11:01, 25/01/2019

Những đôi tay… biết nói

Chỉ với đôi bàn tay, được học ngôn ngữ ký hiệu, người bị khiếm thính, khó khăn nghe, nói có thể giao tiếp với nhau. Những câu, từ phát ra từ đôi tay đã giúp cuộc sống họ bớt khó khăn hơn, mở ra tương lai cho nhiều cuộc đời.

Chỉ với đôi bàn tay, được học ngôn ngữ ký hiệu, người bị khiếm thính, khó khăn nghe, nói có thể giao tiếp với nhau. Những câu, từ phát ra từ đôi tay đã giúp cuộc sống họ bớt khó khăn hơn, mở ra tương lai cho nhiều cuộc đời.


Những lớp học đặc biệt


“Cả lớp đọc theo thầy nào: Gia đình!” - đáp lại lời nói cùng cử chỉ tay của thầy giáo Nguyễn Văn Quang là những tiếng đồng thanh không tròn vành, rõ chữ, khó khăn lắm tôi mới nghe được. Thế nhưng, mỗi em đều chụm hai bàn tay lại như hình mái nhà, đặt ở trước ngực, biểu tượng cho từ “gia đình” được quy ước trong ngôn ngữ ký hiệu. Thấy người lạ vào lớp, các em liền nhao nhao thích thú, đưa ngón trỏ của hai tay ra, chạm vào nhau, ý đang muốn hỏi tên khách. Nhắc nhở các em ổn định, thầy Quang làm ký hiệu lên gương mặt khác nhau với mỗi em. “Trong lớp, ngoài tên khai sinh, mỗi em được đặt tên ký hiệu theo đặc điểm riêng. Như có em gầy thì tôi ký hiệu tên là hai ngón tay tạo thành hình chữ V đặt dưới cằm; có em có nốt ruồi trên mắt trái thì mỗi lần tôi chỉ ngón trỏ vào vị trí đó của tôi, các học sinh đều biết là tôi đang gọi em đó trả lời câu hỏi...”, thầy Quang giải thích.

 

Lớp học đặc biệt của thầy Nguyễn Văn Quang.

Lớp học đặc biệt của thầy Nguyễn Văn Quang.


Tại lớp học 1A của thầy Quang ở Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh, 11 học sinh có hoàn cảnh gia đình, độ tuổi khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là đều gặp khó khăn về nghe, nói. Ở đây, các em được học kiến thức, văn hóa như học sinh bình thường, nhưng chương trình học cũng khá đặc biệt. Từ 6 tuổi, mỗi em được nhận vào học giai đoạn dự bị, được hướng dẫn, làm quen với ngôn ngữ ký hiệu. Khi được đủ điều kiện sẽ bước vào học chương trình lớp 1. Để học hết lớp 5, các em cũng phải mất đến 10 năm thay vì 5 năm như học sinh bình thường. Trong những lớp học đặc biệt này, cây cầu nối giúp thầy, trò giao tiếp với nhau là đôi tay. Vì khó khăn trong nghe nói, ký hiệu từ đôi tay sẽ giúp các em nói ra suy nghĩ, tâm tư của mình.


Lớp học với một cô, bốn trò của cô Trần Lê Trinh tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh cũng vậy. Trong không gian yên tĩnh của lớp học, cô Trinh dạy từ mới cho bốn học sinh khiếm thính của mình bằng cách đưa hình ảnh cho các em xem, vừa phát âm bằng miệng để học sinh có thể nhìn khẩu ngữ, vừa làm động tác tay để các em ghi nhớ. Để tay lên cằm có nghĩa là “Ba”, áp tay lên má là “Mẹ”, làm động tác như vuốt râu dưới cằm là “Ông”... Cứ vậy, ngày qua ngày, cô Trinh kiên trì chỉ dạy cho các em từng từ một. Xen kẽ với học ngôn ngữ từ đôi tay, các em còn được dạy tiếng Việt, Toán...


Dạy học sinh thường khó một, dạy học sinh khiếm thính với ngôn ngữ ký hiệu càng khó gấp bội là những tâm tư chia sẻ của các giáo viên đặc biệt với chúng tôi. “Có em không chỉ bị khó khăn nghe nói, mà còn kèm theo những hành vi khác như không tập trung; có em học khá nhanh, nhưng cũng có em phải rất lâu mới tiếp thu được”,  cô Trần Lê Trinh bộc bạch. Nhưng càng khó bao nhiêu, các thầy, cô giáo càng nỗ lực bấy nhiêu. Vì chính thứ ngôn ngữ ký hiệu này sẽ giúp các em học kiến thức, văn hóa... Từ đó, cánh cửa tương lai của các em rộng mở nhiều hơn.


Hạnh phúc mang lại


Nói đây là “ngôn ngữ diệu kỳ” cũng không quá. Vì nhờ nó, nhiều hoàn cảnh khiếm khuyết đã có thêm niềm hy vọng trong cuộc sống. Thậm chí, thứ ngôn ngữ này đã giúp gắn kết nhiều tâm hồn đồng điệu với nhau.

 

Biết nhau từ lúc còn học chung tại Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật, ra trường bao nhiêu năm, chính thứ ngôn ngữ từ đôi tay đã giúp anh Đào Quang Lộc và chị Phùng Thị Bích Thanh nên duyên vợ chồng. Bật cười khi được hỏi về cách anh hỏi cưới, chị Thanh cho tôi biết, anh không nói được gì nhiều, chỉ nói với chị bằng ngôn ngữ ký hiệu là “mình cưới nhau đi”. Sau cái gật đầu của chị, đám cưới hai người tổ chức tháng 6-2011. Từ đó, anh chuyển từ xã Cam Tân (huyện Cam Lâm) về TP. Nha Trang, sống cùng gia đình bên vợ.


