01:09, 07/09/2018

Nông dân chưa mặn mà với VietGAP

Tuy VietGAP kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích như: giá cả, thương hiệu, an toàn thực phẩm, vượt qua rào cản kỹ thuật… nhưng đến nay nhiều nông dân vẫn chưa mặn mà.

Tuy VietGAP kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích như: giá cả, thương hiệu, an toàn thực phẩm, vượt qua rào cản kỹ thuật… nhưng đến nay nhiều nông dân vẫn chưa mặn mà.


Nhiều lực cản


Những năm gần đây, nông dân trong tỉnh được nghe nhiều đến 2 từ VietGAP và xem đó như một khái niệm mới của việc sản xuất an toàn, đem lại nhiều lợi ích. Song, để áp dụng VietGAP vào sản xuất thì không mấy nông dân làm được. Ông Nguyễn Thanh Bửu chuyên canh sầu riêng tại xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh cho rằng, VietGAP mang lại hiệu quả cao nhưng khó làm, bởi rất nhọc công trong việc ghi chép nhật ký trang trại.

 

Sản xuất bưởi da xanh theo VietGAP  tại xã Khánh Đông, huyện Khánh Vĩnh.

Sản xuất bưởi da xanh theo VietGAP tại xã Khánh Đông, huyện Khánh Vĩnh.


Theo ông Mai Xuân Thương - Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao, một trong những lý do khiến nông dân chưa mặn mà với VietGAP là chi phí làm VietGAP còn cao. Dẫn chứng triển khai VietGAP trên cây xoài Úc của đơn vị mấy năm trước, ông cho biết chi phí từ 16 - 20 triệu đồng/mô hình. Nếu làm GlobalGAP còn cao hơn, tới 200 triệu đồng/mô hình nhưng giá trị chỉ 2 năm. Chi phí này nhằm đánh giá chứng nhận, thuê chuyên gia phân tích mẫu đất tìm các kim loại nặng, mẫu nước và các thành phần khác như: Coliform, E.coli, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật…


Một người được xem là thành công với VietGAP tại Khánh Hòa là ông Nguyễn Thanh Lộc - Giám đốc Công ty TNHH Rau sạch Hiệp Nông Phát (xã Ninh Thân, thị xã Ninh Hòa) cũng tỏ ra ngán ngẩm khi nhắc đến VietGAP: “Hiện tại doanh nghiệp chỉ sản xuất 1ha rau nhưng cũng rất khó tiêu thụ. Làm rau VietGAP rất khổ, nhất cử nhất động đều phải thực hiện theo quy trình, chi phí cao nên giá bán khó được thị trường chấp nhận. Vì thế, hàng năm, riêng thị trường Khánh Hòa, đơn vị phải bù lỗ hàng trăm triệu đồng”.


Cần liên kết


Theo lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có nông dân nào tự đứng ra làm VietGAP. Chỉ có 6 mô hình sản xuất rau, quả, trái cây an toàn theo VietGAP được Trung tâm Chất lượng nông lâm sản và thủy sản vùng 3 chứng nhận là: Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Ninh Đông (Ninh Hòa); HTX rau an toàn Đắc Lộc (Vĩnh Phương, Nha Trang); HTX sản xuất trái cây Khánh Vĩnh; 3 vùng sản xuất tỏi: Ninh Vân, Ninh Phước, Vạn Hưng; Công ty Hiệp Nông Phát; Công ty An tâm Farm (sản xuất bưởi da xanh tại Ninh Quang, Ninh Hòa). Từ nay đến năm 2020, chi cục sẽ xây dựng thêm 4 mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn theo VietGAP gồm: chuỗi cung cấp trái cây, thịt gia súc, gia cầm, nem chua, chả lụa và thủy sản an toàn.


Ông Nguyễn Trọng Trung - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, hiện nay sản xuất nông sản an toàn theo hướng VietGAP gặp khó khăn do VietGAP đòi hỏi tiêu chuẩn cao, đầu tư lớn. Trước mắt, để khuyến khích nông dân thực hiện VietGAP, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai một số giải pháp như: hỗ trợ HTX, tổ hợp tác vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân; trưng bày, quảng bá sản phẩm qua website của Hội Nông dân, hàng năm tổ chức phiên chợ nông sản…

 

Theo Quyết định 1609, nông dân được hỗ trợ 1 lần 50% chi phí đầu tư xây dựng nhà sơ chế đóng gói, nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới tiết kiệm để trồng hoa, rau, cây lâu năm (tối đa 150 triệu đồng/cơ sở); hỗ trợ 1 lần 50% chi phí xây dựng nhà trồng nấm (tối đa 20 triệu đồng/cơ sở); hỗ trợ 1 lần 50% chi phí cấp giấy chứng nhận lần đầu tiêu chuẩn GlobalGAP (tối đa 60 triệu đồng/cơ sở); hỗ trợ 50% kinh phí lấy mẫu, phân tích mẫu sản phẩm hàng năm để duy trì việc sản xuất theo VietGAP đã được chứng nhận (tối đa 15 triệu đồng/lần/năm/cơ sở). Thời gian hỗ trợ 2 năm kể từ ngày được cấp chứng nhận lần đầu.

Theo ông Nguyễn Ngọc Việt - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, mô hình sản xuất VietGAP đã mở ra hướng đi mới cho sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, an toàn, thân thiện. Tuy nhiên, việc triển khai, nhân rộng mô hình hiện nay còn một số khó khăn như: nông dân chưa quen áp dụng VietGAP, đặc biệt là việc ghi chép nhật ký sản xuất; một số địa phương có diện tích sản xuất rau, củ quả lớn nhưng số người áp dụng chưa nhiều; thị trường đầu ra chưa ổn định, các sản phẩm an toàn khó cạnh tranh về giá so với sản phẩm khác cùng loại.  


Hiện nay, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP cho các tổ chức, cá nhân trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh (Quyết định 1609 ngày 7-6-2018). Tuy nhiên, nông dân muốn được hỗ trợ phải có sự liên kết đủ số lượng diện tích, như: sản xuất rau đủ 2ha, cây ăn quả 5ha, hoa 0,5ha, nấm 200m2. Hiện nay, các ngành đang tuyên truyền, hướng dẫn cho nông dân chính sách này.


Theo một cán bộ Chi cục Phát triển nông thôn, để chính sách thành công cần xây dựng được mối liên kết trong nông dân, không đơn thuần là liên kết về diện tích mà phải tổ chức được hình thức như HTX để đủ tư cách pháp nhân đứng ra ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, thậm chí HTX phải chịu lỗ 2 - 3 năm đầu để trụ vững với thị trường. Đến khi đã có thương hiệu thì sản phẩm VietGAP sẽ cho lợi nhuận gấp 30 - 40% so với sản phẩm thường.


V.LẠC