08:02, 11/02/2013

Trái tim còn nhịp đập, còn xúc cảm về Trường Sa

“Nhạc sĩ của Trường Sa” là biệt danh mà nhiều người trân trọng đặt cho nhạc sĩ Hình Phước Long. Nhưng với ông, viết về Trường Sa đơn giản là nghĩa vụ của một công dân, là trách nhiệm của một nghệ sĩ. Khi trái tim còn nhịp đập, xúc cảm về Trường Sa vẫn thôi thúc ông.

“Nhạc sĩ của Trường Sa” là biệt danh mà nhiều người trân trọng đặt cho nhạc sĩ Hình Phước Long. Nhưng với ông, viết về Trường Sa đơn giản là nghĩa vụ của một công dân, là trách nhiệm của một nghệ sĩ. Khi trái tim còn nhịp đập, xúc cảm về Trường Sa vẫn thôi thúc ông.

Một ngày cuối năm, chúng tôi tới gặp nhạc sĩ Hình Phước Long tại nhà ông (số 38/8 đường 2-4, Nha Trang). Ông vui mừng cho biết vừa hoàn thành một số ca khúc và bài ký về Trường Sa để tham dự cuộc thi tác phẩm báo chí và ca khúc, chủ đề "Trường Sa và biển đảo quê hương Khánh Hòa".

Từ lời hứa với Trường Sa

“Tôi chưa hề biết quần đảo Trường Sa là gì. Nhưng tôi xin hứa, tôi sẽ có một ca khúc viết về Trường Sa. Còn bao giờ và lúc nào thì tôi chưa biết được”. Đây là những dòng lưu bút được nhạc sĩ Hình Phước Long ghi vào năm 1980, khi ông có dịp vào Lữ đoàn 146 để dàn dựng chương trình văn nghệ. Tâm niệm đó cứ đeo đuổi trong trái tim, ý nghĩ của ông. Nhưng viết về Trường Sa thế nào khi vốn sống của ông lúc đó chỉ vẻn vẹn là những câu chuyện được đọc trên sách, báo; là những thước phim tư liệu đen trắng mang tựa đề “Tổ quốc trên một vùng đảo nhỏ” và những bức ảnh trong nhà truyền thống của Lữ đoàn 146. “Nhạc sĩ muốn có tác phẩm hay, phải có vốn sống phong phú. Nhưng tôi lại chưa được đến Trường Sa...”.

Cảm xúc về Trường Sa luôn thôi thúc nhạc sĩ Hình Phước Long không ngừng sáng tác.
Cảm xúc về Trường Sa luôn thôi thúc nhạc sĩ Hình Phước Long không ngừng sáng tác.

Tuy nhiên, nhạc sĩ sinh ra bên dòng sông Dinh thơ mộng vẫn luôn tâm niệm phải có được ca khúc về Trường Sa. Ròng rã 2 năm, cho đến một buổi chiều cách đây hơn 30 năm, ông đã mở được “cánh cửa” cảm xúc về Trường Sa. “Khi ấy, tôi tham dự trại sáng tác âm nhạc của tỉnh Phú Khánh. Một buổi chiều, tôi đạp xe dọc bờ biển Nha Trang, bỗng bắt gặp một thiếu nữ mặc áo dài (hình ảnh hiếm thấy lúc bấy giờ) ngồi trên ghế đá, hướng mắt ra biển, mái tóc thề bay bay trong gió. Tôi chợt vẩn vơ: Có khi nào cô gái ấy có người yêu ở Trường Sa? Nếu người yêu cô nhắn lời yêu thương thì những con sóng kia có mang đến được không? Rồi tôi lại nhớ, thuở nhỏ, má vẫn hát ru anh em tôi: Khi xa sát vách cũng xa/Khi gần muôn nẻo đường xa cũng gần. Thế là tôi lấy giấy bút, viết những dòng đầu tiên: Không xa đâu Trường Sa ơi!/Không xa đâu Trường Sa ơi!/Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh/Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em.

Những lời ca đầu tiên của “Gần lắm Trường Sa” đã được nhạc sĩ Hình Phước Long viết ra như vậy. Sau đó, ông cùng em trai là nhạc sĩ Hình Phước Liên về thăm nhà ở Ninh Hòa. Ở đây, ông tiếp tục viết những ca từ, nốt nhạc thiết tha, sâu lắng và sau 45 phút, ca khúc đã hoàn thành mà không phải chỉnh sửa chút nào. Khán giả đầu tiên của ca khúc đó chính là nhạc sĩ Hình Phước Liên. Nghe anh trai đàn và hát xong, ông đã nhận xét: “Đây là một trong những ca khúc hay nhất của trại sáng tác”.

Bản thảo ca khúc “Gần lắm Trường Sa”.
Bản thảo ca khúc “Gần lắm Trường Sa”.

