12:11, 21/11/2018

Phập phồng trước bão

Chưa hoàn hồn trước các trận lũ quét gây hậu quả tang thương vào sáng 18-11 vừa rồi, người dân sống ở các dãy núi trên địa bàn TP. Nha Trang lại lo lắng trước thông tin cơn bão số 9 sẽ đổ bộ vào khu vực Nam Trung bộ cuối tuần này...

Chưa hoàn hồn trước các trận lũ quét gây hậu quả tang thương vào sáng 18-11 vừa rồi, người dân sống ở các dãy núi trên địa bàn TP. Nha Trang lại lo lắng trước thông tin cơn bão số 9 sẽ đổ bộ vào khu vực Nam Trung bộ cuối tuần này...

 

Khu dân cư biến thành bình địa


Sau 2 ngày xảy ra trận lũ quét tàn khốc, chúng tôi trở lại xóm Núi, thôn Thành Phát, xã Phước Đồng. Con đường chính dẫn vào xóm Núi vẫn còn ngổn ngang đá tảng và cả những hố sâu do dòng lũ dữ để lại. Hai bên đường là những ngôi nhà xiêu vẹo hoặc bị nước lũ cuốn mất móng để lại những hàm ếch có thể sập xuống bất kỳ lúc nào.

 

Tan hoang Xóm Mũi, thôn Thành Đạt.

Tan hoang Xóm Mũi, thôn Thành Đạt.


Tiến sâu vào vùng tâm sạt lở, chúng tôi bắt gặp nhiều người dân cặm cụi tìm lại tài sản trong những căn nhà sập, đất đá ngổn ngang. “Quần áo, giày dép và cả sách vở cho con cái là những thứ chúng tôi mong muốn tìm thấy trước tiên, nhưng đa phần không sử dụng được”, một người dân cho biết. Còn em Lê Thị Thanh - học sinh lớp 6 Trường THCS Lê Thanh Liêm cố gắng lau khô từng cuốn sách, vở và phơi trên những hòn đá. “Nhà em bị nước lũ tràn vào làm sách vở, đồ dùng học tập vùi sâu dưới lớp bùn. Đây là số sách vở còn sót lại mà ba má em tìm được trong đống bùn đất”, em Thanh nói.


Giữa trưa, lưng chừng núi Hòn Rớ yên tĩnh đến lạ. Cảnh đổ nát của những căn nhà xen lẫn những đống đất đá khổng lồ khiến chúng tôi không khỏi rùng mình. Bà Hồ Thị Hạnh - người dân sống ở đây hơn 10 năm chia sẻ chưa năm nào bà chứng kiến cảnh mưa lũ cuốn như sóng thần lần này. Khi nước lũ tràn về, cả gia đình không thể trốn chạy. Ai nấy đều sợ hãi, lo lắng nhưng may mắn thay, căn nhà cấp 4 của gia đình bà chỉ bị nước lũ tràn vào, khi rút đi đã để lại lớp bùn đất dày đến 30 - 40cm.

 

Hàng chục căn nhà ở xóm Núi, thôn Thành Phát bị mưa lũ san phẳng.

Hàng chục căn nhà ở xóm Núi, thôn Thành Phát bị mưa lũ san phẳng.


Cách đó không xa, tại khu tái định cư thôn Thành Đạt, hàng chục căn nhà của người dân bị mưa lũ làm đổ sập, hư hỏng, vùi lấp trong đống đất, đá ngổn ngang. 4 thành viên gia đình ông Nguyễn Hữu Tỏ hiện phải sống trong căn nhà bạt do bộ đội dựng bên cạnh căn nhà bị mưa lũ xô đổ. Ông nghẹn ngào nói: “Trước đây, gia đình tôi ở cồn Nhất Trí (phường Vĩnh Phước), nhưng đến năm 2016 bị hỏa hoạn thiêu rụi. Sau đó gia đình tôi được chính quyền cấp đất tái định cư ở đây. Đầu năm 2017, gia đình tôi vay mượn hơn 600 triệu đồng xây căn nhà cấp 4, mới về ở từ tháng 9. Chưa hết vui mừng thì giờ đây mưa lũ ập xuống làm nhà sập một phần và vùi lấp trong đống bùn đất. Bao nhiêu tài sản, vật dụng cũng bị chôn vùi theo. May mắn là gia đình tôi kịp thoát ra ngoài. Giờ đây, gia đình tôi lâm vào cảnh trắng tay”.


