10:07, 11/07/2016

Cần có chiến lược dài hơi

Xung quanh các vấn đề về thị trường khách Trung Quốc hiện nay, TS Trần Du Lịch - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, Trưởng nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung đã có cuộc trao đổi với Báo Khánh Hòa.

Xung quanh các vấn đề về thị trường khách Trung Quốc hiện nay, TS Trần Du Lịch - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, Trưởng nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung đã có cuộc trao đổi với Báo Khánh Hòa.


 - Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tình trạng khách du lịch Trung Quốc tăng đột biến tại miền Trung như Khánh Hòa, Đà Nẵng?


- Số liệu tôi nắm được thì mỗi năm, có đến 250 triệu lượt người Trung Quốc đi du lịch khắp thế giới và nhiều nơi họ đến với số lượng rất lớn; nếu so sánh với số lượng vài trăm ngàn lượt khách Trung Quốc đến Nha Trang hay Đà Nẵng, thì số lượng đến ta chưa là gì. Có lẽ, chúng ta hơi bất ngờ, lúng túng, không có sự chuẩn bị để đón khách Trung Quốc. Ở các quốc gia khác, họ đều có sự chuẩn bị và hướng từng đối tượng du khách đến từng địa bàn thích hợp. Ví như, tại Thái Lan thì Pattaya hướng đến đón khách Trung Quốc, trong khi đó Phuket là nơi dành để đón khách Tây Âu. Thời gian qua, các địa phương kêu thiếu hướng dẫn viên (HDV) tiếng Trung và lên án sai phạm của HDV Trung Quốc, điều đó không sai, nhưng muốn trách người thì trước tiên phải tự trách mình.

 

 


- Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này? Và hệ lụy là gì?


- Theo tôi, nếu như không có sự tiếp tay của những người Việt, doanh nghiệp (DN) Việt Nam là những công ty lữ hành làm ăn kém cỏi, móc nối với các DN, doanh nhân Trung Quốc thì sẽ không có tình trạng như vừa qua.


Hiện nay, các DN làm ăn rất tự phát, mọi thứ đều bị động rồi kêu ca khó khăn. Nhiều DN cạnh tranh bất chính bằng cách hạ giá cả, chất lượng kém, làm mất uy tín chung của các điểm đến. Ngay như các khách sạn mới được đầu tư, thay vì đầu tư bài bản cho nhân lực thì cũng cạnh tranh với các khách sạn đầu tư trước bằng cách hạ giá, thu hút nhân lực đã được đào tạo sẵn. Các DN đang tự hạ giá, tự “dìm” lẫn nhau, rồi tự làm khó với nhau, tự ép giá lẫn nhau.  


- Sau những sự việc vừa qua, ông nhìn nhận như thế nào về thị trường du khách Trung Quốc sắp đến?


- Theo tôi, du khách quốc tế hay du khách Trung Quốc không có lỗi. Du lịch Trung Quốc là một thị trường lớn, còn nhiều tiềm năng, chúng ta không nên chê thị trường này, vấn đề là tìm cách khai thác hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển chung cho địa phương. Cũng không nên có quan điểm cho rằng chỗ nào có khách Trung Quốc thì khách Tây Âu không đến, theo tôi nghĩ, nhiều khách thì cũng sẽ có sự giao lưu văn hóa. Chúng ta không nên bài bác khách nọ, khách kia mà phải chủ động đón khách từ hướng nào, từ nguồn nào. Sự chủ động là tính đến phục vụ chuyên nghiệp cho từng đối tượng khách, thậm chí phải có những khách sạn, nhà hàng, dịch vụ hướng đến các đối tượng để làm hài lòng khách.


- Ông có khuyến nghị các giải pháp gì về vấn đề này?


- Theo tôi, vấn đề đầu tiên là cần phải thiết lập ngay kỷ cương về du lịch. Công ty du lịch phải đủ điều kiện mới được hoạt động, phải được kiểm tra thường xuyên và xử phạt rất nặng nếu có sai phạm. Nhà nước và DN phải thực hiện quy hoạch du lịch xoay quanh 4 chuyện: ở, ăn, chơi, mua sắm sao cho thích nghi từng đối tượng khách. Trước mắt, cần ước tính được lượng khách trong thời gian sắp tới để tính toán nguồn nhân lực. Nếu như chưa đủ, phải tìm cách khắc phục ngay thông qua đào tạo, bồi dưỡng, kêu gọi từ địa phương khác. Với các DN tự phát thì cần phải chấn chỉnh thông qua vai trò các hiệp hội liên quan đến du lịch. Hiệp hội có thể loại bỏ, tẩy chay những người làm ăn không chân chính. Và nếu như không phải là thành viên của hiệp hội thì sẽ không cho hành nghề. Mặt khác, chúng ta phải áp dụng luật rất nghiêm với những cá nhân, tổ chức lữ hành nội địa làm gian, làm dối, tiếp tay cái sai. Còn đối với những công ty, cá nhân Trung Quốc sang đây vi phạm, vấn đề là không phải phạt bao nhiêu mà là phải “cấm cửa” vĩnh viễn. Đặc biệt là những HDV trái phép đã xuyên tạc lịch sử Việt Nam thì phải cương quyết xử lý mạnh tay hơn nữa.  


- Xin cảm ơn ông!


Đức Bình (Thực hiện)