Kết thúc trại sáng tác năm đó, 12 ca khúc của 10 nhạc sĩ trong và ngoài tỉnh được thu âm vào băng cassette và phát hành rộng rãi trong toàn quốc. Ở khu vực trước Trung tâm Văn hóa tỉnh bây giờ, hệ thống loa phát thanh thường xuyên phát ca khúc này. Gần 1 năm liên tục, ca khúc “Gần lắm Trường Sa” đã thấm vào tâm hồn biết bao người dân phố biển. “Sau khi phát hành băng cassette, tôi có dịp lên Lạng Sơn, thấy đoàn nghệ thuật trên đó đang dàn dựng ca khúc này. Đến Cà Mau, tôi cũng thấy biểu diễn ca khúc của mình. Đó thực sự là niềm hạnh phúc không gì đánh đổi của đời nghệ sĩ”, nhạc sĩ Hình Phước Long tâm sự.

Từ một lời hứa, nhạc sĩ Hình Phước Long đã miệt mài ấp ủ, tìm kiếm cảm xúc để viết nên một ca khúc xao xuyến lòng người. Hơn 30 năm trôi qua và còn nhiều năm về sau nữa, ca khúc “Gần lắm Trường Sa” vẫn mãi sống trong trái tim mỗi người dân Việt Nam.

Dạt dào cảm xúc Trường Sa

Sau ca khúc “Gần lắm Trường Sa”, nhạc sĩ Hình Phước Long đã tự coi việc sáng tác ca khúc về Trường Sa là bổn phận của mình. Ca khúc thứ hai “Gặp nhau trên đảo Sinh Tồn” được ông sáng tác khi vừa trải qua cơn bạo bệnh. “Năm 1983, Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng đi biểu diễn phục vụ chiến sĩ ở Trường Sa. Lúc đó, đồng chí Cung Giũ Phú (Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin bấy giờ) đã gọi tôi lên, đề nghị viết một ca khúc về Trường Sa. Tuy sức khỏe không tốt, nhưng được sự động viên của anh em, đồng nghiệp, tôi vẫn quyết tâm thực hiện”, nhạc sĩ tâm sự. Ca khúc vừa hoàn thành đã được ca sĩ Anh Đào gấp rút tập để kịp đi diễn ở Trường Sa. Năm 1984, ca khúc này được Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi sáng tác ca khúc về quê hương, đất nước.

Các chiến sĩ ở Trường Sa thường hát những ca khúc của nhạc sĩ Hình Phước Long.
Các chiến sĩ ở Trường Sa thường hát những ca khúc của nhạc sĩ Hình Phước Long.

Phải đến năm 1984, “cha đẻ” của 2 ca khúc hay về Trường Sa mới được đặt chân đến đây. Chuyến đi đối với ông như một dịp để kiểm chứng những gì đã viết. Điều khiến ông vui nhất là những suy nghĩ, tưởng tượng của ông về Trường Sa và được thể hiện qua ca khúc không quá cách xa hiện thực. Ông đã ôm đàn ghi ta, say sưa hát những ca khúc đó cho bộ đội nghe. “Tôi không phải là người hát hay, nhưng khi được anh em trên đảo đề nghị, tôi đều hát. Mỗi lần tôi hát tặng bộ đội, anh em đều đến rất đông và hát cùng”, ông nhớ lại.

Từ chuyến đi đó, ông đã làm đầy thêm cảm xúc về Trường Sa. Một kỷ niệm khó quên với ông là khi đến đảo Sơn Ca, hoàng hôn cũng vừa buông. Ông thấy phía Đông đảo không có ai, còn ở phía Tây có rất nhiều chiến sĩ ngồi bên nhau, lặng im nhìn về phía đất liền. Hỏi một chiến sĩ, ông mới biết anh em nhớ nhà và thường ngồi với nhau như vậy vào lúc chiều tà. Ấn tượng đó đã dâng trào cảm xúc và thôi thúc ông sáng tác ca khúc “Tâm tình người lính Trường Sa”; sau đó là ca khúc “Tiếng hát đảo Sơn Ca”.

Đến thời điểm này, nhạc sĩ Hình Phước Long đã có 18 ca khúc viết về Trường Sa. Ngoài những ca khúc đã kể, ông còn có những ca khúc được công chúng đón nhận như “Đêm trên đảo Thuyền Chài”, “Lung linh hồn biển”... Với ông, viết về Trường Sa là phải thổi được cái hồn dân gian, dân tộc vào. Có lẽ vì thế, các ca khúc của ông đều mang âm hưởng dân ca.

Ngoài sáng tác ca khúc, nhạc sĩ Hình Phước Long còn có nhiều bài ký về Trường Sa được đăng trên báo, tạp chí trong nước. Mới đây, ông đã hoàn thành bản thảo tự truyện “Ký ức Trường Sa”. Ở tuổi lục tuần, nhạc sĩ Hình Phước Long vẫn không ngừng lao động nghệ thuật. Và cảm xúc về Trường Sa vẫn đầy ắp trong ông...

GIANG ĐÌNH