09:02, 04/02/2019

Nồi bánh tét nhớ thương

Mỗi năm, những trận lụt sau khi để lại lớp phù sa dày cho mùa màng tốt tươi cũng chịu nói lời tạm biệt Ninh Hòa, trả lại vẻ hiền hòa cho dòng Dinh tươi mát. Thế nào chị tôi cũng gọi qua nói chuyện quê nhà, kể lúc đi giẫm nước lụt đã đời, hay bà con chộn rộn dọn dẹp bùn non chất lớp.

1. Mỗi năm, những trận lụt sau khi để lại lớp phù sa dày cho mùa màng tốt tươi cũng chịu nói lời tạm biệt Ninh Hòa, trả lại vẻ hiền hòa cho dòng Dinh tươi mát. Thế nào chị tôi cũng gọi qua nói chuyện quê nhà, kể lúc đi giẫm nước lụt đã đời, hay bà con chộn rộn dọn dẹp bùn non chất lớp. Trước khi cúp máy, lúc nào chị cũng thỏ thẻ, Tết này cậu có về không để tui biết đường mà tính? Mấy chữ “biết đường mà tính” của chị nghe nhẹ hều nhưng thiệt ra nặng lắm. Nào là chuẩn bị gạo, mì tặng bà con xóm làng ăn Tết. Mua củ kiệu về làm mấy hũ thiệt to ăn với bánh tét chiên giòn. Ra chợ lựa tai, mũi heo về ngâm với nước mắm nhĩ để lai rai nhậu cùng gia đình ruột thịt. Hay dặn nhà trồng hoa cúc để dành chậu nào to, đẹp nhất về chưng bởi tôi mê hoa cúc Ninh Giang số một. Và đặc biệt, dặn dì Tám làm mấy đòn bánh tét ngon nhất, nhiều mỡ nhất để cúng ông bà, các bác.

 


Vậy mà năm nay chị bảo, dì Tám giờ yếu rồi, chẳng thể ngồi lâu gói bánh tét như những ngày xưa nữa. Buồn ghê!


2. Dì Tám là em ruột của má tôi, con gái út cưng của bà ngoại. Chồng mất sớm, để lại 3 đứa con, dì làm quần quật mấy chục năm trời mà không khá nổi. Dì là đầu bếp nổi tiếng của làng Vĩnh Phú. Cưới hỏi, giỗ chạp, tiệc tùng, đi qua hú một tiếng, dì ra tay, khách khứa bằng lòng ngay. Dì có hơn chục món trong thực đơn để vui lòng khách. La-gu gà có cà rốt, khoai tây, khoai sáp nấu với nước dừa béo ngọt; gỏi ngó sen tôm thịt ăn với bánh phồng tôm giòn rụm; vịt ướp chao hay ngũ vị hương nướng than thấm ơi là thấm; vắt xôi trộn đường, nước dừa, có màu đỏ của gấc, xanh của lá dứa, tím của lá cẩm, mỗi đứa mỗi nắm làm quà; rồi bánh xu xê, bánh đậu xanh…


Và đặc biệt là món bò quanh bếp hồng nhiều người mê. Phải lựa bò bắp pha tí gân, xắt mỏng, ướp chung với ngũ vị hương, hành tây, mè rang, sả, ớt, tỏi cho thấm, rồi cho vô thố. Khách tới, để trong đĩa đá có cồn bưng lên bàn. Bật bếp khoảng mười phút, giở nắp, trộn đều, mùi thịt bò thấm gia vị, mùi sả, ngũ vị hương, hành tây bốc khói thơm ngút ngàn. Gắp bỏ chén, ăn với lát bánh mì chỉ còn biết gật gù tấm tắc khen ngon.


Những ngày không nấu đám, dì dọn hàng bán trước nhà. Lúc thì bánh ướt, bánh bèo, khi thì bánh dây bánh hỏi. Bánh hỏi chắc ai cũng rành, riêng bánh dây thì hơi lạ. Bánh làm bằng bột năng trộn bột gạo, nặn thành dây như bún, chồng chéo dính với nhau không lối hàng, thứ tự. Khi bán, lấy tay rứt một khúc bánh dây trộn với bánh hỏi, phết mỡ hẹ, rưới tôm, chan mắm tôm, thêm tí ớt đỏ. Ngon hú cả hồn nhé.