Gần đó, căn nhà cấp 4 của gia đình ông Nguyễn Văn Xá cũng bị mưa lũ đánh sập hoàn toàn, chôn vùi dưới lớp đất đá. Cả gia đình gồm 5 thành viên phải căng tạm tấm bạt ở gốc xoài để ở. Ông Xá buồn nói: “Gia đình tôi ở đây hơn 50 năm, chưa bao giờ phải trải qua cảnh kinh hoàng như thế này. Mới chỉ là một trận mưa lớn mà gia đình tôi rơi vào cảnh màn trời chiếu đất”.

 

Em Lê Thị Thanh phơi sách, vở.

Em Lê Thị Thanh phơi sách, vở.


Tại tổ 1 Cầu Đá, phường Vĩnh Nguyên, gần chục ngôi nhà nằm sát chân núi Chụt cũng bị mưa lũ đổ xuống làm sập một phần. Nước lũ đi qua để lại lớp bùn đất dày đến gần 2m. Sau gần 2 giờ đào bới tìm lại tài sản, các con cháu của ông Nguyễn Quá mới đưa lên được chiếc xe máy kiểu dáng Wave. “Vẫn còn 4 chiếc xe máy nữa bị chôn vùi dưới lớp đất đá sâu, đó là chưa kể những tài sản khác. Biết là tài sản bị hư hỏng nặng nhưng chúng tôi vẫn cố tìm lại xem có thể sửa chữa được hay không”, ông Nguyễn Quá nói. Cạnh nhà ông Quá là căn nhà của ông Trần Văn Dị bị sập 2 bức tường, nguy cơ đổ sập bất cứ khi nào.

 
Nơm nớp nỗi lo


Tại khu vực quanh đường vòng núi Chụt thuộc Tổ 2 Trường Sơn, Tổ 3 Trường Hải (phường Vĩnh Trường), hiện có hàng chục hộ sống cheo leo ngay trên vách núi. Đa số những hộ ở đây sống bằng nghề làm thuê. Do con đường lên núi ngoằn ngoèo, độ dốc thẳng đứng nên họ phải luôn sống chung với nỗi lo sạt lở núi. Gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Thủy xây dựng trên vách núi rộng khoảng 30m2. Đây là nơi sinh sống của 5 nhân khẩu gần 10 năm qua. Bà Thủy cho biết: “Gia đình nghèo, không có tiền mua đất ở nên 2 vợ chồng lên ngọn núi này khai khẩn, đục đá xây dựng căn nhà tạm sinh sống. Mỗi khi có mưa bão, chính quyền lên vận động, yêu cầu gia đình di chuyển xuống nhà văn hóa thôn lánh nạn. Đợt mưa lũ mấy ngày qua, chứng kiến những hộ ở đây bị sạt lở núi gây sập nhà, chết người, gia đình tôi cũng lo lắng lắm. Nghe đài báo, cuối tuần này sẽ có bão vào, biết rằng ở đây thì rất nguy hiểm, nhưng do quá khó khăn, không ở đây vợ chồng tôi biết ở đâu. Khi nào bão vào thì gia đình lại xuống nhà văn hóa ở nhờ!”. Đây cũng là tâm lý chung của hầu hết các hộ nơi đây.
 

