10:03, 09/03/2020

Để thành phố không có người lang thang xin ăn

Qua 4 năm triển khai, đề án "Thực hiện mục tiêu không có người lang thang xin ăn trên địa bàn TP. Nha Trang giai đoạn 2015 - 2020" đã có nhiều kết quả tích cực...

Qua 4 năm triển khai, đề án “Thực hiện mục tiêu không có người lang thang xin ăn trên địa bàn TP. Nha Trang giai đoạn 2015 - 2020” đã có nhiều kết quả tích cực. Do vậy, việc tiếp tục triển khai đề án này là rất cần thiết nhằm đảm bảo mỹ quan, văn minh đô thị, an sinh xã hội…
 
Những kết quả tích cực
 
Ông Võ Bình Tân - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Qua thời gian thực hiện cho thấy, đề án đã đem lại hiệu quả rõ rệt, không chỉ đảm bảo an ninh, trật tự, tạo môi trường du lịch văn minh, thân thiện, mỹ quan đô thị, mà còn giúp ngành chức năng nắm bắt được thực tế hoàn cảnh đối tượng để có những giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ hoặc đưa vào cơ sở nuôi dưỡng. Do vậy, UBND tỉnh cần sớm cho phép TP. Nha Trang tiếp tục triển khai đề án trong những năm tiếp theo
Một ngày đầu tháng 3, nhận được tin báo của người dân tại khu vực cầu Hà Ra (phường Vĩnh Phước) có một người lang thang xin ăn, ngay lập tức Đội chuyên trách tập trung người lang thang xin ăn (gọi tắt là Đội 524) lên đường làm nhiệm vụ. Chỉ sau vài ngày theo dõi, đội đã nhanh chóng tập trung một nam thanh niên giả danh người khuyết tật để xin tiền người dân và du khách vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Đây là người ngoài tỉnh, do lười lao động nên giả danh người khuyết tật để ăn xin. Nhân viên trung tâm đang liên hệ để trả nam thanh niên về với gia đình, địa phương…
 
Bà Lê Thị Mai Loan - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Nha Trang chia sẻ, từ khi triển khai đề án đến nay (tháng 3-2016), Đội 524 đã tập trung 492 lượt đối tượng lang thang xin ăn vào trung tâm. Riêng 2 tháng năm 2020 tập trung gần 30 đối tượng. Người lang thang xin ăn giảm theo từng năm, hiện nay chỉ bằng 1/3 so với năm 2006. 
 
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Đội 524 đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị liên quan thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục, tổ chức tập trung theo đúng quy định, chưa để xảy ra khiếu nại. Thông qua đường dây nóng 02583.525.440, Đội 524 đã tiếp nhận hơn 165 tin báo của nhân dân và đã tập trung 103 đối tượng, trao tiền thưởng cho 20 người cung cấp thông tin. Bên cạnh đó, Đội 524 đã xác minh, làm rõ những thông tin trẻ em có dấu hiệu bị “chăn dắt” nhưng chưa phát hiện trường hợp nào. 

 

Một người lang thang xin ăn trên địa bàn TP. Nha Trang.
Một người lang thang xin ăn trên địa bàn TP. Nha Trang.
 
Theo ông Nguyễn Sỹ Khánh - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang, qua 4 năm thực hiện, đề án đã góp phần giải quyết có hiệu quả tình trạng lang thang xin ăn và nâng cao nhận thức của người dân. Đến nay, lượng người lang thang xin ăn ở khu vực trung tâm, các điểm du lịch, đền chùa, các tuyến phố chính giảm đáng kể, riêng đối tượng là người Nha Trang giảm khoảng 80%. Qua đó, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, mỹ quan đô thị, môi trường du lịch lành mạnh, đảm bảo an sinh xã hội.
 
Cần tiếp tục thực hiện
 
Hiện nay, tình trạng người lang thang xin ăn vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Bởi vì trong số các đối tượng được tập trung trong 4 năm qua chỉ có 95 người là người Nha Trang, còn lại hơn 400 người từ địa phương khác đến. Bên cạnh đó, việc tuyển dụng nhân viên của đội cũng rất khó khăn vì mức lương thấp (3,5 triệu đồng/tháng), công việc mang tính đặc thù trong khi đối tượng lang thang xin ăn thì ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi như: giả bán hàng rong, bán vé số, giả khuyết tật, lợi dụng người già, trẻ em để đánh vào tâm lý thương tâm của người dân để xin tiền…
 
Ông Nguyễn Sỹ Khánh cho biết, trong xã hội luôn luôn tồn tại những đối tượng vì một lý do nào đó như: thiếu sự quan tâm, quản lý của gia đình, hoặc bị biến cố dẫn đến mất năng lực hành vi, đối tượng lười lao động, lang thang xin ăn để kiếm sống… Để tiếp tục hạn chế người lang thang xin ăn trên địa bàn, với mục tiêu cuối cùng không chỉ vì một thành phố văn minh mà còn vì tương lai của các đối tượng yếu thế, UBND tỉnh cần sớm cho phép TP. Nha Trang tiếp tục thực hiện đề án trong thời gian tới (giai đoạn 2020 - 2025). Đồng thời, UBND tỉnh cần xem xét hỗ trợ kinh phí và nâng mức lương cho nhân viên hợp đồng ngang hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định để đảm bảo cuộc sống. Mặt khác, để đề án đạt được kết quả cao hơn nữa rất cần sự phối hợp của các địa phương trong tỉnh về công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân; tăng cường quản lý nhân khẩu, đảm bảo an sinh xã hội, dạy nghề, giải quyết việc làm cho đối tượng lang thang xin ăn còn sức lao động.
 
VĂN GIANG