12:03, 13/03/2020

Thảo dược dễ kiếm phòng trị bệnh thường gặp

Các vị thuốc từ thảo dược thiên nhiên sử dụng đơn giản, dễ tìm, vừa có giá trị chữa bệnh đồng thời hạn chế được các tác dụng phụ không mong muốn.

Các vị thuốc từ thảo dược thiên nhiên sử dụng đơn giản, dễ tìm, vừa có giá trị chữa bệnh đồng thời hạn chế được các tác dụng phụ không mong muốn.
 
Tính dược và hoạt chất sinh học của nó giúp tăng miễn dịch, hỗ trợ điều trị, phòng ngừa bệnh tật… Hiểu biết về các thảo dược này sẽ giúp chúng ta chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho chính mình và người thân.
 
Cây cỏ ngươi hỗ trợ chữa suy nhược thần kinh, mất ngủ
 
Còn gọi là cây mắc cỡ, trinh nữ thảo…, vị ngọt, tính lạnh, trong thành phần có chứa các alcaliod như mimosim, crocetin và khá nhiều nguyên tố vi lượng, đặc biệt là selen, có công dụng giảm đau, hạ huyết áp, an thần, trấn tĩnh, giảm ho, tiêu đàm. Rễ của cây cỏ ngươi có công dụng thanh nhiệt giải độc, khu phong trừ thấp. Khi bị mất ngủ, suy nhược thần kinh có thể dùng cây cỏ ngươi (toàn cây hoặc rễ) 10-12g hãm hoặc sắc uống hoặc dùng bài thuốc gồm: cỏ ngươi (cả cây 15g hoặc lá 6-12g), cây nụ áo tím 15g, chua me đất 30g, sắc uống mỗi ngày 1 thang. Cũng có thể phối hợp cỏ ngươi với lạc tiên, mạch môn và thảo quyết minh, sắc uống hàng ngày.

 

Cây cỏ ngươi hỗ trợ chữa suy nhược thần kinh, mất ngủ.
Cây cỏ ngươi hỗ trợ chữa suy nhược thần kinh, mất ngủ.

 

Cây khổ sâm trị đầy bụng, khó tiêu
 
Theo dược học cổ truyền, khổ sâm vị đắng, hơi ngọt chát, tính mát, có công dụng kháng khuẩn tiêu viêm, thanh nhiệt tiêu độc. Với thành phần có chứa alcaloid toàn phần, giàu tanin, hợp chất polyphenl…khổ sâm có tác dụng kháng khuẩn, kháng ký sinh trùng, an thần, lợi tiểu và chống dị ứng. Kinh nghiệm dân gian thường dùng khổ sâm để trị các chứng bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như đầy bụng, chậm tiêu, viêm loét dạ dày tá tràng… Khi bị đầy bụng và chậm tiêu có thể dùng: (1) khổ sâm 12-24g sắc hoặc hãm uống.(2) khổ sâm 12 phối hợp với bồ công anh 12g, nhân trần 12g, lá khôi 10g, chút chít 10g, tán bột, uống mỗi ngày 30g với nước ấm. (3) khổ sâm 12g, lá khôi 40g, bồ công anh 20g, uất kim 12g, hậu phác 12g, ngải cứu 8g, cam thảo 4g, sắc uống hoặc nấu thành cao pha siro uống.
 
Cây quýt gai chữa đau răng, sâu răng
 
Còn gọi là cây gai tầm xoọng, trong thành phần chứa tinh dầu và chất nhầy, có tác dụng chống co thắt cơ trơn, giảm ho, chống viêm…Theo y học cổ truyền, loại dược liệu này vị cay thơm, tính ấm, có công dụng khu phong trừ thấp, tán ứ chỉ thống, giảm ho triệt ngược tật (sốt rét). Khi bị đau răng, sâu răng có thể dùng: (vỏ rễ quýt gai rửa sạch, cắt nhỏ, nhai với vài hạt muối trong 5 phút rồi nhổ đi. (2) vỏ rễ quýt gai, vỏ lựu, vỏ chuối hột, rễ tầm xuân, mỗi vị 20g, búp ổi 19g, sắc uống. (3) vỏ rễ quýt gai 30g, vỏ cây thông 30g và vỏ thân cây hoa đại cạo bỏ vỏ ngoài 30, tất cả đem rửa sạch, giã nát rồi ngâm với 500ml rượu trắng, sau 1 tuần thì dùng được, mỗi lần ngậm một ít trong miệng trong 10 phút rồi nhổ đi, tuyệt đối không được nuốt, mỗi ngày vài ba lần.
 
