11:03, 05/03/2020

Tăng sức đề kháng cho doanh nghiệp

Theo số liệu năm 2019, toàn tỉnh Khánh Hòa có gần 1.900 doanh nghiệp. Dịch Covid-19 đang gây nên hiệu ứng domino trên khắp các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Theo số liệu năm 2019, toàn tỉnh Khánh Hòa có gần 1.900 doanh nghiệp (DN). Dịch Covid-19 đang gây nên hiệu ứng domino trên khắp các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Nhiều DN may mặc trên địa bàn tỉnh đang phải sử dụng nguyên liệu tích trữ trong kho để sản xuất, song nếu tình hình này kéo dài, nguồn vải nguyên liệu sẽ cạn kiệt, các đơn hàng khó có thể thực hiện được theo cam kết. Các DN kinh doanh dịch vụ du lịch thì cũng đang gồng mình vượt khó.


Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong tổng số 180.000 DN của 30 tỉnh, thành phố, đã có 322 DN tạm dừng hoạt động; 553 DN giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất, kinh doanh. Ở Khánh Hòa hiện chưa có con số thống kê cụ thể nhưng chắc chắn, nhiều DN cũng ở trong trạng thái hoạt động cầm chừng.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa




Ngoài những khó khăn về việc bị lệ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc, nhiều DN còn phải đền bù thiệt hại cho đối tác khi không thực hiện theo đúng hợp đồng. Có một thực tế là, không nhiều DN nghĩ đến thiên tai, dịch bệnh để thỏa thuận trong hợp đồng, nên khi xảy ra dịch Covid-19, họ phải đối phó với những trở ngại này. Nếu thương lượng tốt thì không sao, cả hai bên sẽ cùng tìm cách khắc phục, chia sẻ rủi ro; còn nếu không hậu quả sẽ thật khó lường. Đây cũng là một bài học từ dịch Covid-19 mà các DN cần lưu tâm về điều khoản trong trường hợp bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh.


Những lúc này, DN cần được tăng sức đề kháng để vượt qua khó khăn. Bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của mỗi DN, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về thuế, vốn… Tuy nhiên, đây không thể là việc làm một sớm một chiều mà cũng cần phải có thời gian. Theo Bộ Tài chính, hiện các cơ quan chức năng đang xây dựng các giải pháp về chính sách về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí. Trong đó, tập trung việc giãn thời gian nộp thuế, không phạt chậm nộp thuế, giảm chi phí sản xuất kinh doanh để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các DN chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19... Các giải pháp trên sẽ được báo cáo Chính phủ trước ngày 15-3. Đây chính là điều mà các DN trông đợi.


Rõ ràng là đứng trước khó khăn, mỗi DN cũng đã tự tìm cho mình hướng đi mới, linh hoạt chuyển đổi để tự tăng thêm sức đề kháng cho mình. Nhưng nhìn ở một khía cạnh khác, dịch Covid-19 vừa là thách thức vừa là cơ hội để các DN tự làm mới mình bằng việc tái cơ cấu bộ máy, tích cực tìm kiếm thị trường lẫn nguồn cung ứng nguyên vật liệu mới, hạn chế thấp nhất việc lệ thuộc vào một thị trường dẫn đến bị động khi xảy ra tình huống bất khả kháng. Sau dịch bệnh, có lẽ sẽ rất nhiều DN chủ động hơn trong vấn đề này.


Dịch bệnh là điều không ai đoán trước, lường trước. Với các DN, lúc này họ đang rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để vượt qua khó khăn. Nhưng để tự cứu mình, nhiều DN cũng đang tự mình tăng cường sức đề kháng, ứng phó với dịch bệnh. Biến khó khăn, thách thức thành cơ hội - có bao nhiêu DN sẽ làm được điều này?


HẢI NGUYỆT