11:02, 05/02/2020

Tiện ích khi thanh toán không dùng tiền mặt

Khách hàng có nhiều lựa chọn trong điều kiện bùng nổ các tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay.

Khách hàng có nhiều lựa chọn trong điều kiện bùng nổ các tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay.


Nhiều tiện ích


Là một người trẻ tiếp cận nhanh với công nghệ, chị Hoàng Thùy (phường Tân Lập, TP. Nha Trang) cho biết, chiếc điện thoại thông minh của chị cài nhiều công cụ thanh toán trực tuyến như ví Moca, VinID Pay, Samsung Pay, App của Agribank... Vì thế, trừ khi mua thực phẩm ở các chợ truyền thống, hiện nay, hầu hết giao dịch hàng ngày chị đều sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, từ thanh toán qua POS, ví điện tử, quét mã QR cho đến thanh toán 1 chạm, thanh toán với các loại thẻ không tiếp xúc. Chị Thùy cho biết: “Các dịch vụ này đều rất nhanh chóng, tiện lợi, tôi thậm chí không cần mang theo thẻ, tính bảo mật cũng ngày càng được nâng cao, khai thác được các chương trình khuyến mãi, hoàn tiền có lợi cho khách hàng”. Chị Tường Vân (phường Ngọc Hiệp, Nha Trang) cũng cho biết, do thường có thói quen mua hàng trên các trang web nên chị chọn các hình thức thanh toán trực tuyến.

 

Hướng dẫn khách hàng thực hiện giao dịch ATM.

Hướng dẫn khách hàng thực hiện giao dịch ATM.


Hiện nay, các ngân hàng triển khai nhiều tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt. Ông Cao Thế Trọng - Giám đốc BIDV Khánh Hòa cho biết, chi nhánh đẩy mạnh phát triển các máy ATM, POS, phát hành thẻ với mức phí phù hợp để khách hàng sử dụng nhiều hơn các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Bà Đỗ Trần Như Thảo - Trưởng phòng Kế toán VietinBank Khánh Hòa cho biết, chi nhánh đẩy mạnh triển khai đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng các giải pháp mới, truyền thông các sản phẩm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cấp các dịch vụ thanh toán điện tử giữa cá nhân, doanh nghiệp, Chính phủ.


Kết quả đạt được


Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 343 máy ATM, số thẻ ATM phát hành là 1.022.000; phát triển 4.412 thiết bị POS tại 3.287 điểm chấp nhận thẻ. Năm 2019, có 13.905.000 giao dịch qua ATM với giá trị 41.930 tỷ đồng; có 6.264.000 giao dịch qua POS với giá trị 14.180 tỷ đồng.


Năm 2019, đã thực hiện thanh toán tiền thuế, thu phạt vi phạm hành chính, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước, thu phí dịch vụ công trực tuyến qua ngân hàng 396.882 món với doanh số thanh toán 20.885 tỷ đồng. Doanh số thanh toán tiền điện qua ngân hàng và các dịch vụ thanh toán khác là 3.032 tỷ đồng. Có 10.223 hộ thực hiện thanh toán tiền nước qua ngân hàng, chiếm 7,31% trong tổng số hộ sử dụng nước; tổng doanh số thanh toán qua ngân hàng 178 tỷ đồng, chiếm 36,08% tổng doanh thu. Doanh số thanh toán tiền học phí qua ngân hàng 6,36 tỷ đồng với 1.222 món. Các ngân hàng đã lắp đặt 26 thiết bị chấp nhận thẻ POS tại các bệnh viện; tổng doanh số thanh toán viện phí qua ngân hàng trong năm 18,84 tỷ đồng với 3.600 món. Có 65.057 người nhận chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và các chương trình an sinh xã hội qua ngân hàng, chiếm tỷ lệ 31,73% trên tổng số người nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội với số tiền hơn 1.062 tỷ đồng, chiếm 45% so với tổng số tiền chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội.


Phát triển ứng dụng các phương tiện thanh toán mới


Ông Đỗ Trọng Thảo - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về lĩnh vực thanh toán, ứng dụng các phương tiện thanh toán mới, hiện đại trên nền tảng công nghệ tiên tiến, áp dụng công nghệ mới vào lĩnh vực thanh toán. Sau khi Chính phủ chấp thuận, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai thí điểm dịch vụ tiền di động (mobile - Money) và một số dịch vụ thanh toán mới.


Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục triển khai Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội; phát triển các dịch vụ ngân hàng số trên không gian mạng, đáp ứng các nhu cầu khác nhau của người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phân bố mạng lưới ATM và POS hợp lý, mở rộng mạng lưới ATM ở nông thôn, gia tăng tiện ích cho người sử dụng thẻ ATM; tiếp tục triển khai kế hoạch chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip theo lộ trình nhằm bảo đảm an ninh, an toàn trong thanh toán thẻ.


NAM DU

 


 

Bên cạnh những giải pháp khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt của ngân hàng, hiện nay vẫn còn một số điểm chấp nhận thanh toán thẻ thu phí của khách hàng. Trong khi theo quy định, khi khách hàng thanh toán qua máy POS/mPOS (thiết bị chấp nhận thẻ), các điểm kinh doanh có lắp đặt máy POS phải là người trả phí dịch vụ cho ngân hàng thanh toán. Tuy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiêm cấm thu phí khách hàng thanh toán bằng thẻ nhưng còn một số điểm bán hàng vẫn thu phí quẹt thẻ từ 1 đến 2% trên tổng giá trị thanh toán. Hành vi này theo quy định nếu bị phát hiện tùy mức độ sẽ bị nhắc nhở, hủy bỏ hợp đồng lắp đặt máy POS/mPOS, xử phạt. Ngoài ra, có điểm chấp nhận thẻ tuy không thu phí của khách hàng nhưng lại chỉ chấp nhận thanh toán thẻ với hóa đơn giá trị từ 100.000 đồng trở lên, từ chối thanh toán thẻ hóa đơn dưới 100.000 đồng.