹp! Nếu là tôi, tôi sẽ ở lại đây mãi mãi!”, rồi năm nào bạn cũng trở lại hỗ trợ, tôi đã nghĩ, bạn còn yêu Việt Nam như vậy, nếu tôi không yêu thì thật không biết nhìn nhận giá trị quê hương”, bà Bê trải lòng.

Hướng về quê hương


Nhiều năm đã qua nhưng bà Bê vẫn không quên cảm giác bối rối, thương cảm khi chứng kiến một học sinh vừa nhận học bổng thì bật khóc vì mừng. Điều đó thôi thúc bà phải tiếp tục “làm việc gì đó có ý nghĩa để giảm bớt khó khăn của quê hương”.


Hơn chục năm qua, năm nào, vợ chồng bà cũng dành 1 - 2 tháng về Pháp vận động giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam. Từ năm 2016, Hiệp hội Giúp đỡ người nghèo (FCSPE), một tổ chức phi chính phủ của Pháp mà bà Bê là đại diện tại Việt Nam từ năm 2006 đến 2012, đã hỗ trợ học bổng, sách vở cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân chất độc da cam, trẻ khuyết tật…; hỗ trợ thiết bị, tu sửa lớp học cho các trường xuống cấp ở Khánh Hòa, Lào Cai, Hà Tĩnh, Quảng Trị. Từ năm 2006 đến 2013, FCSPE và bà Bê đã ủng hộ Việt Nam gần 4 tỷ đồng. Từ năm 2014, do tuổi cao, bà không tiếp tục xin gia hạn hoạt động của FCSPE, nhưng vẫn dành lương hưu để hoạt động thiện nguyện. Bà còn dạy miễn phí tiếng Pháp cho cán bộ, bác sĩ; đồng thời giới thiệu các tổ chức, chuyên gia ở Pháp đến Bệnh viện Chuyên khoa tâm thần tỉnh đào tạo, trao đổi chuyên môn, gây dựng quan hệ giữa bệnh viện với Trung tâm Bệnh viện Edouard Toulouse tại Marseille (Pháp). Bà cũng tìm hướng tiêu thụ sản phẩm do bệnh nhân làm để phần nào bổ sung kinh phí điều trị phục hồi chức năng tâm lý cho bệnh nhân tâm thần.


Hàng năm, bà còn phối hợp với Bảo tàng tỉnh mang tài liệu sang Pháp trưng bày, giới thiệu hình ảnh, văn hóa đất nước, con người Việt Nam, Khánh Hòa. Đồng thời, tạo cơ hội tổ chức đoàn học sinh xuất sắc sang Pháp giao lưu với thiếu niên các nước; tài trợ tổ chức ngày hội những người nói tiếng Pháp và tổ chức Trung thu cho thiếu nhi quốc tế. Ít người biết rằng, bức tranh sơn dầu khổ lớn về chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, được tạo nên từ 70 bức tranh nhỏ về cảnh đẹp Việt Nam, mà tác giả Bouvier (Pháp) tặng năm 2009, trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, có công của bà Bê, người đã đưa họa sĩ đến tham dự Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa và giới thiệu về Việt Nam.


Lên kế hoạch chuẩn bị quà thăm người nghèo Tết Kỷ Hợi, bà trầm tư: “Năm ngoái, tôi tặng 100 suất quà cho trẻ em Vĩnh Thái, năm nay định tặng 100 suất cho trẻ mồ côi ở chùa Thanh Sơn. Lương hưu có hạn, đành mỗi năm tặng một nơi”. Nhưng bà lại hào hứng trở lại sau khi nhận cuộc gọi của FCSPE hỏi thăm tình hình thiên tai ở Việt Nam và nhờ bà tập hợp thông tin để họ tìm cách hỗ trợ. “Tôi phải khẩn trương đi xin thông tin, biết đâu người nghèo Việt Nam có thêm sự hỗ trợ. Giúp được Việt Nam, tôi làm đại diện FCSPE cả đời cũng được”, bà nói vui rồi lên xe máy, vội vã phóng đi, lẫn vào dòng người đông đúc.


MAI - ĐỖ

 

 

Ông Lý Bá Lin - Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh: Trong những người nước ngoài sống, làm việc ở Khánh Hòa, bà Collin usage Lamorlette đã được nhận nhiều bằng khen của Bộ Ngoại giao, UBND tỉnh và hiện đã nhập quốc tịch Việt. Ông Shiomi Masato cũng nhiều lần được UBND tỉnh, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh khen thưởng. Họ có nhiều đóng góp trong hoạt động từ thiện, giao lưu hữu nghị, gắn bó với mảnh đất, con người Khánh Hòa - Việt Nam bằng tình yêu chân thành, sẵn sàng giúp đỡ dân nghèo. Có thể nói, họ là những người có trái tim thiện nguyện.