11:12, 11/12/2018

Vụ án 23 năm về trước: Hồ sơ chưa đủ chặt chẽ

Bị can Nguyễn Đức Hùng (sinh năm 1962, trú Đức Hòa, tỉnh Long An) bị cơ quan tiến hành tố tụng Nha Trang cáo buộc về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN (nay là tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản) cách đây 23 năm. Nhưng diễn biến phiên tòa (ngày 30-11) cho thấy, hồ sơ buộc tội chưa đủ chặt chẽ.

Bị can Nguyễn Đức Hùng (sinh năm 1962, trú Đức Hòa, tỉnh Long An) bị cơ quan tiến hành tố tụng Nha Trang cáo buộc về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN (nay là tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản) cách đây 23 năm. Nhưng diễn biến phiên tòa (ngày 30-11) cho thấy, hồ sơ buộc tội chưa đủ chặt chẽ.


Nhận tiền nhưng không giao hàng


Theo hồ sơ, trước đây, Nguyễn Đức Hùng là nhân viên của Cơ sở tư doanh sắt thép Hoàn Vũ ở quận 10, TP. Hồ Chí Minh. Do có quan hệ làm ăn với Cửa hàng vật liệu xây dựng và chất đốt số 1 (viết tắt là cửa hàng), trực thuộc Công ty Thương mại vật liệu và khí đốt Nha Trang (viết tắt là công ty), tháng 8-1995, Hùng thỏa thuận với bà Hoàng Thị Nhung, Cửa hàng trưởng cửa hàng sẽ bán lô sắt thép trị giá 145 triệu đồng và yêu cầu công ty ứng trước tiền. Do tin tưởng, bà Nhung đã làm thủ tục ứng trước cho Hùng 145 triệu đồng từ vốn lưu động của cửa hàng. Ngày 21-8-1995, Hùng nhận tiền và viết giấy biên nhận, cam kết sẽ cung ứng đủ số sắt thép theo thỏa thuận từ ngày 5 đến 10-9-1995. Nhưng sau khi nhận tiền, Hùng không giao số sắt thép như thỏa thuận cho cửa hàng; tiền tạm ứng nhận được, Hùng tiêu xài hết. Khi cửa hàng yêu cầu hoàn trả tiền thì Hùng bỏ trốn khỏi địa phương, ngày 4-4-2018 bị bắt theo quyết định truy nã. 


Hồ sơ xác định Hùng phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN theo Khoản 3 Điều 135 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1985. So sánh với Khoản 2 Điều 175 BLHS năm 2015 có lợi hơn cho người phạm tội, căn cứ Khoản 3 Điều 7 BLHS năm 2015, viện kiểm sát đã truy tố Hùng về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điểm c Khoản 2 Điều 175 BLHS năm 2015. Quá trình điều tra, Hùng thành khẩn khai báo; gia đình đã nộp 70 triệu đồng khắc phục hậu quả; bà Nhung xin giảm nhẹ hình phạt cho Hùng.


Gian dối, bỏ trốn, có điều kiện mà không trả…?


Cáo trạng viện dẫn Điểm a Khoản 1 Điều 175 BLHS 2015: “Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”. Tại phiên tòa, đại diện viện kiểm sát cho rằng Hùng chiếm đoạt 145 triệu đồng thông qua hình thức hợp đồng để tiêu xài cá nhân, sau đó bỏ trốn.


Tuy nhiên, luật sư bào chữa cho bị cáo Hùng không đồng quan điểm và nêu vấn đề, với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN, cần xác định có tài sản bị chiếm đoạt không, ai bị chiếm đoạt, ý thức  chiếm đoạt cũng như dấu hiệu gian dối.


Trong vụ án này, người bị hại xác định là công ty. Nhưng kết luận điều tra bổ sung ngày 11-10-2018 nêu, sau cổ phần hóa năm 2001, hồ sơ của công ty không còn thể hiện công nợ 145 triệu đồng giữa cửa hàng và công ty nên không có yêu cầu gì. Quá trình ghi chứng từ thể hiện, công ty ghi khoản ứng này là khoản trả trước cho người bán và đã được bà Nhung hoàn lại.


Nếu xét trong quan hệ công nợ giữa Hùng và bà Nhung, Hùng không hề chối bỏ việc nhận tiền ứng và  nghĩa vụ trả nợ; bằng chứng có nhiều giấy khất công nợ được lập giữa Hùng và bà Nhung. Như vậy, Hùng không thoái thác nghĩa vụ trong khi có thể chối nếu muốn gian dối. Bản thân bà Nhung cũng biết rõ sự việc. Số tiền nhận ứng, Hùng không tiêu xài cá nhân mà đem quay vòng vốn nhưng bị thua lỗ nên không hoàn được tiền đúng hạn. Bà Nhung thừa nhận đã cùng Hùng tìm giải pháp tháo gỡ. Lần duy nhất Hùng lánh mặt là tại cuộc gặp giữa bà Nhung và mẹ bị cáo, tuy nhiên, đây là cuộc gặp do bị cáo đề nghị bà Nhung với hy vọng mẹ bị cáo sẽ giúp trả nợ.


Về việc bỏ trốn, trong hơn 20 năm bị truy nã, Hùng vẫn làm ăn bình thường và đã cung cấp các xác nhận tạm trú của địa phương nơi thuê trọ.


Về khả năng trả nợ, bị cáo khai nhận do làm ăn thua lỗ nên đã phải bán hết nhà cửa và phải đi ở thuê, đi làm mướn. Điều này cần được xác minh. Bà Nhung cũng thừa nhận biết bị cáo làm ăn thua lỗ, nhiều lần đã cùng bị cáo bàn cách tháo gỡ, thậm chí đồng ý cho bị cáo dùng tiền bán nhà để kinh doanh lấy lãi, khôi phục vốn rồi trả nợ sau. Hiện nay, bà sẵn sàng cho bị cáo số tiền còn lại chưa trả được. Như vậy, phải chăng bị cáo Hùng có điều kiện, có khả năng mà cố tình không trả hay bị mất khả năng thanh toán?


Luật sư cho rằng, hành vi của bị cáo không đủ yếu tố cấu thành tội phạm và đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng xác định rõ: ý thức chiếm đoạt của bị cáo; ai là người bị hại; đây là quan hệ kinh doanh giữa công ty và cửa hàng hay là quan hệ dân sự giữa các cá nhân; đề nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn với bị cáo. 


Do có nhiều nội dung không thể làm rõ tại phiên tòa, mới đây, Tòa án nhân dân TP. Nha Trang đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Sáng 7-12, Nguyễn Đức Hùng đã được tòa thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho tại ngoại.


NGUYỄN VŨ