Cây tầm gửi cây dâu hỗ trợ trị viêm cầu thận
 
Còn gọi là tang ký sinh, có vị ngọt đắng, tính bình, có công dụng bổ can thận, làm mạnh gân cốt, trừ phong thấp, an thai, lợi sữa. Trong thành phần hóa học có chứa transphytol, α-tocophenol, quinon, quercetin, avicularin, có tác dụng chống ôxy hóa, chống viêm, lợi tiểu, làm hạ huyết áp. Khi bị viêm cầu thận có thể dùng: (1) tầm gửi cây dâu 20-30g, sắc hoặc hãm uống hàng ngày. (2) tầm gửi 15g, kim tiền thảo 10, bạch mao căn 10g, thổ phục linh 10g, mã đề 10g, sắc uống mỗi ngày 1 thang. (3) tầm gửi 16g, câu đằng 16g, mã đề 16g, cúc hoa 12g, sa sâm 12g, ngưu tất 12g, đan sâm 12g, quy bản 12g, trạch tả 12g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.
 
Cây dướng chữa đau thần kinh tọa
 
Chủ yếu là dùng quả dướng, còn gọi là chử thực tử, có chứa saponin, acid p.coumaric, vitamin nhóm B và dầu béo. Theo dược học cổ truyền, quả dướng vị ngọt, tính mát, có tác dụng bổ hư lao, làm mạnh gân cốt, sáng mắt, bổ thận và kéo dài tuổi thọ. Để hỗ trợ trị liệu đau thần kinh tọa có thể dùng: (1) quả dướng chín lượng vừa đủ đem ngâm nước 3 ngày, sau đó vớt ra, để ráo rồi ngâm rượu trắng trong 10 phút, tiếp đó đem nấu trong 12 giờ, cuối cùng là đem sấy hoặc phơi khô, đựng trong lọ kín dùng dần, mỗi ngày ăn 10-15g. (2) quả dướng 15g, sắc uống. (3) quả dướng 12g, đỗ trọng 12g, ngưu tất 12g, quế nhục 5g, thổ phục linh 12g, sắc uống hàng ngày. Người ta còn dùng lá dướng non nấu canh ăn hoặc lá dướng non 12g, lá ngải cứu 60g, nấu nước xông thắt lưng và dọc sau chân nơi đau.
 
Cây dạ cẩm hỗ trợ trị viêm dạ dày
 
Trong thành phần hóa học có chứa alcaloid, saponin và tanin, có tác dụng giảm đau, giúp liền sẹo nhanh, trung hòa dịch vị. Theo y học cổ truyền, dạ cẩm vị ngọt đắng, tính bình, có công dụng thanh nhiệt giải độc, chỉ thống, giải độc, tiêu viêm, lợi niệu. Khi bị viêm loét dạ dày có thể dùng: (1) dạ cẩm 20-40g sắc uống. (2) dạ cẩm 900 sắc kỹ, cô thành cao đặc, uống 20g mỗi ngày, chia 2 lần sáng và chiều. (3) bột lá dạ cẩm khô 7kg, cam thảo 1kg, đường kính 2kg, hồ nếp vừa đủ, làm thành cốm, mỗi ngày uống 2 lần trước khi ăn hoặc khi đang đau, mỗi lần 10-15g. (4) lá dạ cẩm khô 7kg, đường kính 2kg, mật ong 1kg. Nấu lá dạ cẩm với nước thành 8kg cao, cho đường kính vào, đánh tan, cô còn 9kg, cuối cùng cho thêm mật ong, đóng chai dùng dần, mỗi ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 1 thìa to (tương đương 10-15g) trước khi ăn hoặc khi đau. (5) dạ cẩm 20g, lô hội 20g, nghệ vàng 12g, cam thảo 6g, mai mực 10g, sắc uống hàng ngày.
 
Theo Sức khỏe & Đời sống