08:12, 17/12/2018

Phòng bệnh sán lá gan lớn ở người

Bệnh sán lá gan lớn là bệnh do ký sinh trùng lây truyền từ động vật sang người. Theo Tổ chức Y tế thế giới, năm 2015, có khoảng 50 triệu người nhiễm bệnh sán lá gan lớn và 180 triệu người có nguy cơ nhiễm bệnh.

Bệnh sán lá gan lớn là bệnh do ký sinh trùng lây truyền từ động vật sang người. Theo Tổ chức Y tế thế giới, năm 2015, có khoảng 50 triệu người nhiễm bệnh sán lá gan lớn và 180 triệu người có nguy cơ nhiễm bệnh.


Bệnh sán lá gan lớn gặp nhiều ở các quốc gia Nam Mỹ, châu Á trong đó có Việt Nam. Hiện nay, bệnh này có mặt tại 50/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt ở tất cả 15 tỉnh, thành phố của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Khánh Hòa là một trong những tỉnh, thành phố có lưu hành bệnh.


Theo bác sĩ Trần Anh Dũng - Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh sốt rét - ký sinh trùng và côn trùng tỉnh, sau khi trứng từ phân của người hoặc động vật nhiễm sán lá gan lớn rơi xuống nước, nở ra ấu trùng sẽ ký sinh trong cơ thể ốc, phát triển thành ấu trùng và tách ra bám vào các loài rau mọc dưới nước. Người hoặc trâu, bò ăn phải thực vật thủy sinh hoặc uống nước lã có ấu trùng sán lá gan lớn sẽ bị nhiễm loại ký sinh trùng này. Ấu trùng khi xâm nhập vào cơ thể người gây tổn thương gan và đường mật. Sán lá gan lớn có hai loại gồm: ký sinh trùng Fasciola hepatica và Fasciola gigantica. Hai loại này gây bệnh chủ yếu ở các loài động vật ăn cỏ như: trâu, bò, dê, cừu… và ở người. Trong cả 2 giai đoạn nhiễm trùng cấp tính và mạn tính, dấu hiệu triệu chứng thường gặp của bệnh sán lá gan lớn là sốt, mệt mỏi, suy nhược, đầy bụng, khó tiêu, đau bụng, hình ảnh giả viêm loét dạ dày, ruột, vàng da, vàng mắt. Nặng hơn có thể gây ra các biến chứng như: tắc mật, viêm tụy cấp, xuất huyết tiêu hóa, vỡ bao gan do khối máu tụ, tràn dịch đa màng… nếu điều trị không kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Ngoài ra, một người bị bệnh sán lá gan lớn có thể gặp các dấu hiệu khác như: đau khớp, ho, khò khè, khó thở, nổi ban dị ứng, ngứa…


Có khoảng 20% số ca nhiễm sán lá gan lớn không có biểu hiện triệu chứng, số còn lại chủ yếu biểu hiện ở hệ tiêu hóa của cơ quan gan - mật tùy thuộc vào từng giai đoạn. Hiện nay, với phác đồ điều trị mới, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh đạt từ 93 đến 100%, không để lại di chứng, một số trường hợp có sẹo ở nhu mô gan sau điều trị nhiều năm, nhưng cũng dần dần được xóa mờ và phục hồi chức năng gan nhanh chóng. Thuốc điều trị bệnh sán lá gan lớn được dùng bằng đường uống, thường chỉ uống một liều duy nhất (riêng phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, người có tiền sử dị ứng với thành phần của thuốc không được sử dụng). Trong quá trình điều trị, người bệnh được tái khám để đánh giá kết quả điều trị sau 1 tháng, 3 tháng, hoặc 6 tháng.


Một số yếu tố có khả năng làm gia tăng bệnh sán lá gan lớn hiện nay đó là sự phơi nhiễm gần giữa người và các vật nuôi, nguồn nước sinh hoạt, sử dụng dụng cụ nấu ăn ô nhiễm ấu trùng từ các lò mổ gia súc nhiễm bệnh, nhập khẩu nguồn gia súc từ các quốc gia có bệnh lưu hành chưa được kiểm soát. Ngoài ra, tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như ở Việt Nam làm thay đổi mô hình phát triển loài ốc - trung gi3an truyền bệnh cũng làm gia tăng bệnh nhiễm sán lá gan lớn.


Bác sĩ Dũng khuyên, thói quen ăn sống các loại rau mọc dưới nước (rau ngổ, rau rút/nhút, rau cần, rau cải xoong, rau muống) hoặc uống nước lã có sẵn ấu trùng sán chưa nấu chín là nguyên nhân chính gây bệnh sán lá gan lớn. Để phòng bệnh, người dân cần thực hiện ăn chín uống sôi. Hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh ở người. Vì thế, khi nghi ngờ mắc bệnh, người bệnh nên đến cơ sở khám, chữa bệnh chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.


Bác sĩ Tôn Thất Toàn
(Trung tâm Truyền thông GDSK tỉnh)