10:10, 12/10/2020

Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

5 năm qua, du lịch Khánh Hòa đã có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn cần cơ cấu lại theo hướng chú trọng chất lượng, có cơ chế chính sách ưu tiên đầu tư phát triển du lịch.

5 năm qua, du lịch Khánh Hòa đã có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn cần cơ cấu lại theo hướng chú trọng chất lượng, có cơ chế chính sách ưu tiên đầu tư phát triển du lịch.


 Du lịch phát triển mạnh mẽ


Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, ngành du lịch đã có bước phát triển vượt bậc. Các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển theo hướng đầu tư chiều sâu và quy mô lớn. Các loại hình, sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, nâng cao chất lượng; hoạt động xúc tiến, quảng bá, kết nối phát triển du lịch được đẩy mạnh. Các thương hiệu khách sạn hàng đầu thế giới hầu hết đều có mặt ở Khánh Hòa đã góp phần tăng sức cạnh tranh của du lịch xứ Trầm Hương. Hiện tại, Khánh Hòa được biết đến như một điểm du lịch biển hấp dẫn với nhiều khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế.

 

Giai đoạn 2016 - 2020, các chỉ tiêu chủ yếu về du lịch đều tăng từ 15 đến 20%/năm. Đến năm 2019, Khánh Hòa đã đón hơn 7 triệu lượt khách du lịch, trong đó có hơn 3,5 triệu lượt khách quốc tế. Doanh thu du lịch đạt hơn 27.000 tỷ đồng. Sự phát triển của du lịch đã góp phần tăng tỷ trọng ngành dịch vụ - du lịch trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đặc biệt, sự phát triển của ngành du lịch đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển các ngành kinh tế khác, góp phần giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.

 

Khách du lịch quốc tế rất yêu mến Nha Trang - Khánh Hòa.

Khách du lịch quốc tế rất yêu mến Nha Trang - Khánh Hòa.


 

Giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch


Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Du lịch Khánh Hòa vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như: Thị trường khách quốc tế mất cân đối (tăng trưởng chủ yếu là khách Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc); du lịch phát triển “nóng” ở Nha Trang gây quá tải về hạ tầng; thiếu các dự án về văn hóa, vui chơi giải trí để phục vụ khách du lịch… Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã khiến ngành du lịch gặp nhiều khó khăn, tác động rất lớn đến chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch trên địa bàn. Điều này buộc ngành du lịch phải có những thay đổi để phù hợp với xu thế mới, hướng đến sự phát triển bền vững.


Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Phó Giám đốc Sở Du lịch, để du lịch Khánh Hòa phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, giai đoạn 2021 - 2025, ngành du lịch sẽ tập trung cơ cấu lại hoạt động du lịch theo hướng chú trọng chất lượng tăng trưởng; đa dạng hóa thị trường khách và sản phẩm du lịch; xây dựng thương hiệu và nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm du lịch… Đồng thời, du lịch Khánh Hòa cần tạo mối liên kết chặt chẽ với các địa phương trong vùng duyên hải Nam Trung Bộ và các địa bàn trọng điểm về du lịch để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh chung về du lịch.


Theo các chuyên gia, để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Khánh Hòa cần đầu tư hệ thống giao thông kết nối 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, kết nối các khu, điểm du lịch lớn trên địa  bàn tỉnh; xây dựng cơ chế, chính sách tập trung nguồn lực, sử dụng tài nguyên của địa phương cho đầu tư phát triển du lịch, nhất là các sản phẩm bổ trợ cho du lịch biển - đảo; có chính sách kêu gọi đầu tư các dự án về văn hóa, giải trí để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách. Tỉnh cần xây dựng phương án chủ động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, trước mắt là đảm bảo số lượng và chất lượng lao động trực tiếp trong ngành du lịch.

 
Để phù hợp với xu thế du lịch hậu Covid-19, du lịch Khánh Hòa cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực du lịch; đưa vào vận hành hệ thống truyền thông số cho các giải pháp truyền thông quảng bá, xúc tiến du lịch, thay thế dần các phương thức truyền thông cũ (tổ chức, tham gia hội chợ, phát hành cẩm nang du lịch...) không còn phù hợp với xu hướng thị trường hiện nay. Đây có thể xem là bước tạo đột phá về phương thức quản lý, điều hành hoạt động du lịch.


Bên cạnh đó, nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch; thiết lập các điều kiện tạo môi trường kinh doanh du lịch thuận lợi, đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động du lịch. “Nha Trang - Khánh Hòa đã được biết đến như điểm đến văn minh, thân thiện. Vì vậy, chính quyền và nhân dân Khánh Hòa phải gìn giữ, xây đắp thêm sự văn minh, thân thiện trong tất cả mọi mặt của đời sống, nhất là trong hoạt động kinh doanh phục vụ du lịch; phải làm sao để du khách luôn cảm nhận được nét đẹp đó khi đến vùng đất xinh đẹp này”, ông Nguyễn Quốc Hưng - Viện Nghiên cứu và phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) nói.


 Xuân Thành