08:12, 17/12/2018

Lọc màng bụng bằng máy: Thêm lựa chọn cho bệnh nhân suy thận

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa vừa áp dụng kỹ thuật lọc màng bụng bằng máy cho bệnh nhân bị suy thận mạn tính. Đây là phương pháp mới, nhiều ưu điểm so với lọc bằng tay, chỉ được áp dụng ở một số bệnh viện tuyến Trung ương và vài bệnh viện tuyến tỉnh.

Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa vừa áp dụng kỹ thuật lọc màng bụng bằng máy cho bệnh nhân bị suy thận mạn tính. Đây là phương pháp mới, nhiều ưu điểm so với lọc bằng tay, chỉ được áp dụng ở một số BV tuyến Trung ương và vài BV tuyến tỉnh.


Bác sĩ Nguyễn Lương Kỷ - Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, BVĐK tỉnh cho biết, lọc màng bụng là 1 trong 3 phương pháp hữu hiệu điều trị suy thận mạn tính giai đoạn cuối, 2 phương pháp còn lại là chạy thận nhân tạo và ghép thận. Gần 10 năm nay, khoa đã áp dụng phương pháp lọc màng bụng bằng tay cho 90 bệnh nhân đủ điều kiện. Phương pháp này có nhiều ưu điểm như: bệnh nhân có thể tự thực hiện lọc tại nhà, sức khỏe ổn định hơn, có thể sinh hoạt như người bình thường mà không phải thường xuyên đến BV... Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là bệnh nhân phải tự thay dịch 4 lần/ngày, mỗi lần cách nhau 5 - 6 giờ nên mất thời gian và bất tiện trong sinh hoạt, phải đặt dẫn lưu ổ bụng thường xuyên nên có nguy cơ nhiễm trùng cao nếu không đảm bảo vệ sinh tốt. Một số người bệnh như trẻ em, người già không thể tự thay dịch được mà cần người hỗ trợ…

 

Một bệnh nhân được lọc màng bụng bằng máy tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Một bệnh nhân được lọc màng bụng bằng máy tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.


Để tìm ra phương pháp tối ưu hơn cho bệnh nhân, đầu tháng 12, khoa áp dụng phương pháp lọc màng bụng bằng máy cho bệnh nhân. Ưu điểm so với lọc bằng tay là máy được kết nối với bệnh nhân vào ban đêm khi ngủ, được cài đặt tự động lọc trong 9 - 10 giờ. Vì thế, ban ngày, bệnh nhân có thể sinh hoạt như người bình thường, không phải canh giờ để lọc như bằng tay; nguy cơ nhiễm trùng rất thấp...


Là bệnh nhân đầu tiên sử dụng phương pháp này, bà Trần Thị M. (xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang) bị suy thận mạn tính 3 năm nay cho biết: “Sau khi sử dụng, tôi thấy sức khỏe của mình tốt hơn nhiều, không phải làm phiền con cháu canh thay dịch như lọc bằng tay. Sau khi xuất viện, tôi dự định đặt mua 1 cái để ở nhà tự lọc”. Bệnh nhân Nguyễn Phương H. chia sẻ: “Tôi sử dụng phương pháp lọc bằng tay điều trị suy thận mạn tính hơn 5 năm, nó cũng bất tiện, nhất là khi đi công tác xa. Sau khi nghe tác dụng của phương pháp sử dụng lọc bằng máy, tôi đang có dự định đặt mua”. 

 

Máy lọc màng bụng có tên Homechoice Claria, do Công ty Baxter Healthcare của Mỹ sản xuất, có giá khoảng 140 - 160 triệu đồng. Chi phí hóa chất, vật tư, dây truyền khoảng 1 triệu đồng/ngày. 

Hiện nay, để tiện cho việc hướng dẫn, giải đáp thắc mắc, Khoa Hồi sức tích cực chống độc đã thành lập nhóm trên zalo cho những bệnh nhân suy thận mạn tính đang sử dụng phương pháp lọc màng bụng bằng tay và máy. Đây còn là nơi để các bệnh nhân, bác sĩ trao đổi những kinh nghiệm trong quá trình áp dụng phương pháp này.


Theo bác sĩ Kỷ, tất cả bệnh nhân đang lọc màng bụng bằng tay đều có thể sử dụng máy lọc màng bụng. Nhờ được lọc hàng ngày nên bệnh nhân ít phải hạn chế ăn kiêng và lượng nước uống. Bệnh nhân không phải đến BVthường xuyên, chỉ tái khám mỗi tháng/lần. Phương pháp này giúp kiểm soát huyết áp tốt hơn, điều trị liên tục nhẹ nhàng và cơ động, lịch trình lọc có thể điều chỉnh phù hợp với lịch sinh hoạt hàng ngày… Tuy nhiên, phương pháp này chưa được nhiều người bệnh sử dụng vì chi phí mua máy khá cao. Ngoài ra, bảo hiểm y tế chưa thanh toán các hóa chất, vật tư, dây truyền điều trị ngoại khoa khi bệnh nhân sử dụng lọc bàng bụng bằng máy.


Bác sĩ Nguyễn Văn Xáng - Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết: “Hiện nay, BV chỉ mới áp dụng phương pháp này cho những bệnh nhân điều trị nội trú. Để giúp các bệnh nhân tiếp cận được nhiều hơn phương pháp trên, BV đang làm việc với Bảo hiểm xã hội tỉnh để có thể tiến tới thanh toán bảo hiểm y tế cho những bệnh nhân điều trị ngoại trú”.


C.Đan