10:03, 23/03/2020

Cải cách việc họp

Nhằm phòng, chống dịch Covid-19, tuần qua, một số cuộc họp trực tiếp của tỉnh và các cơ quan đã được tạm dừng hoặc chuyển qua làm việc trực tuyến, nhưng công việc không vì thế bị đình trệ. Nhiều người đề xuất, nên chăng cải cách việc họp?

Nhằm phòng, chống dịch Covid-19, tuần qua, một số cuộc họp trực tiếp của tỉnh và các cơ quan đã được tạm dừng hoặc chuyển qua làm việc trực tuyến, nhưng công việc không vì thế bị đình trệ. Nhiều người đề xuất, nên chăng cải cách việc họp?


Giảm, hoãn họp trực tiếp


Ngày 16-3, cuộc họp của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đắc Tài với Hội đồng tuyển dụng công chức tỉnh đã tạm hoãn, giải quyết những việc cấp bách hơn. Ngày 17-3, cuộc họp của Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Xuân Thân với Ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh về triển khai công tác năm 2020 được tiết giảm thành cuộc họp nội bộ để tránh tập trung đông người. Hôm sau, hội nghị ký kết giao ước thi đua năm 2020 Khối các cơ quan tổng hợp đã chuyển từ trực tiếp sang gián tiếp để phòng, chống dịch. Ngày 20-3, Hội thi kỹ năng nghề đã hoãn lại; ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã điều chỉnh lùi thời gian khai mạc... Tất cả đều chung lý do phòng, tránh dịch Covid-19.


Trước đó, từ ngày 12-3, theo chỉ thị hỏa tốc của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, tòa án nhân dân 2 cấp tỉnh đã tạm dừng mọi hoạt động nhận đơn từ, tài liệu tiếp công dân trực tiếp tại trụ sở, cấp tống đạt, thông báo trực tiếp các văn bản cũng như tạm dừng mở các phiên tòa, phiên họp, triệu tập đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân đến đối với các vụ án, vụ việc còn hạn giải quyết. Việc tiếp nhận đều qua dịch vụ bưu chính, phương tiện điện tử hoặc các phương thức khác theo quy định. Các vụ án, vụ việc hết thời hạn giải quyết thì mở phiên tòa, phiên họp nhưng chỉ những người tham gia tố tụng tham dự.


Tiết kiệm, an toàn, hiệu quả


Không phải tất cả cuộc họp trực tiếp đều bị hoãn, lùi. Người dân vẫn thấy cấp Trung ương và tỉnh thường xuyên họp bàn về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và những vấn đề kinh tế, an sinh xã hội cần giải quyết gấp. Có điều, thời lượng họp được rút ngắn; nội dung họp tập trung vào các vấn đề cần huy động trí tuệ, cần thống nhất...; bớt những nội dung mang tính thủ tục; bớt các cuộc họp chưa thật sự cấp bách.


Cần khẳng định, hoãn, lùi họp trực tiếp không có nghĩa hoãn làm việc. Các cuộc họp trực tuyến, cách xử lý công việc qua mạng đã phát huy hiệu quả: cấp huyện không cần tấp nập chạy xe lên tỉnh, cấp tỉnh không phải ra tận Trung ương dự họp, nhưng mọi vướng mắc công việc vẫn được giải đáp, chỉ đạo kịp thời. Thực tế, từ đầu mùa dịch đến nay, Trung ương và tỉnh đều rất quyết liệt chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, động viên người dân không hoang mang, bi quan, nỗ lực sản xuất kinh doanh. Ở những cơ quan tạm ngưng giao ban trực tiếp, chuyển sang chỉ đạo qua mạng, công việc hàng ngày vẫn trơn tru. Tuần qua, Khối thi đua các cơ quan tổng hợp chuyển sang gửi dự thảo văn bản qua mạng để lấy ý kiến từng nội dung. Trưởng khối sẽ căn cứ vào số lượng ý kiến thống nhất của đa số để hoàn chỉnh, gửi lại cho các đơn vị ký giao ước thi đua. Ở ngành Giáo dục, thầy, cô giáo tích cực giao bài, nhắc nhở học trò, kết nối với phụ huynh qua zalo, facebook; Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với KTV thực hiện các bài giảng trên truyền hình, qua đó giúp học sinh ôn luyện, củng cố kiến thức, không chểnh mảng. Việc dạy học trực tuyến đã nhận được sự đồng tình của phụ huynh, học sinh.


Tại cuộc họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử ngày 12-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, làm tốt Chính phủ điện tử, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng công nghệ trong họp, chỉ đạo điều hành, học tập, khai báo điện tử… cũng là giải pháp ngăn ngừa Covid-19. Quan điểm này tiếp tục được Thủ tướng nhắc lại tại hội nghị trực tuyến sơ kết 3 tháng vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia chiều 13-3. Cho đến nay, một số cuộc họp trực tiếp được tiết giảm mà công việc vẫn suôn sẻ, lại an toàn, hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Điều này cũng cho thấy, không kể mùa dịch, vẫn có thể thay đổi cách họp trên tinh thần ưu tiên những cuộc họp quan trọng, giải quyết tình huống bất ngờ, khẩn cấp hay cấp thiết về an sinh xã hội, hoặc cần bàn bạc, phản biện... để đi đến đồng thuận. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội... thông qua tăng cường họp trực tuyến, xử lý công việc qua mạng..., thiết thực thực hiện Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đối với những cuộc họp theo kế hoạch, nội dung không cấp bách, hoặc họp chỉ để nghe truyền đạt rồi về thực hiện, nên chăng rút thời lượng, thành phần; thậm chí cắt bỏ, gộp nội dung, thay thế bằng gửi văn bản chỉ đạo, vừa tiết kiệm, vừa chính xác.


 Cải cách hành chính, có lẽ cũng cần cải cách cả việc họp.


NGUYỄN BÌNH