Theo thống kê của UBND xã Phước Đồng chiều 20-11, xóm Núi thôn Thành Phát có 74 nhà bị sập, trong đó có 38 nhà sập hoàn toàn và 36 nhà sập và hư hỏng từ 75% trở xuống. Xóm Mũi, thôn Thành Đạt có 68 căn nhà bị sập, trong đó 40 căn sập hoàn toàn và 28 căn sập và hư hỏng từ 75% trở xuống.

Vẫn biết là sinh sống ở lưng chừng núi là nguy hiểm nhưng với nhiều gia đình nghèo việc có nơi ở đã là điều hạnh phúc. Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Ghi ở xóm Mũi, thôn Thành Đạt, xã Phước Đồng cho biết, ngày trước ở phường Vĩnh Trường cùng bố mẹ nhưng khi lập gia đình, anh em đông đúc nên phải chuyển đến nơi ở mới. Đó là khu vực giáp sông Quán Trường thuộc xóm Mũi, thuận lợi cho việc đi biển. Tìm hiểu được biết, những hộ sống sâu trên núi Hòn Rớ thuộc các thôn Thành Đạt, Thành Phát đa phần có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, họ chọn nơi định cư thiếu an toàn cũng là lý do bất đắc dĩ.


Khi được hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương khi để dân cư sinh sống trong những khu vực nguy hiểm, bị sạt lở như hôm 18-11, ông Đặng Lợi - Chủ tịch UBND xã Phước Đồng trần tình, việc xây cất nhà ở khu vực xóm Mũi và xóm Núi đều trái phép, diễn ra một thời gian dài. Trong năm qua, xã đã phát hiện, xử lý mới chỉ được vài trường hợp. Do trình tự thủ tục cưỡng chế quá lâu nên dẫn tới việc xử lý xây nhà trái phép ở 2 khu vực kể trên trở lên phức tạp. “Ngoài 2 khu vực trên thì trên địa bàn còn có khu vực núi Xanh, thôn Phước Lộc bị sạt lở cách đây 2 năm và khu vực đập Hồ Kênh Hạ thuộc 2 thôn Phước Tân, Phước Điền cũng có nguy cơ sạt lở, xã đã lên phương án di dời trong thời gian tới”, ông Lợi cho biết.


Còn theo UBND TP. Nha Trang, qua rà soát sơ bộ, hiện nay, trên địa bàn thành phố có gần 20 vùng có nguy cơ sạt lở núi thuộc các xã, phường: Phước Đồng, Vĩnh Trường, Vĩnh Nguyên, Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ, Vĩnh Hòa, Vĩnh Lương… Ở những khu vực này, có rất nhiều hộ sinh sống trên triền núi và dưới chân núi. Tại những địa phương trên, do sự quản lý còn thiếu chặt chẽ, nhiều hộ đã lấn, đào chân các núi để xây cất nhà cửa. Do chân núi bị đào bới, chặt phá cây cối dẫn đến nguy cơ sạt lở núi khi có mưa lớn, kéo dài là rất cao.


Văn Giang - Thành Long

 



Ông Lê Hữu Thọ - Chủ tịch UBND TP. Nha Trang: Đợt mưa lũ vừa qua, toàn thành phố có 18 người chết và hàng trăm căn nhà bị sập hoàn toàn là một tổn thất quá lớn. Đây cũng là bài học đắt giá cho công tác quản lý dân cư và xây dựng, lấn chiếm đất núi. Dự báo cuối tuần này cơn bão số 9 sẽ đổ bộ vào khu vực Nam Trung bộ. Do đó, để ứng phó với mưa bão, thành phố đã chỉ đạo quyết liệt các xã, phường tăng cường công tác rà soát, thông báo tình hình cho người dân biết. Khi bão vào sẽ cương quyết cưỡng chế người dân ra khỏi khu vực xung yếu, nhất là những người dân sống ở chân núi, vách núi, gần các hồ đập, vùng thấp. Về lâu dài, thành phố sẽ nghiên cứu các phương án xử lý đối với những hộ sống ở trên núi, chân núi để trình UBND tỉnh xem xét giải quyết.