11:10, 31/10/2018

Nhân lực ngành Y tế: Bài toán khó

Đội ngũ y, bác sĩ trên địa bàn tỉnh có nhiều đóng góp to lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Tuy nhiên, tình trạng thiếu BS kéo dài trong nhiều năm nay đang là bài toán làm đau đầu ngành Y tế.

Bài 1: Nhiều năm không tuyển được bác sĩ


Đội ngũ y, bác sĩ (BS) trên địa bàn tỉnh có nhiều đóng góp to lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Tuy nhiên, tình trạng thiếu BS kéo dài trong nhiều năm nay đang là bài toán làm đau đầu ngành Y tế.

 

Bác sĩ đang phẫu thuật cho bệnh nhân.

Bác sĩ đang phẫu thuật cho bệnh nhân.


Những năm qua, ngành Y tế đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Nguồn nhân lực y tế được củng cố, nâng cao, phát triển cả số lượng và trình độ chuyên môn kỹ thuật… Thông qua các đề án và kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực, ngành đã đào tạo được hơn 300 BS học tại các trường đại học y dược trong cả nước. Dự kiến, đến năm 2020 có khoảng 200 BS sẽ ra trường và chính thức về công tác tại tỉnh. Bên cạnh chú trọng đào tạo BS đa khoa, ngành đã cử đi đào tạo sau đại học các chuyên khoa sâu như: chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước. Đến nay, ngành Y tế tỉnh có khoảng 5.000 cán bộ y tế, trong đó có 816 BS, chiếm 60% BS có trình độ sau đại học.


Với số lượng nhân lực hiện có, đội ngũ y, BS ở các cơ sở y tế công lập của tỉnh cơ bản đáp ứng được công tác khám và điều trị bệnh cho người dân. Tuy nhiên, theo ông Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế, công tác phát triển nguồn nhân lực của ngành vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Theo tính toán đến năm 2020, ngành Y tế tỉnh cần khoảng 1.000 BS để đạt tỉ lệ theo quy định 8 BS/10.000 dân. Thế nhưng hàng năm, nhân lực y tế của tỉnh tuyển được chủ yếu là điều dưỡng, dược sĩ trung học. Đội ngũ BS rất thiếu, trong khi đó, tỷ lệ BS về hưu, chuyển công tác chiếm khoảng 2%/năm/tổng số BS đang làm việc tại các cơ sở y tế.

 

zzBác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị cho bệnh nhân.

Bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị cho bệnh nhân.


Đi cùng với đó, tỷ lệ BS ở tỉnh phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở TP. Nha Trang. Hiện tại, tỷ lệ BS/10.000 dân ở TP. Nha Trang khá lý tưởng đạt 10,3. Trong khi đó, ở thị xã Ninh Hòa chỉ có 68 BS, đạt 2,8 BS/10.000 dân; huyện Vạn Ninh chỉ có 27 BS, đạt 2 BS/10.000 dân; huyện Cam Lâm 3,1 BS/10.000 dân; huyện Diên Khánh 4 BS/10.000 dân…


Là bệnh viện tuyến tỉnh hạng 2, nhưng nhiều năm nay, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh luôn rơi vào tình trạng thiếu BS trầm trọng. Hiện tại, bệnh viện có 44 BS; so với số giường theo chỉ tiêu, bệnh viện còn thiếu 8 BS, so với số bệnh nhân thực tế điều trị tại bệnh viện thiếu khoảng 15 BS. BS Nguyễn Hồng Quang - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh cho biết: “Trước đây, bình quân mỗi năm, bệnh viện tuyển được 1 - 2 BS. Khoảng 2 năm gần đây, không tuyển được BS nào. Trong khi đó, năm 2018 có 6 BS về hưu, xin nghỉ việc, chuyển công tác. Chính vì thiếu BS nên bệnh viện vẫn tồn tại liên chuyên khoa gồm các chuyên ngành: mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, da liễu. Nếu không tuyển được BS trong những năm tới, liên chuyên khoa này sẽ sáp nhập vào khoa ngoại”.


Ở TP. Nha Trang dù số lượng BS nhiều nhưng các bệnh viện chuyên khoa đặc thù như: lao, tâm thần lại thiếu BS nghiêm trọng. BS Hồ Tá Phương - Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh chia sẻ: “Trong quy chế chi tiêu nội bộ, bệnh viện đã thống nhất xây dựng quỹ thu hút BS. Theo đó, ngoài chế độ đãi ngộ của tỉnh, mỗi BS chịu về làm việc tại bệnh viện còn được hỗ trợ ban đầu từ 5 đến 10 triệu đồng tùy theo bằng cấp. Nhưng gần 16 năm nay, chúng tôi mới chỉ tuyển được 6 BS, trong đó có 2 BS hệ y tế dự phòng, ở hệ này BS không thể thực hiện khám, chữa bệnh mà chỉ thực hiện công tác chỉ đạo tuyến”. Hiện nay, chỉ tiêu giường bệnh của bệnh viện là 100 giường, bệnh viện còn thực hiện thêm công tác chỉ đạo tuyến, phòng chống lao trên toàn tỉnh… nhưng số BS hiện có 11 người (gồm cả Ban giám đốc). Theo nhu cầu bệnh viện còn thiếu 7 BS đa khoa, trong khi đó nguồn nhân lực đang ngày càng già đi.


Tương tự, tại Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần tỉnh, dù bệnh viện có đưa mức hỗ trợ 50 triệu đồng cho BS về làm việc, nhưng 10 năm nay bệnh viện chỉ tuyển được 2 BS. Toàn bệnh viện hiện chỉ có 11 BS, nhưng hàng ngày các BS phải “ôm” đến 170 bệnh nhân tâm thần điều trị nội trú. Chưa kể, các BS còn phải thay nhau thực hiện khám ngoại trú, đi chương trình ở cộng đồng… dẫn tới tình trạng BS làm việc quá tải.


C.Đan


Bài 2: Chính sách đãi ngộ  chưa hợp lý