11:09, 28/09/2017

Liên kết vùng

Ngày 24-9, tại TP. Đà Nẵng, lãnh đạo 9 tỉnh, thành khu vực duyên hải miền Trung, từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, có cuộc họp đánh giá kết quả liên kết của các địa phương trong vùng; tìm hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả liên kết trong phát triển.

Ngày 24-9, tại TP. Đà Nẵng, lãnh đạo 9 tỉnh, thành khu vực duyên hải miền Trung, từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, có cuộc họp đánh giá kết quả liên kết của các địa phương trong vùng; tìm hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả liên kết trong phát triển.


Mối liên kết này bắt đầu hình thành từ tháng 7-2011, trên tinh thần tự nguyện, bình đẳng, các bên cùng có lợi. Mục tiêu nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và toàn vùng. Trước mắt, ưu tiên tập trung một số lĩnh vực trọng yếu, có tính khả thi cao như: phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ liên tỉnh; hạ tầng và sản phẩm du lịch; kinh tế biển và đào tạo nguồn lực phục vụ kinh tế biển...


Theo Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung, sau 5 năm thực hiện, nhận thức về hợp tác phát triển của các địa phương đã có chuyển biến rõ rệt. Bước đầu đã có một số hoạt động cụ thể như:


xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu vùng duyên hải miền Trung; thúc đẩy xúc tiến đầu tư trực tiếp vào các địa phương trong vùng; phối hợp nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển các khu công nghiệp hỗ trợ trong vùng; phát hành các ấn phẩm về liên kết, giới thiệu sản phẩm du lịch của vùng...


Những kết quả trên tuy còn khiêm tốn nhưng có ý nghĩa đặt nền móng cho liên kết phát triển vùng.


Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, Trưởng ban Điều phối vùng năm 2017, nội dung hợp tác về kinh tế giữa các địa phương còn đơn điệu, vẫn chủ yếu thực hiện ở phạm vi nhỏ lẻ, sự vụ giữa các doanh nghiệp, các địa phương giáp ranh trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án liên quan; chưa thật sự xuất phát từ yêu cầu liên kết thực tế trong điều kiện vận hành của cơ chế thị trường.


Trước mắt, hãy còn rất nhiều vấn đề cần tập trung tháo gỡ để thực hiện liên kết phát triển vùng đạt hiệu quả cao hơn.


Hiện nay, từng địa phương trong vùng đều đã được phê duyệt quy hoạch kinh tế - xã hội (KT-XH) đến năm 2020, thậm chí có nơi đến năm 2025 - 2030. Nội dung quy hoạch nói trên chưa thể hiện hướng liên kết vùng. Do đó, cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch từng địa phương theo hướng hài hòa cả vùng, tạo được sức mạnh tổng hợp; từ đó, xây dựng thể chế, chính sách kinh tế cho cả vùng. Phải hướng tới thống nhất chính sách ưu đãi trong cả vùng, bởi vì hiện mỗi địa phương đều cố gắng cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư bằng cơ chế, chính sách ưu đãi của riêng mình, khiến nguồn lực thiếu tập trung.


Thực tế đang đòi hỏi phải có một cơ chế chung về liên kết hợp tác phát triển vùng dưới sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ và chính sách hỗ trợ của Trung ương về nguồn lực, cơ chế ưu đãi đầu tư để vùng duyên hải miền Trung thực sự trở thành vùng kinh tế động lực của cả nước.


Cũng theo ông Lê Thanh Quang, hướng tới, Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung tập trung triển khai xây dựng Chiến lược phát triển KT-XH của toàn vùng; xác định các mục tiêu trọng điểm, các dự án cần ưu tiên đầu tư để phát triển vùng và từng địa phương, tạo ra sự đồng thuận của các địa phương trong vùng trình Trung ương, Chính phủ; xây dựng các nội dung liên kết thành chương trình quốc gia, có lộ trình cụ thể từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.


Tại cuộc họp ngày 24-9, Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận về nguyên tắc 10 nội dung làm cơ sở cho các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn và phối hợp với Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung triển khai nghiên cứu xây dựng thành quy định hoặc đề án cụ thể. Theo đó, về quan điểm phát triển, đặt mục tiêu và yêu cầu phát triển vùng duyên hải miền Trung là địa bàn trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam, có ý nghĩa quan trọng về KT-XH và an ninh - quốc phòng.


Mặc dù phải hứng chịu nhiều thiên tai, năm 2016, tổng GRDP của 9 tỉnh, thành vùng duyên hải miền Trung đạt 465,7 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 10,3% cả nước. Hầu hết các tỉnh, thành trong vùng đều có tốc độ tăng trưởng trên 8,4%/năm giai đoạn 2011 - 2016, cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước là 5,9%/năm. Thực hiện liên kết có hiệu quả sẽ tạo một lực đẩy mới cho phát triển KT-XH vùng duyên hải miền Trung.


PHONG NGUYÊN