05:10, 06/10/2017

Báo chí và mạng xã hội

Ngày 12-10 tới đây, Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội thảo báo chí chủ đề: "Báo chí và mạng xã hội nhìn từ góc độ đạo đức nghề nghiệp của người làm báo".

Ngày 12-10 tới đây, Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội thảo báo chí chủ đề: “Báo chí và mạng xã hội nhìn từ góc độ đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”.


Đây là chủ đề thiết thực, nhiều ý nghĩa.


Nói vắn tắt, mạng xã hội là dịch vụ nối kết các thành viên cùng sở thích trên Internet lại với nhau, với nhiều mục đích khác nhau, không phân biệt không gian và thời gian. Có độ tương tác rất cao là một trong những ưu điểm nổi trội của mạng xã hội.


Thông tin của mạng xã hội phong phú, đa dạng. Cũng như các sản phẩm của văn minh nhân loại khác, tính hữu dụng của mạng xã hội hoàn toàn phụ thuộc vào người sử dụng. Ở Việt Nam, bên cạnh số đông người sử dụng mạng xã hội để bày tỏ quan điểm, ý kiến nghiêm túc về những vấn đề quan tâm, vẫn có không ít người lợi dụng mạng xã hội để tung tin “vịt”, dối trá, bịa đặt, với nhiều mục đích khác nhau, trong đó có cả ý đồ chống phá cách mạng nước ta. Báo chí truyền thống sàng lọc, kiểm chứng thông tin trước khi xuất bản. Mạng xã hội thì ngược lại. Mối nguy hiểm là ở đó. Người tham gia mạng xã hội, do đó, phải hết sức hiểu biết, tỉnh táo để sàng lọc thông tin một cách có trách nhiệm.


Thực tế cho thấy, hiện đã hình thành mối quan hệ khá chặt chẽ giữa báo chính thống với mạng xã hội. Thực tế này khiến một số người ngộ nhận rằng mạng xã hội đang trở thành quyền lực thứ 5, sau báo chí. Đây là cách nhìn nhận hết sức phiến diện, sai lầm.


Như trên đã nói, mạng xã hội là một thực tế, nhà báo không thể không tham gia. Tuy nhiên, trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay, nhà báo rất dễ bị cuốn theo dòng chảy đi ngược các quy định về đạo đức của người làm báo. Không phải ngẫu nhiên mà trong 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam được triển khai thực hiện từ 1-1-2017 cùng với việc thực hiện Luật Báo chí năm 2016, tại Điều 5 có quy định: “Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác”.


Kiểm soát mạng xã hội như thế nào? Đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, kiểm soát mạng xã hội là điều không khả thi. Muốn định hướng dư luận xã hội tốt, trước hết chúng ta phải minh bạch thông tin, càng có ít nội dung nhạy cảm thì càng có ít đất để các thế lực thù địch lợi dụng. Tiếp đến, chúng ta cần phản ứng nhanh với các thông tin sai trái xuất hiện trên mạng xã hội. Có thông tin đúng càng sớm thì sự lan tỏa của thông tin sai càng bị hạn chế. Thứ nữa, các cơ quan quản lý cần được trang bị kỹ năng tốt để phản ứng hiệu quả trước mọi thông tin xuất hiện trên mạng xã hội.


Trong cuộc giao ban ngành mới đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, báo chí trong thời đại mới gắn chặt với truyền thông số. Nếu không tiến bộ, báo chí sẽ có nguy cơ tụt hậu so với mạng xã hội. Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Báo chí xử lý quyết liệt các trường hợp cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích; đưa tin không đúng sự thật. Kiên quyết không để tình trạng báo chí bị dẫn dắt bởi các thông tin trên mạng xã hội.


Không chỉ có các cơ quan báo chí, không chỉ có những người làm báo mà tất cả những người tham gia mạng xã hội đều cần sự tỉnh táo, sáng suốt và tinh thần trách nhiệm cao trong sàng lọc thông tin. Có đồng hành, có tham gia, nhưng đừng để bị mạng xã hội dẫn dắt!


PHONG NGUYÊN