Tìm đến tiệm làm tóc Lộc Thanh (89C Phương Sài, TP. Nha Trang) do anh Lộc làm chủ, người ra vào tấp nập, làm không hết việc, anh còn phải thuê thêm thợ làm phụ. Khách đến làm ai cũng khen anh giỏi nghề. Anh Lộc chia sẻ, nhờ được học ngôn ngữ ký hiệu và kiến thức, văn hóa, hai vợ chồng anh tự tin hơn nhiều trong cuộc sống. Ra trường, chồng học làm tóc, vợ học may, mỗi người một việc, ấy vậy mà thu nhập hai vợ chồng cũng ngót nghét được khoảng 10 triệu đồng/tháng. Kỳ diệu hơn, mối tình giữa hai vợ chồng khiếm thính đã mang lại hai “quả ngọt” là hai bé trai hoàn toàn bình thường, hiện đang học mẫu giáo.


Còn với em Nguyễn Thanh Hoài Đức (sinh năm 2004), đang được nuôi dạy tại Trung tâm Bảo trợ xã hội, hạnh phúc của em là mỗi dịp cuối tuần, được về với gia đình. Đức chỉ lại cho bố mẹ mình những ký hiệu được học để mọi người trong nhà cùng giao tiếp. Trong gia đình có bố mẹ với em trai, ngôn ngữ ký hiệu giúp Đức có thể giao tiếp, trao đổi tâm tư, tình cảm, giúp em bớt đi phần nào nỗi mặc cảm về khiếm khuyết của mình... Vừa xong bữa cơm trưa cuối tuần ở trung tâm, sắp xếp áo quần để chờ gia đình đón về, Đức hồ hởi chia sẻ với tôi bằng ký hiệu, cô Trinh liền phiên dịch lại ngay: “Em nói sẽ về dạy cho ba mẹ các từ về chúc Tết bằng ngôn ngữ ký hiệu vừa học được”.

 

Nhờ ngôn ngữ ký hiệu, các em nhỏ khiếm thính có thể giao tiếp,  hướng dẫn nhau học kiến thức.

Nhờ ngôn ngữ ký hiệu, các em nhỏ khiếm thính có thể giao tiếp, hướng dẫn nhau học kiến thức.

 

Nghề lắm gian nan


Với bất kì một ngôn ngữ nào, đều cần sự kiên trì rèn luyện và học tập chăm chỉ. Ngôn ngữ ký hiệu không chỉ dừng lại ở đó mà còn cần tình yêu và niềm mong mỏi được cống hiến ở bản thân mỗi người. Giáo viên thường được ví là người đưa đò, với những học sinh khiếm thính, phải sử dụng một ngôn ngữ riêng, việc “đưa đò” càng gian nan hơn. Vì vậy, không nhiều người lựa chọn cho mình con đường này.


Trao đổi với chúng tôi, thạc sĩ Vũ Duy Chinh - Tổ trưởng Tổ Giáo dục đặc biệt, Khoa Giáo dục Mầm non Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang cho biết, mỗi khóa tuyển sinh, ngành Giáo dục đặc biệt chỉ có trung bình từ 30 đến 35 sinh viên theo học. Từ ghế giảng đường, các sinh viên được đào tạo nhiều học phần đáp ứng công tác giáo dục đặc biệt. Trong đó, ngôn ngữ ký hiệu là học phần rất quan trọng, được ưu tiên nhiều thời gian. Với trẻ, người khiếm thính một phần, ngôn ngữ này sẽ hỗ trợ cho ngôn ngữ lời nói; với người khiếm thính nặng, đây chính là ngôn ngữ chính để giúp mọi người giao tiếp với nhau.


Theo thạc sĩ Chinh, ngoài đặc thù môi trường, công việc, việc dạy ngôn ngữ ký hiệu gặp không ít khó khăn, bởi nó còn mang tính địa phương, tùy vùng sẽ có quy ước ký hiệu khác nhau; tài liệu về từ vựng ngôn ngữ ký hiệu chưa có; chưa có đề tài nghiên cứu ở Việt Nam để tổng hợp các ngôn ngữ ký hiệu về từng ngành, lĩnh vực...


Thầy Nguyễn Văn Quang chia sẻ, để dạy tốt cho học sinh của mình, định kỳ, các thầy, cô giáo còn phải tổ chức họp để thống nhất về các quy ước ký hiệu, tạo sự đồng bộ giúp học sinh giao tiếp dễ dàng.


Dạy dỗ các học sinh đặc biệt bằng ngôn ngữ ký hiệu muôn vàn khó khăn. Cùng đó, không ít giáo viên cũng phải vượt qua dư luận, ý kiến trái chiều. Cô Trinh tâm sự: “Nhiều người cứ nói tôi là sao không kiếm việc gì làm mà chọn nghề này. Nhiều bạn học của tôi ra trường theo nghề cũng được một thời gian là nghỉ. Nhưng có làm mới hiểu được tính nhân đạo và ý nghĩa của nghề. Nhiều khi đi ngoài đường, vô tình gặp lại một học trò cũ trước đây của mình giờ đã trưởng thành, tôi cảm thấy  rất vui. Dạy ngôn ngữ ký hiệu không chỉ đơn thuần là dạy để các em giao tiếp, mà còn thắp lên niềm hy vọng vào tương lai nữa”.


Ngôn ngữ ký hiệu thực sự là một thứ ngôn ngữ đặc biệt, không âm thanh, tiếng nói, nhưng ẩn trong đó là sự kỳ diệu giúp gắn kết những tâm hồn với nhau, mở ra cho họ nhiều con đường trong cuộc sống.


V.THÀNH