11:01, 30/01/2020

Hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế

Bằng những việc làm thiết thực, năm 2019, các cấp hội nông dân trong tỉnh Khánh Hòa đã hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, bước đầu mang lại hiệu quả.

Bằng những việc làm thiết thực, năm 2019, các cấp hội nông dân (HND) trong tỉnh Khánh Hòa đã hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, bước đầu mang lại hiệu quả.


Đi lên từ những mô hình


Năm qua, các cấp HND đã xây dựng 33 mô hình giúp nhau giảm nghèo bền vững. Theo đó, những nông dân còn nhiều khó khăn về kinh tế và các hộ có điều kiện hơn đã tập hợp lại, cùng thực hiện mô hình sản xuất, bước đầu thu được hiệu quả kinh tế cao hơn. Một số mô hình nổi bật như: trồng dâu nuôi tằm ở xã Ninh Thượng (Ninh Hòa); nuôi tôm hùm lồng ở phường Vĩnh Thọ (Nha Trang); sản xuất nấm rơm ở xã Vạn Lương (Vạn Ninh); dệt lưới trũ ở phường Phước Long (Nha Trang); trồng táo Thái trong nhà lưới ở xã Cam Thành Nam (Cam Ranh)... Trong năm, đã có 8.500 ngày công lao động; hơn 12.600 cây, con giống; hơn 374 tấn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… với tổng trị giá hơn 3,9 tỷ đồng được hỗ trợ thông qua phong trào nông dân giúp nhau vươn lên thoát nghèo bền vững.

 

Mô hình trồng nấm rơm tại xã Vạn Lương (Vạn Ninh) bước đầu hiệu quả.

Mô hình trồng nấm rơm tại xã Vạn Lương (Vạn Ninh) bước đầu hiệu quả. Ảnh: Mạnh Hùng


Thông qua các mô hình, ngày càng nhiều hộ nông dân thu nhập tiền tỷ xuất hiện, trở thành điển hình trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Điển hình như nông dân Bùi Sơn Hồng, xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm với mô hình kinh doanh dịch vụ bao gồm thu mua xoài, vận tải, khách sạn…, tổng thu nhập hơn 4,5 tỷ đồng mỗi năm. Mô hình này còn giải quyết việc làm ổn định cho 43 lao động với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Nông dân Lê Văn Nhân, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh với mô hình đa canh trên diện tích 4ha trồng xoài cát Hòa Lộc xen canh đu đủ, ớt... Ông còn nuôi cá nước ngọt, trồng lúa, mua sắm máy cắt lúa liên hợp, máy cày đất để cung ứng dịch vụ cho người dân, mang về thu nhập hơn 3,7 tỷ đồng mỗi năm...


Trong năm 2019, nông dân Bùi Sơn Hồng đã được Trung ương HND Việt Nam tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019”; 2 nông dân Lê Quang Toàn (xã Vạn Thọ, Vạn Ninh) và Mai Văn Khang (xã Sơn Lâm, Khánh Sơn) được UBND tỉnh tặng bằng khen là nhân tố mới, gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi.


Thêm nhiều tổ hợp tác hiệu quả


Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được cụ thể hóa không chỉ thông qua việc xây dựng các mô hình, mà theo thời gian, việc hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã cũng là yêu cầu bắt buộc để vừa giải quyết được đòi hỏi của thị trường về quy mô, hình thức tổ chức sản xuất, vừa xây dựng được mối liên kết, hợp tác cùng nhau làm ra sản phẩm. Một số tổ hợp tác, hợp tác xã làm ăn hiệu quả như: Tổ hợp tác trồng nấm rơm xã Vạn Lương (Vạn Ninh); Tổ hợp tác trồng khoai sáp ở xã Ninh Lộc (Ninh Hòa); Hợp tác xã trồng táo trong nhà lưới ở xã Cam Thành Nam (Cam Ranh)... Đây là những tổ hợp tác, hợp tác xã đã có những bước chuyển mình đáng ghi nhận trong việc cùng nhau phát triển kinh tế.


Năm 2019, thực hiện chương trình phối hợp giữa HND và Liên minh Hợp tác xã tỉnh về “Đẩy mạnh phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017 - 2020”, các cấp hội đã hướng dẫn thành lập được 23 tổ hợp tác và 9 hợp tác xã, nâng tổng số tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động có hiệu quả đến nay là 292. Đây là con số đáng ghi nhận khi kinh tế hợp tác vốn còn gặp nhiều khó khăn và tồn tại không ít vấn đề, bất cập.


Một điểm nhấn trong các mô hình mà nông dân Khánh Hòa đang tập trung xây dựng đó là mô hình phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 5 mô hình có tính chất điển hình, mô hình điểm, gồm: “Ao thu quán - trồng rau sạch nhà kính - du lịch sinh thái vườn” tại xã Phước Đồng; “Dịch vụ nuôi trồng thủy sản gắn với du lịch” tại phường Vĩnh Nguyên (Nha Trang); mô hình du lịch sinh thái nhà vườn Sơn Hiển tại xã Cam Thành Bắc; mô hình sinh thái vườn kết hợp chế biến sản phẩm từ xoài tại xã Cam Hải Tây (Cam Lâm); mô hình phát triển kinh tế kết hợp với du lịch của hộ Cao Thị Hồng Hà xã Khánh Phú (Khánh Vĩnh).


Theo ông Nguyễn Trọng Trung - Chủ tịch HND tỉnh, thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương HND về “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động và hướng dẫn phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011 - 2020”, các cấp hội đã duy trì có hiệu quả việc xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã phát triển sản xuất theo hướng chuỗi giá trị trong trồng trọt, chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và tiêu thụ nông sản. Cùng với nhiệm vụ xây dựng mô hình kinh tế, hướng dẫn thành lập tổ hội nghề nghiệp, hội còn tập trung hỗ trợ về vốn thông qua Quỹ Hỗ trợ nông dân, tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, thông tin về giá cả thị trường thông qua hội thảo kết nối cung cầu và phiên chợ nông sản; tổ chức đào tạo nghề cho nông dân không chỉ với phương châm dễ hiểu, dễ làm theo mà các khóa học còn giúp nông dân thay đổi thói quen sản xuất, thay đổi nhận thức để tham gia có hiệu quả các mô hinh kinh tế tập thể... Hoạt động cung ứng vật tư, thiết bị nông nghiệp cũng đạt nhiều kết quả với 800 tấn phân bón các loại; 143 thiết bị, máy móc nông nghiệp; hơn 300 tấn giống và nhiều loại vật tư nông nghiệp khác đã hỗ trợ nông dân trong năm 2019.


Bên cạnh những kết quả trên, công tác hội và phong trào nông dân năm qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, trong đó việc hỗ trợ, giúp đỡ nông dân xây dựng thương hiệu, quảng bá xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản hàng hóa chưa đạt kết quả như mong muốn. Đây sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà các cấp HND trong tỉnh tập trung cải thiện trong năm 2020.


Hồng Đăng