Trưa dì làm rổ bánh để tự mình hay sai con bưng khắp nơi bán. Khi thì bánh nậm, khi thì tai vạc. Những ngày mưa bão, dì che miếng bạt trước cửa nhà tôi đúc bánh xèo. Mưa càng to, bánh xèo càng đắt. Bởi chẳng có gì đã hơn khi ngồi bên lò lửa bừng đỏ, ấm áp. Không thịt, trứng, tôm mực, chỉ có bột, giá, miếng mỡ mỏng và vài cọng hành, nhưng đúc mỏi tay mà không hết khách. Trời nắng, dì chuyển qua đổ bán bánh căn… Dì coi mỗi cái bánh, món ăn, dẫu lời vài trăm bạc, là một sản phẩm chỉn chu, chất lượng đủ đầy.


3. Mới đầu tháng Mười, dì đã lên Ninh Đông tìm mua nếp về trữ. Phải là nếp lúa cũ mới thơm, dẻo và ngon. 23 tháng Chạp, tự tay dì đi lựa từng bẹ chuối tươi, rọc lá, đem ủ cho dịu xuống. Rồi dì ra chợ mua dây sống lá, về ngâm qua đêm, ngồi tuốt kỹ càng. Dì kêu bé Tơ vò đậu xanh, đậu phộng để riêng cho ráo nước; hối Ti qua xóm Lò Heo lấy thịt mỡ về xắt thành từng miếng dài cả gang tay, ướp với đường muối tiêu hành. Mỡ dày, khi luộc thấm vô hột nếp căng bóng mới ngon, chứ nhiều nạc thì khô lắm.


Sáng 29 Tết, dì bật cassette, nghe Hữu Phước với Lệ Thủy hát “Nấu bánh đêm xuân” rồi ngồi lên chiếu. Cứ trải lá rồi múc nếp, bỏ đậu, thịt, cột dây, siết chặt. Hết đòn này tới đòn khác đều nhau, mười đòn như một. Chẳng biết dì gói bằng cách nào mà bánh vừa đủ chặt, không quá lỏng để nước lọt vô nhão nhoẹt, chẳng quá mạnh tay hơi không đủ, bánh sẽ sống.


Trước hiên nhà, ngay bãi đất trống, Tí đã kê ba hòn đá thành ông lò, chụm củi cháy phừng phựt. Dì nâng niu chất từng đòn bánh vô nồi, đổ nước xâm xấp, lấy lá chuối lèn bên trên rồi bắc lên bếp. Trời tối dần. Bóng đêm chầm chậm buông lơi. Sương rơi ướt vai lành lạnh. Bên ánh lửa hừng hực đỏ, mười mấy đứa cháu nhỏ to cùng những người lớn chung cội nguồn, ngồi quây quần nghe dì kể đủ chuyện trên đời.


4. Gần 20 năm tha hương, đi về vội vã. Có về ăn Tết cũng cận giao thừa mới tới được nhà nên tôi cũng không có cơ hội ngồi xem dì gói bánh. Lũ trẻ ăn chung, ngủ chung, quây quần trong mảnh đất của ngoại bên bến sông Dinh thuở nào giờ có vợ có chồng, chen chúc nhau xin đất cất nhà. Mỗi người mỗi cảnh, mỗi đứa một cuộc đời. Đứa Hà Nội, Sài Gòn, đứa Ban Mê Thuột, Nha Trang, có người như tụi tôi thiên di sang tận trời Âu Mỹ. Nhiều khi tới giỗ ông bà, vội vã về thắp cây nhang, ăn chén cơm, nhắc năm bảy chuyện cố tỷ cố lai rồi cười hỉ hả.


Và đòn bánh tét của dì, có vẻ giản đơn, không gói, không làm được thì ra chợ mua bao nhiêu mà chẳng có. Nhưng trong câu chuyện của anh chị em chúng tôi, mùi nếp lúa cũ, thịt mỡ, hành tiêu quyện với mùi lá chuối nồng nàn nấu bằng củi me đã trở thành một thứ đặc sản không thể nào định giá. Lớn lên, dọc ngang trăm ngả, nhiều lúc tự nhiên chắt lưỡi thèm miếng bánh dẻo nhẹo, béo ngậy thịt mỡ của dì. Thầm nhủ với lòng, ước gì có một mâm chiên giòn, chấm với xì dầu giã ớt tỏi cay xè, bao nhiêu cũng hết.


Bánh tét của dì đã trở thành kỷ vật thiêng liêng, một miền nhớ khôn nguôi đong đầy ký ức ngọt ngào, dù đi hết cuộc đời này cũng chẳng bao giờ quên bỏ.


Nguyễn Hữu Tài